Nhiễm độc từ những chiếc máy tính hỏng

ThienNhien.Net – Tại các bãi rác điện tử bị bỏ hoang ở miền Tây châu Phi, trẻ em nghèo đang “dọn sạch” những chiếc máy tính hỏng của các quốc gia phát triển trên thế giới. Các em đang phải trả giá đắt bằng sức khỏe của mình khi lấy kim loại để đổi lấy tiền.

Mỗi ngày có hàng nghìn chiếc máy tính hỏng bị vứt bỏ có nguồn gốc từ châu Âu và Mỹ được chuyển đến các cảng miền tây châu Phi. Và cuối cùng chúng được vứt tại những bãi rác điện tử khổng lồ. Trẻ em nghèo tại châu Phi – những đứa trẻ “sống” trên bãi rác – đã đốt và phá dỡ những chiếc máy tính hỏng đó để lấy kim lọai bán kiếm tiền.

Sự thải bỏ rác thải điện tử của các nước phát triển trên thế giới trực tiếp vi phạm luật quốc tế và đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe đối với cư dân tại các thị trấn nghèo. Những bãi rác điện tử lớn mọc lên tại nhiều nơi như ở Lagos, Nigeria, và Accra, Ghana.

Rất nhiều người cho rằng các quốc gia phát triển đã sử dụng “chiêu bài” xuất khẩu rác điện tử để đổ hàng triệu tấn rác thải nguy hiểm sang các nước đang phát triển và các nước nghèo.  Họ đang kêu gọi những chính sách hiệu quả hơn để ngăn cấm xuất khẩu rác thải điện tử – nó có thể là nguồn phát tán chì, thủy ngân và các hóa chất nguy hiểm khác.

Theo như Mike Anane, Chủ tịch Hội nhà báo về môi trường ở Ghana, Ghana đang nhanh chóng trở thành bãi rác của châu Âu và Mỹ. Những người lượm rác và mở các máy móc thiết bị điện tử bị thải nói rằng họ phải chịu đựng chứng buồn nôn, đau đầu và các vấn đề về hô hấp.

Hơn nửa triệu máy tính tới Lagos mỗi tháng nhưng chỉ có một phần tư số đó hoạt động. Số còn lại được bán phế liệu, bị đập vỡ thành mảnh và đốt.

“Hàng triệu tấn rác thải điện tử biến mất khỏi các nước phát triển mỗi năm và tiếp tục “tái xuất hiện” ở các nước đang phát triển bất chấp các lệnh cấm quốc tế”. Đó là tuyên bố của Luke Upchurch thuộc Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế, đại diện cho hơn 220 nhóm người tiêu dùng từ 115 quốc gia. Ngày nay, người tiêu dùng và các doanh nghiệp thay thiết bị của họ với tốc độ tăng nhanh, chính vì thế, rác thải điện tử ngày một nhiều. Buôn bán bất hợp pháp từ rác thải điện tử sinh lợi rất cao. Người ta có thể khai thác vàng từ một tấn đồ điện tử nhiều hơn từ đá vỉa vàng.

Năm 1992, Công ước Basel ra đời. Đây là Công ước về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và việc loại bỏ chúng. Theo công ước này, cấm xuất khẩu rác thải độc hại từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn.  

Sáu năm trước, Liên minh Châu Âu đã đưa ra Bản hướng dẫn về rác thải điện và thiết bị điện tử (WEEE). Bản hướng dẫn này có hiệu lực ở Anh vào tháng 01/2007, nghiêm khắc điều chỉnh các luồng rác điện tử cho tái chế và cấm xuất khẩu để vứt bỏ. Bản hướng dẫn này cũng giới thiệu một khung mới về chi phí xử lý loại bỏ thiết bị điện tử hợp pháp trên thị trường sau tháng 08/2005.

Theo đó, những người tạo ra rác thải phải thanh toán chi phí, bao gồm nhà sản xuất, người bán lẻ, người bán buôn và những người nhập khẩu. Nhưng họ đã phát hiện thấy những thiết bị máy tính từ các công ty của Anh và thậm chí là các nhà cầm quyền nước này đang bị vứt bỏ ở Tây Phi. Tại Anh và xứ Wales, rác thải được liệt vào danh sách miễn thuế của các cơ quan môi trường để khuyến khích tái phục hồi và tái sử dụng thiết bị máy tính.  

Hiện nay, hầu hết các máy tính đều gây tổn hại cho môi trường. Nghe có vẻ phi lý nhưng đó là sự thật, quá trình sản xuất máy móc đã sử dụng nhiều nguyên liệu độc hại, ảnh hưởng đến môi trường. Nếu chúng ta không có những khung qui định bắt buộc thì dòng máy tính thân thiện với môi trường không biết bao giờ mới xuất hiện?

Nhiều người đang nghĩ đến mức phí cao dành cho xuất khẩu và “đổ thải” rác điện tử của các nhà sản xuất tới những quốc gia nghèo và đang phát triển. Điều đó sẽ làm họ suy nghĩ lại cũng như thúc đẩy việc tìm ra phương hướng sản xuất xanh và tiết kiệm cho ngành công nghiệp này. Không chỉ riêng các nhà sản xuất, người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm trong việc vứt bỏ các thiết bị máy tính này.