Cần chấn chỉnh tình trạng cho thuê đất lâm nghiệp ở Đắk Nông

ThienNhien.Net  – Việc buông lỏng quản lý trong công tác cho thuê đất lâm nghiệp ở Đắk Nông đang khiến hàng chục nghìn ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, đất rừng bị tàn phá, phát sinh tranh chấp và kiện cáo. UBND tỉnh cần sớm vào cuộc chấn chỉnh tình trạng này.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 48 tổ chức, đơn vị được tỉnh giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp thực hiện 49 dự án đầu tư sản xuất nông-lâm nghiệp, trong đó có 48 dự án của 47 đơn vị thuê đất, một dự án của một đơn vị được giao đất với tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao và cho thuê là hơn 51 nghìn ha, bao gồm cho thuê đất 40.740 ha và giao rừng 9.417,24 ha. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh còn thực hiện 21 hợp đồng liên doanh, liên kết với diện tích hơn 6.000 ha; đồng thời tổ chức ký kết 339 hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP cho 367 hộ dân với tổng diện tích giao khoán là hơn 4.000 ha…

Tranh chấp đất đai giữa các doanh nghiệp và người dân dịa phương là vấn đề nóng và bức xúc nhất hiện nay ở Đác Nông (Ảnh: Nhân Dân)
Tranh chấp đất đai giữa các doanh nghiệp và người dân dịa phương là vấn đề nóng và bức xúc nhất hiện nay ở Đác Nông (Ảnh: Nhân Dân)

Hàng chục nghìn ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép

Qua kiểm tra, rà soát mới đây của các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất, giao rừng đã buông lỏng quản lý dẫn đến diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá với diện tích lớn; tình trạng người dân xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép với diện tích lên đến hàng chục nghìn ha nhưng các chủ rừng, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp không quản lý được và chưa có giải pháp khắc phục gây tổn thất lớn đến tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sinh thái.

Một số đơn vị triển khai các hạng mục dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai và triển khai không đúng quyết định phê duyệt của dự án; thậm chí các cá nhân, hộ gia đình tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định, lấn chiếm đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép…

Trên cơ sở kiểm tra, rà soát, các ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định thu hồi 13 dự án đầu tư sản xuất nông-lâm nghiệp, trong đó tám dự án bị thu hồi toàn bộ và năm dự án bị thu hồi một phần với diện tích thu hồi là hơn 9.000 ha. UBNB tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị thanh lý 14 hợp đồng liên doanh, liên kết sai quy định, không hiệu quả với diện tích hơn 4.387 ha.

Ngoài việc các đơn vị, doanh nghiệp được giao đất, giao rừng đã buông lỏng quản lý dẫn đến diện tích lớn rừng tự nhiên bị chặt phá, các ngành chức năng của tỉnh còn phát hiện 1.653 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 2.681 ha và 127 vụ tự ý chuyển đổi mục đích trái phép với diện tích 28 ha, trong đó các cơ quan có thẩm quyền chỉ mới xử phạt vi phạm hành chính 16 vụ.

Bên cạnh đó, trong thời gian từ ngày 1-1-2004 đến này 31-12-2013, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã nhận được 3.607 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tranh chấp đất đai, trong đó đã giải quyết được 3.578 đơn thư.

Nhiều yếu kém trong quản lý rừng và đất lâm nghiệp

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông, tồn tại, hạn chế lớn nhất trong công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp là hiện tượng buông lỏng quản lý trong công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của các cơ quan chức năng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương thiếu chặt chẽ, không đồng bộ trong việc giao đất, giao rừng.

Công tác thẩm định dự án của các cơ quan chuyên môn chưa chặt chẽ, không căn cứ hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp trong thực tế mà chỉ căn cứ số liệu thống kê do chủ dự án lập. Trong khi đó, các doanh nghiệp không có năng lực tài chính, chuyên môn, nhân lực nên khi được Nhà nước cho thuê đất, giao rừng không triển khai dự án dẫn đến rừng bị chặt phá, lấn chiếm, xảy ra tranh chấp, thậm chí có doanh nghiệp thế chấp dự án để vay ngân hàng lấy tiền sử dụng cho mục đích khác.

Điển hình là năm 2006, UBND tỉnh Đác Nông có quyết định cho Công ty CP Chế biến lâm sản và xuất khẩu Thăng Long (gọi tắt là Công ty Thăng Long có trụ sở tại phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắc) thuê 516 ha đất rừng để thực hiện dự án bảo vệ phát triển rừng và trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn xã Trường Xuân, huyện Đắk Song. Sau khi thuê đất, Công ty Thăng Long đã không triển khai thực hiện dự án, không xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, cải tạo rừng tự nhiên, trồng rừng nguyên liệu, mà buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng… dẫn đến hàng trăm ha rừng bị mất trắng, xóa sổ hoàn toàn. Theo kết quả xác minh của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đác Nông vào cuối tháng 7 vừa qua, đã có tới 400 ha rừng tại Tiểu khu 1678, thuộc địa phận huyện Đác Song do Công ty Thăng Long thuê đã bị xóa sổ hoàn toàn…

Thêm vào đó là việc ban hành các cơ chế, chính sách hưởng lợi từ việc giao đất, giao rừng đối với doanh nghiệp thực hiện dự án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng như trách nhiệm của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Ngoài ra, công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp của các chủ rừng còn nhiều yếu kém. Ngay cả các ngành chủ quản, chính quyền địa phương cũng còn nhiều yếu kém, tắc trách, buông lỏng quản lý trong việc giao rừng và giữ rừng. Thực trạng tồn tại hiện nay là các công ty lâm nghiệp được giao đất, giao rừng và giữ rừng chủ yếu là trên giấy chứ chưa giao theo thực tế ngoài thực địa. Nhiều diện tích người dân đã sử dụng ổn định , trồng cây công nghiệp dài ngày từ nhiều năm nay nhưng trên bản đồ hiện trạng khi giao đất, giao rừng, để quản lý vẫn thể hiện đất có rừng.

Mặt khác, thời gian qua ngoài việc dân di cư tự do từ các tỉnh, thành phố ồ ạt kéo đến đến Đắk Nông làm ăn, sinh sống, tạo áp lực lớn về đất ở, đất sản xuất là do giá các loại nông sản tăng cao dẫn đến một số đối tượng kéo nhau đi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, sau đó chuyển nhượng lại cho các hộ dân để thu lợi bất chính. Người dân địa phương nghe tin các dự án nông-lâm nghiệp có chủ trương hoặc thông tin về vị trí dự án trên phần diện tích rừng nghèo chuyển đổi sang trồng một số loại cây công nghiệp đã cố tình vào khu vực dự án để phá rừng canh tác nhằm được bồi thường thiệt hại về cây trồng và được hỗ trợ về công khai phá.

Một số nơi, các tổ chức, cá nhân lợi dụng mối quan hệ với các công ty lâm nghiệp đã ký hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp để cùng thực hiện dự án. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi ký hợp đồng các đối tượng không chịu đầu tư mà chỉ chờ thời cơ để chuyển nhượng hợp đồng trái phép cho người khác để kiếm lời. Đặc biệt, một số đơn vị mới được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho thực hiện dự án trồng rừng và cây công nghiệp nhưng đã tự ý đến bao chiếm đất, đuổi các hộ dân đang sử dụng đất để thực hiện dự án, trong khi các đơn vị này chưa thỏa thuận với các hộ dân và chưa được UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất…

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Đắk Nông cần sớm vào cuộc chấn chỉnh tình trạng buông lỏng quản lý rừng và đất lâm nghiệp như lâu nay.