Xây dựng kế hoạch phòng chống siêu bão, quản lý lũ tổng hợp

ThienNhien.Net – Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sẽ xây dựng kế hoạch phòng chống siêu bão, nước biển dâng, quản lý lũ tổng hợp cho các lưu vực sông và sạt lở đất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong thời gian tới.

Thông tin trên vừa được ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại Hội thảo “Tiến độ dự án xây dựng xã hội thích ứng thiên tai tại Việt Nam (giai đoạn 2) và kế hoạch quản lý lũ tổng hợp” do Tổng cục Thủy lợi tổ chức ngày 7/7, tại Hà Nội.

Người dân tỉnh Quảng Bình khắc phục hậu quả sau một trận lốc xoáy và lũ (Ảnh: TTXVN)
Người dân tỉnh Quảng Bình khắc phục hậu quả sau một trận lốc xoáy và lũ (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ thêm về kế hoạch trên, ông Thắng cho biết, thời gian qua, bão và các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến rất phức tạp. Vì thế, cùng với các giải pháp thích ứng thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ kiến nghị một số giải pháp như nâng cao năng lực cảnh báo sớm về mưa-bão, quản lý lũ tổng hợp theo vùng, lưu vực.

Với dự án xây dựng xã hội thích ứng thiên tai tại Việt Nam – giai đoạn 2, ông Thắng cho biết, dự án này đang được triển khai tại khu vực Miền Trung. Hiện nay, dự án đã đạt được một số kết quả như: Phân tích được tác động của lũ tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; bảo vệ bờ sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình; lập kế hoạch quản lý lũ tổng hợp tại Quảng Bình và đề xuất quản lý lũ tổng hợp cho Thừa Thiên Huế…

Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Đức Quang, Phó Cục trưởng Phòng chống thiên tai (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, Việt Nam hiện có 21 loại hình thiên tai, điển hình là mưa bão, lụt lội, lũ quét, sạt lở đất, dông tố, sấm sét, hạn hán gây nguy hiểm cho con người.

“Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước đã có 46 người chết, mất tích do mưa lũ, dông lốc và sấm sét,” ông Quang thông tin.

Ông Quang cũng cho biết, trong khi thời tiết diễn biến rất khó lường thì hệ thống công trình phòng, chống thiên tai ở Việt Nam hiện còn rất nhiều bất cập. Việc chấp hành luật pháp về quản lý, bảo vệ các công trình phòng-chống thiên tai còn hạn chế. Tình trạng khai thác cát thiếu kiểm soát, gây sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.

Qua kinh nghiệm học tập được từ Nhật Bản, ông Quang cho rằng Việt Nam cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương nhằm tạo sự đồng bộ trong việc quản lý lũ, lụt, phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, “chúng ta cũng cần đẩy nhanh việc nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý lũ tổng hợp theo lưu vực sông, trước mắt áp dụng với các lưu vực nằm trong địa giới 1 tỉnh; chú trọng kết hợp các biện pháp công trình xây dựng kế hoạch kiểm soát lũ và phòng ngừa, ứng phó với thiên tai..,” ông Quang khuyến nghị.