Tổng quan tình hình đại dịch H1N1 2009 tại Việt Nam

ThienNhien.Net – Có thể thấy, việc vi-rút cúm A/H1N1 lây lan tới mọi quốc gia trên toàn thế giới là điều không thể tránh khỏi. Tại Việt Nam hiện nay, đại dịch cúm A/H1N1 2009 vẫn đang tiếp tục hoành hành, lan nhanh ra khắp cả nước. Tính đến ngày 28/09, Bộ Y tế Việt Nam đã tiếp nhận báo cáo từ các phòng thí nghiệm với tổng số 8.605 ca mắc H1N1, trong đó có 14 ca tử vong.


Điều đáng lưu ý là đại dịch này hiện chỉ ở mức độ nghiêm trọng “vừa phải” dựa trên tình hình toàn cầu. Đa số các bệnh nhân đang hồi phục mà không cần nhập viện hoặc thậm chí chăm sóc y tế, mức độ các ca bệnh nghiêm trọng tương tự như ở cúm mùa, và các hệ thống y tế đều có thể đáp ứng được số bệnh nhân cần sự chăm sóc.

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Với sự lây nhiễm H1N1 ngày càng gia tăng tại Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng sẽ có một lượng người bị biến chứng nặng và số ít sẽ tử vong”.

Kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy, một số người thuộc nhóm có “nguy cơ cao” chịu các biến chứng nghiêm trọng từ đại dịch H1N1. Đó là những người bị bệnh mãn tính, ví dụ bệnh tim mạch, bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, bệnh tiểu đường và ung thư.Có bằng chứng cho thấy, phụ nữ có thai cũng chịu nguy cơ cao, đặc biệt những người đang ở thai kỳ thứ hai và thứ ba. Và một báo cáo gần đây có đề cập rằng béo phì cũng có thể là một nhân tố nguy cơ khác khiến bệnh trở nên nghiêm trọng. Do đó, những ai có một trong những bệnh nguy cơ cao nêu trên cần đi khám ngay nếu có các triệu chứng giống cúm.

Các triệu chứng của cúm đại dịch H1N1 tương tự với cúm mùa, như sốt, ho, đau đầu, đau cơ và khớp, viêm họng và sổ mũi, đôi khi nôn mửa và tiêu chảy. Vi-rút lây lan do tiếp xúc với những giọt bắn hô hấp khi nói chuyện, ho hoặc hắt hơi; do chạm vào bàn tay hoặc các bề mặt nhiễm khuẩn, giống như cách thức lây lan của cúm mùa thông thường.

Để ứng phó với tình hình đại dịch cúm (H1N1) 2009 tiếp tục lan rộng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (IFRC), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UN), cùng các Tổ chức phi chính phủ đối tác đã soạn thảo lời “Kêu gọi hành động”, vạch ra những nguyên tắc, hoạt động và ưu tiên then chốt để các nước có thể thực hiện.

Lời kêu gọi hành động được đưa ra để khẳng định lại một số can thiệp chủ chốt và trực tiếp bổ sung cho hướng dẫn kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các Kế hoạch Quốc gia Phòng chống Đại dịch cúm hiện hành. Lời kêu gọi nêu bật những công việc mà tất cả các bên có thể thực hiện để sẵn sàng ứng phó với đại dịch ở cấp độ quốc gia và cộng đồng. Những can thiệp đó nhằm củng cố và phát huy các hệ thống hiện có ở cấp quốc gia, kêu gọi tất cả các bên kết hợp những can thiệp đó vào những chương trình đang được thực hiện.

Lời “Kêu gọi hành động” này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác đáp ứng đại dịch cúm (H1N1) 2009 hiện nay và trong tương lai. Nó nhấn mạnh vào tầm quan trọng lớn lao của các cơ quan Liên Hợp Quốc (UN), xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan quốc tế khác đang nỗ lực cộng tác để đảm bảo cho các quốc gia, đặc biệt là những nước trong hoàn cảnh nguồn lực hạn chế, được chuẩn bị để ứng phó với đại dịch và những tác động tiềm tàng có thể có của đại dịch đối với người dân.

Các biện pháp tốt nhất phòng ngừa H1N1 cũng giống như với mọi loại vi-rút cúm khác:

Thường xuyên rửa tay kỹ càng với xà phòng và nước. Cũng có thể dùng chất khử trùng có cồn để rửa tay nếu không có xà phòng và nước.
• Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng mà không rửa tay trước đó.
• Che miệng và mũi bằng tay áo, khăn hoặc khẩu trang khi ho và hắt hơi.
• Tránh hoặc giảm thời gian tiếp xúc với những người không được khoẻ, bị sốt và ho.
• Giảm thời gian ở những nơi đông người nếu có thể.
• Giữ khoảng cách ít nhất 1 mét giữa bạn và những người khác, đặc biệt nếu họ có các triệu chứng giống cúm.
• Tăng cường thông thoáng khí tại nơi bạn ở bằng cách mở cửa sổ.
• Thực hiện các thói quen giúp nâng cao sức khỏe như ngủ đủ giấc, ăn thức ăn giàu dinh dưỡng và rèn luyện cơ thể.
• Ở nhà nếu bị sốt, ho hoặc viêm họng.