Sử dụng nước thải trong nông nghiệp: Có là giải pháp tốt?

ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu gần đây, khi đối mặt với tình trạng thiếu nước và giá cả phân bón leo thang, nông dân ở những nước đang phát triển đã sử dụng nước thải chưa qua xử lý để tưới tiêu và bón phân trên 20 triệu hecta đất trồng trọt. Liệu biện pháp này có gây hậu quả tiêu cực đối với môi trường cũng như sức khỏe của con người?

Tác giả của nghiên cứu này cho biết trong khi những hành động như vậy sẽ mang lại những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe cho nhiều người thì lợi ích về kinh tế – xã hội đối với nông dân đô thị nghèo và người tiêu dùng cần mua thực phẩm rẻ đã lấn át đi những mối nguy hiểm tiềm tàng.

Gần 200 triệu nông dân ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, các nước châu Phi ở Sahara và Châu Mỹ La tinh thu hoạch ngũ cốc và rau quả trên những cánh đồng có sử dụng chất thải của con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10% dân số thế giới lệ thuộc vào những nguồn thực phẩm này.

Liqa Raschid Sally – người vừa được Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI) có trụ sở tại Sri Lanka, công bố nghiên cứu của ông tại Tuần lễ nước thế giới ở Stockholm, Thụy Điển – cho biết: “Ngành nông nghiệp sử dụng nước thải vừa mang lại lợi ích vừa làm tổn hại đến những người tiêu dùng đô thị”.

Những rủi ro về sức khỏe

Nghiên cứu tập trung vào các khu vực đô thị nghèo gần các khu vực cung cấp nguồn thực phẩm giá rẻ. Hầu hết các hoạt động trồng trọt ở đây đều lấy nước tưới tiêu từ các con sông và hồ tại chỗ. Tuy nhiên, không giống như các thành phố phát triển khác, những khu vực này thiếu các phương tiện xử lý nước thải tiên tiến, các dòng sông đều trở thành nơi xả thải.

Khi loại nước này được sử dụng trong tưới tiêu nông nghiệp, nông dân sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tiếp xúc với các vi khuẩn gây bệnh. Người tiêu dùng cũng đối mặt với nguy cơ tương tự khi sử dụng các sản phẩm sống và chưa được rửa sạch.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm có gần 2,2 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến tiêu chảy, trong đó có bệnh dịch tả. Hơn 80% những trường hợp này được cho là có tiếp xúc với nước bị ô nhiễm và thiếu vệ sinh. Tuy nhiên, Pay Drechsel, nhà khoa học môi trường của IWMI, lại tranh luận rằng những lợi ích về kinh tế – xã hội trong việc sử dụng chất thải chưa qua xử lý của con người để phát triển nguồn thực phẩm đã lấn át nguy cơ đe dọa sức khỏe con người.

Những mối nguy hiểm này có thể xuất phát từ thiếu hiểu biết của của nông dân và người tiêu dùng. Thật trớ trêu là nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, nước thải sinh hoạt và chất thải của con người lại đang giúp nông dân đô thị ở những nước đang phát triển thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Chất thải ở trong nước

Nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước, chiếm khoảng 70% lượng tiêu thụ nước ngọt trên toàn cầu.

Theo Drecchsel, ở những khu vực khô cằn và nghèo nàn, nước thải chưa qua xử lý là nguồn tưới tiêu duy nhất để giúp nông dân trồng trọt hiệu quả. Mark Redwood, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế Canada, cho biết trong một số trường hợp nước quá khan hiến đến nỗi các nông dân phải phá ống dẫn nước thải để lấy nước.

Ở nhiều nước đang phát triển, tưới tiêu bằng chất thải của con người chính chiếm tỉ trọng lớn. Phân người chưa qua xử lý được thu từ các nhà vệ sinh rồi đưa tới các nông trại và được sử dụng rộng rãi như phân bón.

Drechsel ghi nhận rằng, phân thường được sử dụng để trồng lúa và ngũ cốc. Những sản phẩm lương thực này thường được nấu chín và giảm nguy cơ lây truyền mầm bệnh và các bệnh tật.

Theo Redwood, với giá cả phân bón đang tăng gần 50% so với năm ngoái ở một số nơi, chất thải của con người trở thành nguồn phân bón thay thế tốt nhất. Nước thải cũng chứa những chất dinh dưỡng chủ chốt như nitơ, phốtpho, kali…, giống với phân bón hóa học.

Tái chế nước thải

Nói chung, thường ở những nước phát triển ít có tình trạng nước thải chưa qua xử lý được sử dụng trong nông nghiệp. Đơn giản là vì nông dân ở những nước này đã được tiếp cận với nguồn nước đã qua xử lý. Họ thường sử dụng nước thải qua tái chế đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về nước uống.

Để khắc phục tình trạng sử dụng nước thải chưa qua xử lý trong nông nghiệp ở những nước đang phát triển, Viện IWMI đề xuất các chương trình phố biến kiến thức cho cả người tiêu dùng và nông dân. Tổ chức phi lợi nhuận này cũng đề nghị những hoạt động này cần gắn với các tiêu chuẩn của WHO về việc sử dụng nước thải an toàn. Theo đó, WHO sẽ lập ra các tiêu chuẩn bớt khắt khe hơn.

James Bartram – một chuyên gia về sức khỏe của WHO – cho rằng: “Những tiêu chuẩn nghiêm ngặt quá mức thường bị thất bại. Chúng ta cần phải chấp nhận một thực tế là chất thải không qua xử lý vẫn sẽ được sử dụng trong nông nghiệp”.

Theo IWMI, một số quốc gia đang phát triển đã có những chủ trương chính thức cho việc sử dụng nước thải trong nông nghiệp. Báo cáo của IWMI cho thấy phía chính quyền nhiều nơi cũng thừa nhận rằng những tồn tại về sử dụng nước thải trong nông nghiệp vẫn chưa có lối ra rõ ràng.

Ở thành phố Kumasi (Ghana) với dân số 1,6 triệu người, IWMI ước tính rằng có khoảng 12.000 hộ gia đình trồng cây lương thực trên 12.000 hecta đất có sử dụng nước bị ô nhiễm. Theo Drechsel, ngay trong năm nay, chính phủ Ghana đã bắt đầu nhận thức được những bất ổn trong loại hình tưới tiêu này.

Nghiên cứu cũng trích dẫn một số kỹ thuật xử lý điển hình ở Indonesia, Nepal và Việt Nam. Ở những quốc gia này, nông dân trữ nước thải trong ao hồ để làm cho phân đặc lại và giảm đi hàm lượng vi khuẩn trú ngụ trong lượng nước thừa.