Phát triển bền vững với sản xuất sạch

ThienNhien.Net – Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, sản xuất sạch được đánh giá là một biện pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp tăng vị thế cạnh tranh nhờ giảm chi phí sản xuất. Chỉ có điều, với doanh nghiệp, để có thể thay đổi theo hướng sản xuất sạch hơn không phải là điều dễ.

Khó tiếp cận với công nghệ sạch

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, kết quả khảo sát về trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho thấy, có khoảng hơn 40% doanh nghiệp có trình độ công nghệ sản xuất lạc hậu. Chỉ có 1% doanh nghiệp có trình độ sản xuất hiện đại. Số còn lại đạt trình độ công nghệ mức trung bình. Những công nghệ mà các doanh nghiệp đang sử dụng phục vụ sản xuất tại thành phố thường có thâm niên từ vài chục năm. Do vậy, năng suất lao động thường rất thấp, hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu lãng phí. Điều này đã khiến chất lượng sản phẩm luôn trong tình trạng thiếu ổn định.

Sản xuất sạch tại một nhà máy (Ảnh: Phạm Kim Ngân/SGGP)
Sản xuất sạch tại một nhà máy (Ảnh: Phạm Kim Ngân/SGGP)

TS Lê Anh Kiên, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường TPHCM cho rằng, bản thân các doanh nghiệp ít nhiều cũng nhận thấy những hạn chế trên. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chuyển đổi sang sản xuất sạch hơn là khả năng đáp ứng về vốn, sự thiếu thông tin và kiến thức chuyên môn về các vấn đề công nghệ sản xuất. Hơn nữa, ý thức về bảo vệ môi trường và nhận thức về luật bảo vệ môi trường của họ cũng chưa thực sự rõ ràng và nhất quán. Điều này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp phải trả một chi phí rất cao cho các hoạt động sản xuất mà nguyên nhân là do năng suất sản xuất không hiệu quả. Đơn cử, nếu doanh nghiệp để rò rỉ một giọt dầu trong một giây tương đương với tổn thất 2.000 lít/ năm. Nếu tăng 10oC của nhiệt độ vận hành động cơ trên giá trị quy định sẽ làm tuổi thọ động cơ giảm một nửa.

Đại diện doanh nghiệp tư nhân Võ Hùng cho biết, doanh nghiệp của ông hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ốc vít, hàng năm chi phí cho vấn đề bảo trì máy móc tốn hàng trăm triệu đồng. Cái khó của doanh nghiệp là không đủ kinh phí đầu tư thiết bị kỹ thuật hiện đại để sản xuất và cũng không có nhiều thông tin về vấn đề này.

Cần nhiều hỗ trợ

Theo TS Lê Anh Kiên, các doanh nghiệp cần áp dụng từng bước với nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể như, giảm chất thải tại nguồn bằng cách kiểm soát quá trình xả thải tốt hơn; thay đổi nguyên liệu phù hợp hơn; cải tiến thiết bị theo hướng nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Doanh nghiệp cần mạnh dạn hiện đại hóa công nghệ sản xuất. Từ đó, thay đổi thiết kế sản phẩm, bao bì sản phẩm theo hướng hoàn thiện, tiện dụng nhưng tiết kiệm nguyên vật liệu và tăng cường sử dụng nguồn nguyên vật liệu tái chế. Quan trọng hơn, chủ doanh nghiệp cần xác định rõ, sản xuất sạch hơn không giống như xử lý cuối đường ống (xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường) mà tạo nên những sự thay đổi ngay từ khâu thiết kế, tổ chức sản xuất, thiết lập nguyên nhiên liệu sao cho mang lại các lợi ích kinh tế song song với giảm tải lượng chất thải ô nhiễm.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đều có tiềm năng giảm tiêu thụ tài nguyên từ 10% – 15% mà chưa cần đầu tư lớn. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào quan điểm đổi mới của từng chủ doanh nghiệp. Thạc sĩ Vũ Bá Minh, giảng viên Khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết, lợi ích lớn nhất mà doanh nghiệp thu được khi thực hiện sản xuất sạch hơn là tăng lợi nhuận và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bởi lẽ, sản xuất sạch không những giúp doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí cho sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường mà còn góp phần nâng cao uy tín doanh nghiệp trong cộng đồng xã hội địa phương khi tránh được hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn trong thời điểm kinh tế vốn đang còn nhiều khó khăn như hiện nay. Hơn nữa, áp dụng sản xuất sạch, doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận được các nguồn tài chính từ các chương trình ưu tiên của Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế. Đơn cử như Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) sẽ cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi nếu có kế hoạch triển khai công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Có thể thấy, áp dụng sản xuất sạch hơn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng rất cần đội ngũ tư vấn đủ uy tín và năng lực để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi. Có như vậy, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư thay đổi phương thức, công nghệ sản xuất theo hướng có lợi cho môi trường sống hơn.