Báo động hệ sinh thái biển

ThienNhien.Net – Một phần ba số loài san hô có nguy cơ tuyệt chủng, 415 vùng hệ sinh thái “chết”, số lượng cá mập và cá ngừ giảm, và chỉ còn 1/4 diện tích đại dương giữ lại được những đặc tính như ban đầu. Đó không chỉ là sự báo động mà còn là hậu quả của một quá trình.

Từ những năm 1950 đến nay, trữ lượng các loài cá có giá trị thương mại cao như cá ngừ, cá hồi, cá tuyết, cá mũi kiếm, và cá đuối đã bị giảm đến 90%. Ở miền Bắc Atlantic, trong vòng một thế kỷ, các loài cá tuyết, cá pôlắc, cá êfin đều giảm khoảng 89%. Loài cá ngừ vây xanh cũng là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng vì bị đánh bắt quá mức. Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu ở vùng Tây Bắc biển Atlantíc, số lượng cá thể của loài cá mập ở vùng biển này đã giảm đi 40- 89 % chỉ trong vòng 14 năm.

Sự sụt giảm số lượng các loài cá ăn thịt đã gây ra sự mất cân bằng trong hệ sinh thái biển. Ví dụ như: sự suy giảm số lượng các loài cá ăn thịt đã dẫn đến sự tăng nhanh của cá loài cá đuối mũi bò. Số lượng cá thể của loài này hiện nay là khoảng 40 triệu. Thức ăn của loài cá đuối này là những loài thân mềm hai mảnh vỏ như hàu, trai. Sự gia tăng số lượng của loài cá này một cách ồ ạt đã dẫn đến sự sụt giảm sản lượng trong ngành khai thác các loài thủy sản hai mảnh vỏ hai.

Loài rùa biển cũng không nằm ngoài số phận đó. Trong số 7 loài rùa biển có trên Trái đất thì có 6 loài đang bị đe doạ nghiêm trọng. Riêng loài rùa xanh đã giảm hơn 99%.

Nguyên nhân của tình trạng này là do sự gia tăng các “vùng biển chết”. Đó là các vùng biển bị ô nhiễm bởi các chất dinh dưỡng của các dòng thải từ lục địa đổ vào đại dương, dẫn đến quá trình phân huỷ sinh học mạnh và làm giảm nồng độ oxy trong nước. Kể từ những năm 60 của thế kỷ trước, số lượng những vùng biển chết tăng gấp đôi sau mỗi thập niên và hiện có tổng diện tích khoảng 245.000km2.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là sự biến đổi khí hậu. Biển và đại dương là nơi hấp thụ nhiều khí CO2 nhất. Nhưng hiện nay, do các hoạt động của con người, hàm lượng CO2 trong không khí đã tăng lên đáng kể, dẫn đến lượng CO2 trong nước biển tăng, gây ra hiện tượng axit hoá. Nước biển bị axit hoá gây ảnh hưởng rất lớn đến các loài sinh vật biển, đặc biêtt là các loài sử dụng cacbonat canxi để tạo nên bộ khung cho cơ thể như san hô và các loài giáp xác, thân mền .v.v. Một báo cáo mới đây của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã cảnh báo rằng một phần ba bãi ngầm san hô của thế giới đang đứng trên bờ huỷ diệt. Trong vòng chưa đầy 30 thập kỷ, bãi ngầm san hô đã giảm đi một nửa.

Có thể thấy rằng việc đánh bắt quá mức, sự gia tăng các vùng biển chết cùng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang đặt đại dương – cái nôi của sự sống trước một nguy cơ đáng báo động.

Phục hồi môi trường biển, bảo vệ hệ sinh thái đại dương đang là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết đối với sự tồn vong của trái đất. Muốn làm được điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp tham gia giữa các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, cũng như các tập đoàn kinh tế, các cơ sở khai thác nguồn lợi thuỷ hải sản và người dân để xây dựng và thực hiện thành công các chiến lược và kế hoạch đối với từng vấn đề trong từng giai đoạn cụ thể.