Bình Định: Qui hoạch trồng rừng kinh tế và phát triển rừng đầu nguồn

ThienNhien.Net – Dọc theo Quốc lộ 19 từ huyện An Nhơn lên đèo An Khê huyện Tây Sơn (Bình Định), nhiều đồi núi của dãy Trường Sơn Đông, phía Nam lưu vực sông Kôn như các núi Chà Rang, Hòn Cầy và Cua Đinh (thuộc xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn) và phía trên núi Hai Lim (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn)…đã bị đốt và xử lý thực bì từ chân đến đỉnh để chuẩn bị cho mùa trồng rừng kinh tế sắp đến.

Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng tỉnh Bình Định năm 2008, diện tích trồng rừng kinh tế lên trên 2.800 ha, chủ yếu do các doanh nghiệp được giao đất rừng thực hiện. Trên địa bàn tỉnh có từ 5-6 nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu với sản lương vài trăm tấn/năm và doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Văn Tân-Bí thư huyện ủy Tây Sơn cho biết: “Hiện tượng phá rừng và qui hoạch đất trồng rừng kinh tế tuỳ tiện đã khiến rừng ngày càng cạn kiệt… Đây là nguyên nhân mùa mưa lũ về, hai bên bờ sông Kôn bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài trên 6.000m và gây ngập lụt nặng nề các huyện phía đông của tỉnh Bình Định”.

Ông Lê Thanh Những – Bí thư Huyện ủy Vân Canh cho biết: “Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế trước mắt nên trồng rừng kinh tế ồ ạt. Có nơi doanh nghiệp trồng rừng cách mép ruộng lúa có 5m khiến diện tích trồng lúa bị thu hẹp, việc sản xuất của nông dân gặp khó khăn và nhiều lần người dân phải yêu cầu huyện can thiệp.

Thực tế cho thấy, việc giao đất trồng rừng kinh tế cho doanh nghiệp thời gian 30 năm là quá dài. Thêm vào đó, từ khi doanh nghiệp đầu tư trồng đến khai thác trải qua 4 chu kỳ, mỗi chu kỳ cách nhau từ 5-7 năm và sau mỗi lần thu hoạch phải đợi đến 6-7 năm sau rừng mới phát triển lại khiến công tác trồng rừng phòng hộ đầu nguồn gặp rất nhiều khó khăn.

Đã đến lúc tỉnh Bình Định phải qui hoạch lại việc trồng rừng kinh tế và tăng cường phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và rừng cảnh quan…để góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững và hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa lũ, thiên tai.