WB, ADB và JICA giúp khu vực châu Á – Thái Bình Dương cải thiện chính sách an toàn

ThienNhien.Net – Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy hệ thống chính sách an toàn cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm đảm bảo rằng các dự án phát triển trong khu vực đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường và xã hội.

Ông Mark Kunzer, chuyên gia môi trường cao cấp của ADB cho hay ba thể chế này mong muốn giúp các quốc gia trong khu vực cải thiện hệ thống chính sách an toàn cũng như quản trị tốt hơn những rủi ro môi trường và xã hội gắn với các dự án phát triển quan trọng.

Thỏa thuận đối tác “Principles of Collaboration for Country Safeguard Systems” (Tạm dịch: “Nguyên tắc hợp tác trong các hệ thống chính sách an toàn quốc gia”) được WB, ADB và JICA ký kết tại Hội nghị Hiệp hội Quốc tế về Đánh giá tác động (IAIA) diễn ra tại Nagoya, Nhật Bản vào giữa tháng 5 vừa qua.

Theo ông Kunzer, WB, JICA và ADB từng hợp tác thực hiện nhiều dự án phát triển, Thỏa thuận mới sẽ cung cấp một khung chính thức cho việc hợp tác và chia sẻ thông tin.

Ảnh minh họa: ADB
Ảnh minh họa: ADB

Thúc đẩy chính sách an toàn ở các quốc gia

Việc thiết lập và áp dụng các hệ thống an toàn từ lâu đã là một vấn đề khó khăn cho các thể chế đa phương. Tranh luận vẫn diễn ra không ngừng trong các hệ thống của cả ADB và WB.

Một trong những khó khăn lớn nhất của việc áp dụng các chính sách an toàn, đặc biệt trong các dự án hợp tác chung, là việc thống nhất sử dụng hệ thống chính sách an toàn của bên nào và vấn đề trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Trong hai thập kỷ vừa qua, nhiều thể chế đa phương đã nỗ lực hợp lý hóa hệ thống chính sách an toàn của họ. Tất cả các thể chế tài chính quốc tế cũng đã và đang thay đổi, cải thiện hệ thống chính sách an toàn của mình sao cho phù hợp và tương đồng hơn với chính sách của các bên khác. Hiện tại, sự khác biệt chính sách an toàn giữa các bên là khá nhỏ.

Ông Kunzer cho hay từ năm 2009, ADB đã thúc đẩy cải thiện hệ thống các chính sách an toàn của các quốc gia theo lộ trình giống nhau. Hiện nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đã thông qua các điều luật và quy định liên quan đến chính sách an toàn. Hầu hết các quốc gia trong khu vực (ngoại trừ Triều Tiên) đã có những quy trình thực hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, các quy trình về tái định cư không tự nguyện và chính sách đối với người dân tộc bản địa vẫn tồn tại nhiều khiếm khuyết.

Thỏa thuận này kỳ vọng có thể đưa tới các chính sách an toàn đủ tiêu chuẩn. Việc hợp tác sẽ đảm bảo hệ thống chính sách an toàn của các quốc gia không ngừng phát triển để đối mặt với với những thách thức mới ở châu Á và đảm bảo rằng hệ thống chính sách an toàn thực sự hoạt động hiệu quả.

Sự hợp tác giữa ba thể chế này còn giúp tránh sự chồng chéo và giúp các quốc gia không phải thực hiện các đánh giá tác động nhiều lần. Theo Thỏa thuận, các đối tác có thể góp chung vốn và các nguồn lực khác để hiệu quả về chi phí trong các hoạt động.

Vẫn còn đó những khiếm khuyết

Mặc dù có nhiều cải thiện, một số người vẫn nghi ngờ về hiệu quả sâu rộng của những hệ thống chính sách an toàn.

ADB không còn xa lạ gì với những quan ngại và vấn đề về chính sách an toàn trong các chương trình phát triển của mình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, như với dự án đường sắt tại Campuchia hay xây đập thủy điện ở Lào.

Theo điều phối viên khu vực của Tổ chức Bankwatch, WB cũng từng phải chịu sự giám sát khi bị cáo buộc hạ thấp các tiêu chuẩn trong quá trình cải cách chính sách an toàn của Ngân hàng này.

Tuy nhiên, ông Kunzer vẫn khẳng định phần lớn các vấn đề đều nảy sinh trong quá trình thực thi chứ không phải từ bản thân các chính sách. Ông cũng thừa nhận các chính sách an toàn của ADB mặc dù có chất lượng cao nhưng không phải đã hoàn hảo về mọi mặt.

Theo ông Knud Vöcking, chuyên gia về ngân hàng phát triển đa phương của nhóm Urgewald (trụ sở tại Berlin), một trong các tổ chức phi chính phủ đi đầu trong việc phê phán các chính sách an toàn, cũng chia sẻ cùng quan điểm khi cho rằng các tiêu chuẩn của ADB chưa được thực thi nghiêm túc. Những chính sách này là một trong những chính sách tốt nhất hiện nay nhưng vẫn có những yếu tố chưa được đáp ứng, như các tiêu chuẩn cốt lõi về lao động. Cũng theo quan điểm của Urgewald, việc sửa lại toàn bộ các tiêu chuẩn là không cần thiết, lần cải cách chính sách an toàn gần đây của WB thậm chí còn làm suy giảm các tiêu chuẩn thay vì hoàn thiện và củng cố các chính sách này.

Kỳ vọng chung của các chương trình phát triển là cải thiện cuộc sống cho người dân cũng như môi trường sống của họ và nếu có bất cứ thiếu sót hay sai lầm nào, các chính sách an toàn cần được xem xét kỹ lưỡng. Điều thực sự cần thiết là đảm bảo tất cả các bên liên quan (từ quốc tế đến địa phương) phải đặt tiêu chuẩn cao như nhau cho các chính sách an toàn, theo đúng như mục tiêu của thỏa thuận hợp tác này.