Không nên quá kỳ vọng vào đê và đập

ThienNhien.Net – Lũ lụt là một trong những thảm họa tự nhiên thường xuyên, có sức tàn phá nặng nề nhất trên Trái đất và ngày một dữ dội hơn. Có nhiều nguyên nhân gây ra lũ lụt như phá rừng, mở rộng vùng hạ lưu, cảnh báo không tốt…nhưng "yếu tố quyết định lại nằm đằng sau vòng xoáy lũ – những con đê và đập". Đó là một nhận định trên tờ San Francisco Chronicle

Năm ngoái, thế giới đã chứng kiến những thảm hoạ đầy khắc nghiệt. Rất nhiều vùng rộng lớn ở trung tâm và phía tây nước Anh ngập chìm trong nước do trận lụt lớn nhất trong vòng 60 năm qua, thiệt hại lên tới 6 tỷ USD. Lốc xoáy ở Băng-la-đét, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan làm chết hàng trăm sinh mạng. Nhiều bang ở Mỹ như Texas, Nebraska, Oklahoma, Kansas, Missouri và Bắc Carolina cũng đã gánh chịu những trận lụt nghiêm trọng. Điều đó thật sự đã làm chúng ta lo lắng về tình hình khắc nghiệt của khí hậu.

Những hậu quả nghiêm trọng của lũ lụt trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây có rất nhiều lý do. Chẳng hạn như công tác cảnh báo toàn cầu về những cơn bão chưa đạt hiệu quả, việc phá rừng và mở rộng các lưu vực sông, hoặc ngày càng nhiều người đang sống và làm việc trong khu vực có nguy cợ lũ lụt, đó là những thung lũng ví dụ như việc mở rộng nhanh chóng các thành phố tại Thung lũng Trung tâm California…Nhưng yếu tố quyết định đằng sau vòng xoáy lũ lụt này lại là những phương pháp ngăn lũ xưa nay vốn được cho là sẽ bảo vệ con người. Sức phá hủy của lũ lụt tăng lên khi chúng bị chặn lại. Khi đó, cường độ của lũ lụt lớn hơn, gây lún vùng châu thổ và xói mòn vùng ven biển.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát lũ lụt “theo hướng” dựa vào các con đê và đập có thể phá hủy sinh thái lưu vực sông và cửa sông. Không có con đê hay đập nào tồn tại vĩnh cửu hay không bị hỏng hóc, khi chúng bị xuống cấp và sập đổ thì hậu quả có thể sẽ rất kinh khủng.

Chúng đã tạo ra một nhận thức sai lầm cho con người về sự an toàn và khuyến khích phát triển tại những khu vực dễ bị tổn thương. Vào năm 2005, New Orleans (Mỹ) đã bị tàn phá ghê gớm nhưng nguyên nhân chủ yếu không phải vì siêu bão Katrina, mà do sự thất bại từ quan điểm phòng chống lũ lụt nghèo nàn và bảo thủ của thành phố này. 

Trong thời gian qua, New Orleans được cảnh báo về bão khắc nghiệt kéo theo lũ lụt và sự gia tăng mực nước biển, tiếp đó là trung tâm của California. Thành phố Sacramento cũng đang đứng trước viễn cảnh về những cơn lũ lớn sẽ nuốt trôi dãy Sierra. Hạn chế của việc kiểm soát lũ lụt truyền thống sẽ càng rõ ràng hơn khi những con đê và đập phải đối mặt với những trận siêu bão.

Một phương pháp tiếp cận mới trong công tác phòng chống lũ lụt đó là giả định tất cả các hệ thống chống lũ lụt bị sụp đổ và chúng ta phải tính toán đến khả năng này, học cách sống chung với chúng thay vì phải chi hàng tỷ USD vô ích để cố gắng chặn lũ. Điều này có nghĩa giảm tốc độ, quy mô và thời gian của những trận lũ bằng cách khôi phục các lưu vực sông và vùng ngập nước thông qua việc cải thiện hệ thống dẫn nước, đồng thời thích nghi bằng các biện pháp tản cư và cảnh báo cải tiến. Phát triển các kế hoạch giúp đỡ cộng đồng khôi phục sau lũ và hạn chế phát triển tại các khu vực chắc chắn có lũ.

Một ý tưởng được đưa ra bằng việc xây dựng những ngôi nhà theo kiểu nhà sàn, thay thế những con đê bảo vệ có giá trị thấp, dành nhiều ngân sách để duy trì những con đê bảo vệ cho các khu vực trung tâm.

Tại thành phố Napa (California, Mỹ), ngày 31/12/2005 đã xảy ra một trận ngập lũ nhấn chìm toàn bộ khu vực thương mại và hàng nghìn diện tích đồng cỏ khác. Hơn 4000 người đã phải sơ tán và khoảng 1000 ngôi nhà bị lũ phá huỷ. Đó là trận lũ lớn nhất trong lịch sử trên dòng sông Napa nằm trong số 23 trận lũ tính từ năm 1865 trở lại. Một dự án trị giá 220 triệu USD trong vòng 10 năm nhằm giảm bớt số lượng các trận lũ lụt ở sông Napa sẽ khôi phục vùng đầm lầy, dỡ bỏ một số tòa nhà trong vùng lũ, và phá những con đê để khơi thông dòng chảy. Sự hợp tác thông minh và hiệu quả giữa các cư dân địa phương, văn phòng chính phủ và đơn vị kinh doanh cũng như các nhà hoạt động môi trường hy vọng đem lại những tín hiệu vui trong công tác phòng chống lũ lụt.

Không chỉ riêng Mỹ, đặc biệt mà cả  ở châu Âu, Trung Quốc, các dự án khôi phục vùng ngập nước đã nhận được nhiều sự ủng hộ khi chiến lược ưu tiên nhằm giải quyết nguy cơ lũ lụt.

Cải thiện khả năng của chính chúng ta nhằm đối phó với lũ lụt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp đã đòi hỏi chúng ta phải có những sự thích nghi mới thông qua các biện pháp kỹ thuật phức tạp hơn. Chúng ta cần thích nghi với điều kiện môi trường mới một cách mềm dẻo. Chẳng hạn phương cách nhằm đối phó với lũ lụt, điều đó không những giúp ta chỉ bảo vệ sinh mạng, tiền và tài sản mà còn giúp chúng ta khôi phục những dòng sông và khu đầm lầy. Đừng quá kỳ vọng vào những con đê và đập, hãy thay đổi cách nghĩ và phương pháp phòng chống!