Giao đất giao rừng – chủ chương hay hiện thực

ThienNhien.Net – Sau 15 năm thực hiện chủ trương giao đất giao rừng, đã có 8,1 triệu ha đất lâm nghiệp, rừng được giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Dự kiến, đến năm 2010, Chính phủ sẽ hoàn thành cơ bản việc giao, cho thuê 12,6 triệu ha rừng đến các chủ hộ thuộc mọi thành phần kinh tế để tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng. Tuy nhiên qua tìm hiểu tại một xã của huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh thì chúng ta thấy còn nhiều bất cập.

Lâm tặc chính là người dân sống gấn rừng

Đó không phải là một nghịch lý mà nó hoàn toàn là sự thật theo đúng những gì mà nó đã, đang và sẽ phải diễn ra. Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này chúng ta sẽ có được một cái nhìn sơ bộ về thực trạng giao đất giao rừng cũng như cuộc sống của những người dân ở những khu vực có rừng.

Về Sơn Kim I vào những ngày tháng 9, nếu nhìn bề ngoài chúng ta dễ lầm tưởng về một cuộc sống xung túc mà người dân nơi đây có đựơc. Nhưng sự thật lại khong hoàn toàn như vậy. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết vào năm 2002 địa phương này đã bị lũ quét tàn phá nặng nề, hậu quả là hầu hết diện tích đất canh tác bị mất do lũ tàn phá. Bởi vậy nguồn sông duy nhất của đa số các hộ dân ở đây là dựa vào rừng, nhưng đó không phải là rừng của chính họ.

Trước đây người dân cũng đã được giao rừng với thời hạn 50 năm, nhưng sau đó rừng của họ bị thu hồi để thành lập khu bảo tồn thiên nhiên. Đó là một chủ chương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta cũng như của các tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, đất của người dân còn được thu hồi để giao cho các tổ chức khác như lâm trường Hương Sơn, quân khu 4. Vô hình chung người dân bị tách ra khỏi rừng trong khi bao đời nay cuộc sống của họ hoàn toàn gắn với rừng.

Điều làm cho chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi đến Sơn Kim là từ trong nhà, ngoài ngõ, góc vườn…ở đâu chúng ta cũng thấy ngổn ngang là gỗ. Đó là thành quả trong những lần đi rừng trái phép. Nhưng cho dù có đi phá rừng thì nguồn thu này cũng không phải là lâu bền vì rừng thì ngày càng nghèo đi mà nhu cầu của con người ngày càng tăng, hơn nữa đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm

Rừng là nguồn sống duy nhất của đa số hộ dân ở đây. Anh Võ Văn Lam ở thôn Vũng Tròn cho biết: mỗi chuyến đi rừng kéo dài từ 7 – 10 ngày và họ thường đi thành đoàn 5 – 7 người, Số tiền mang lại từ những chuyến đi như thế này cũng không lớn, mỗi lần đi như vậy chỉ được khoảng 500 – 700 nghìn nếu là các loại gỗ quí. Không những thế chỉ có thanh niên, những người có sức khỏe mới có thể làm được công việc này. Trước đây họ chỉ phải đi từ 1 – 2 h đồng hồ là tới nơi khai thác nhưng hiện nay để vào khu khai thác phải đi mất cả ngày đường. Người dân ở đây cũng cho biết, các loại gỗ quí như pơmu, trắc cho đến nay hầu như đã bị tận diệt.

 Ông Huỳnh, một người dân tại thôn 12 của Sơn Kim cho biết, gia đình ông trước đây cũng được giao khoán bảo vệ rừng. Nhưng hiện nay đất rừng đã bị thu hồi để giao cho QK4 quản lý, diện tích đất trồng lúa của gia đình trước đây đã bị lũ tàn phá. Hiện tại gia đình ông chỉ còn lại khoảng 3 sào đất khai hoang trồng lạc, số lạc thu được gia đình ông không đem bán vì sợ tiêu hết mà gia đình ông để đổi lấy lúa gạo ăn hàng ngày. Số tiền mà gia đình có duy nhất hiện nay là nhờ vào những chuyến đi rừng của cậu con trai lớn.

Nông dân không có rừng – rừng có được bảo vệ

Giao đất giao rừng cho hộ gia đình là điều mới mẻ, nhưng mới ở đây là đối với cách làm và cách hiểu của của các cơ quan Nhà nước. Còn trên thực tế đối với đồng bào miền núi nó thì đó là điều hiển nhiên. Bởi vậy nên chủ chương giao đất giao rừng của Nhà nước ta là hoàn đúng đắn.

Theo cách nói của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc thì ở miền núi, rừng là tất cả, bao trùm, ám ảnh, mê hoặc, nhấn chìm. Con người vừa bị hòa tan trong rừng, là bộ phận nhỏ không thể tách rời của rừng, vừa cố phân biệt mình với rừng, bằng ngọn lửa. Bếp lửa không phải chỉ để nấu nướng. Không nấu nướng gì cả cũng phải đốt cái bếp giữa nhà sàn. Ở đó ngọn lửa sống, lúc bùng lên, lúc âm ỉ, suốt đêm, trong khi bên ngoài bốn bề là rừng âm u, mịt mùng, bí ẩn. Như vậy, rừng với đồng bào là môi trường sinh tồn và phát triển, là kinh tế và văn hóa, là vật chất và tinh thần, là kỷ niệm và ước mơ. Thật quan trọng và to lớn biết bao. Đồng bào không thể không có rừng.

Người dân đã gắn bó với rừng, nguồn sống của họ là từ rừng, văn hóa của họ cũng là văn hóa rừng. Bất kể ai trong chúng ta không ai có thể cho mình cái quyền tách người dân ra khỏi rừng. Nếu làm như vậy không những rừng không được bảo vệ mà cuộc sống của người dân cũng trở nên bần cùng, nghèo khổ.

Những gì đã và đang diễn ra tại Sơn Kim – Hương Sơn là một minh chứng rõ ràng nhất cho luận điểm trên. Cuộc sống của người dân không những không được nâng cao, rừng thì bị tàn phá. Lỗi này thuộc về ai? Tại thôn Vũng Tròn – Sơn Kim có 100 hộ dân nhưng chỉ có 5 – 7 hộ là được giao khoán đất rừng, điều đó cho thấy những gì đang diễn ra tại địa phương hoàn toàn chưa phù hợp với chủ chương của nhà nước trong vấn đề giao đất giao rừng.

Liệu người dân có chặt phá rừng trên cánh rừng mà chính họ chăm sóc và bảo vệ, câu trả lời chắc chắn là không. Tuy nhiên chính cách thức mà chúng ta đang thực hiện lại buộc họ phải làm “lâm tặc”. Tất nhiên chúng ta không ai đồng tình với hành động phá hoại này cho dù với bất kỳ lý do gì.

Theo ông Phan Văn Nhân, một người dân tại thôn 10 cho biết, nếu một ha rừng khoanh nuôi trồng keo có thể trồng được 2000 cây, sau 5 – 7 năm sẽ cho thu hoạch với giá hiện nay khoảng 60 – 100 triệu đồng. Nếu như các gia đình ở đây đều được giao rừng thì họ sẽ không phải phá rừng như trước đây nữa mà cuộc sống của họ vẫn ổn định nếu không muốn nói là người dân sẽ giàu lên từ rừng.

Hiện tại trên địa bàn xã Sơn Kim có đến 4 đơn vị nhận giao khoán và bảo vệ rừng, nếu như lâm tặc muốn vận chuyển gỗ ra ngoài thì cũng phải qua rất nhiều trạm kiển tra. Thế nhưng rừng vẫn bị tàn phá, tìm hiểu điều này chúng tôi được những người dân ở đây cho biết, để có thể qua được các trạm kiểm tra của các cơ quan chức năng họ phải “làm luật”. Tùy theo loại gỗ, kích thước mà số tiền làm luật cũng khác nhau, thông thường từ 50 – 100 nghìn đồng cho mỗi khúc gỗ. Bới vậy từ trước tới nay hoạt động này vẫn diễn ra thường xuyên nhưng chưa có trường hợp nào bị bắt và xử phạt.

Những gì đã, đang và sẽ tiêp tục diễn ra tại Kim Sơn là một câu hỏi lớn cho các nhà quản lý, những người thực hiện, giám sát quá trình thực hiện chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người viết bài này mong muốn cuộc sông người dân Kim Sơn được cải thiện hơn và họ không phải làm “lâm tặc bất đắc dĩ ” trên những cánh rừng đang ngày đêm nuôi sống họ cũng như các thế hệ tương lai.