Tiền Giang: Nuôi lươn trên bạt ở vùng lũ Đồng Tháp Mười

ThienNhien.Net – Hội đồng Khoa học và Công nghệ Tiền Giang vừa nghiệm thu dự án “Ứng dụng nuôi lươn trong bạt trên ruộng vùng lũ tại xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) thuộc vùng Đồng Tháp Mười”. Xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy không chỉ nổi tiếng là cái nôi của nghề trồng lúa thâm canh năng suất cao mà còn nhạy bén với những mô hình làm ăn kinh tế mới, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Dự án này được Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy thực hiện trong 12 tháng (2 vụ).

Dự án được thực hiện nhằm ổn định cuộc sống của người dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ, và từ kết quả của dự án sẽ nhân rộng mô hình này ra nhiều nơi khác có điều kiện thích hợp trong tỉnh.

Mô hình nuôi lươn được thực hiện theo các bước: Lươn giống được đánh bắt ngoài đồng khi nước lũ về, sau 3 tháng nuôi chọn ra những con lươn cái tốt có đặc điểm như: lươn da màu vàng, bụng to, hậu môn rộng và có màu hồng đỏ (hậu môn); mật độ thả lươn từ 5 đến 7 con/m2 (trọng lượng 40gr-60gr/con). Sau khi nuôi khoảng 30 ngày, lươn bắt đầu đẻ và sau 3 tháng thu hoạch lươn con. Sau 12 tháng nuôi (2 vụ) lươn thịt và lươn đẻ với diện tích nuôi 24m2, thu 8 triệu đồng và lãi ròng 7 triệu đồng.

Hình thức nuôi lươn trong bạt là mô hình dễ thực hiện đối với nông hộ. Diện tích làm bể nuôi lươn không cần lớn, có thể tận dụng những khoảng đất trống, chuồng lợn… để làm bể; mặt khác, vốn đầu tư thấp, tận dụng được thời gian nhàn rỗi vào việc kiếm thức ăn nuôi lươn

Nuôi lươn trên bạt nylon là một trong những mô hình kinh tế mới nhiều triển vọng đã và đang nhân rộng ở xã Mỹ Thành Nam. Theo thống kê, toàn xã có khoảng 40 hộ nuôi lươn thịt, trong đó có 03 hộ nuôi lươn sinh sản.

Ông Lê Văn Bảy, một trong những người nuôi lươn sớm nhất tại xã Mỹ Thành Nam cho biết, nuôi lươn trên bạt nylon khá đơn giản, tận dụng được diện tích đất, mật độ thả giống cao, hiệu quả kinh tế lớn. Thường con giống được đánh bắt trong tự nhiên. Thức ăn cho lươn chủ yếu là cua, ốc bươu vàng, tôm cá vụn, dễ tìm kiếm trong môi trường tự nhiên, nhất là trên đồng lúa vào mùa nước nổi. Đầu ra của con lươn rất thuận lợi bởi nhu cầu thị trường lớn với giá bình quân khoảng 60.000 – 70.000 đồng/kg, tính ra lợi nhuận khá hấp dẫn. Bản thân ông Lê Văn Bảy với 20m2 diện tích hầm nuôi, thả mỗi đợt 20 kg lươn giống, sau 06 – 07 tháng bán thu lợi nhuận trên 05 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập bổ sung quan trọng đối với người dân ở các xã vùng sâu vào thời điểm mùa nước nổi hàng năm.

Điển hình thứ hai là hộ anh Phan Văn Bảnh. Anh Bảnh vốn là giáo viên, tận dụng thời gian rảnh ngoài giờ lên lớp, anh đầu tư mua bạt nylon, làm hầm nuôi lươn. Chỉ với diện tích hầm nuôi chừng 10m2, sau mỗi vụ anh thu hoạch trên 60kg lươn thịt, bán thu lợi trên 04 triệu đồng.

Hiện nay, mô hình nuôi lươn trên bạt nylon đang tiếp tục được nhân rộng ra trên địa bàn các huyện thường xuyên bị ngập lũ như: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành – tỉnh Tiền Giang.