Vĩnh Phúc: Mô hình nuôi thủy sản thân thiện môi trường, hiệu quả kinh tế cao

ThienNhien.Net – Mô hình nuôi thủy sản không gây ô nhiễm môi trường được gia đình chị Kim Thị Hồng Nhung tại xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) thực hiện thành công đã giúp cho người nuôi thủy sản trong tỉnh có thêm phương pháp nuôi cá mới, vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo kinh nghiệm của chị Kim Thị Hồng Nhung: Ao nuôi trước khi thả cá giống phải tát cạn, vét bớt bùn dưới đáy ao. Sử dụng chế phẩm sinh học Supe Ca-100, vôi Ca-100 rắc đều đáy và bờ ao để triệt tiêu mầm bệnh, diệt dịch hại. Kết hợp bón lót phân chuồng đã ủ hoai làm thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá.
 
Trước khi thả, cá giống được tắm nước muối để diệt mầm bệnh, thả đúng mật độ. Sử dụng thức ăn công nghiệp viên, với lượng thức ăn bằng 5% trọng lượng cá có trong ao. Trong thời gian nuôi, thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học Bacillus-F2 để phân huỷ thức ăn thừa, phân cá, bùn hữu cơ cải thiện môi trường nước.

Loại cá chị Nhung chọn nuôi thử đầu tiên theo mô hình là cá rô phi đơn tính, sau 5 tháng nuôi cho thu hoạch. Đặc biệt trọng lượng cá tăng gấp 3,6 lần so với đối chứng, chiều dài toàn thân gấp 3 lần, đưa năng suất đạt 10 tấn/ha ( trước 3,7 tấn/ha), cho thu nhập từ 150-180 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trước.
 
Đặc biệt kích thước, cận nặng và chất lượng thịt thơm ngon, rắn chắc, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Môi trường ao nuôi không bị ô nhiễm, các chỉ số về độ cứng, độ PH, chất BOD, COD, ô xy hoà tan, Asen, chì, crôm, coliform, cacbonnic… đều đảm bảo dưới mức độ cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam, cá không bị bệnh, sinh trưởng và phát triển rất tốt, không bị bệnh.

Vĩnh Phúc có trên 10.000 ha mặt nước, gồm 6.000 ha vùng trũng, trên 4.000 ha ao, hồ, đầm, sông, suối tự nhiên. Hiện Vĩnh Phúc đã đưa gần 4.000 ha mặt nước vào nuôi trồng thuỷ sản, mỗi năm đạt giá trị sản xuất từ 50-60 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, phần lớn hộ nuôi thuỷ sản vẫn chủ yếu sử dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá. Nhiều hộ còn sử dụng cả các hóa chất trong quá trình nuôi đã gây ô nhiễm nguồn nước, gây ra dịch bệnh không những cho thủy sản nuôi mà còn cho cả con người sử dụng nguồn nước ô nhiễm trong sinh hoạt.