Hòa Bình: Trồng mới và tái trồng 308 ha rừng

Sau nhiều năm nhận đất mà “loay hoay” chưa biết làm gì và cũng không vốn để làm, 329 hộ dân và 2 hợp tác xã tại Xuân Phong, Bắc Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) vừa được hỗ trợ cùng “đồng khởi” phủ xanh đất trống đồi trọc theo cơ chế phát triển sạch.

Khởi động các bước chuẩn bị từ 2008, chính thức triển khai dự án vào 2009 và kéo dài trong 17 năm, 308,5ha đất chưa từng hoặc đã từng có rừng nhưng hiện bỏ trống, phủ toàn cây bụi, cỏ tranh… sẽ được trồng keo tai tượng (280,4ha) và keo lá tràm (28,1ha) nhằm đem lại lợi ích gỗ và tín chỉ carbon.

Trồng rừng khác trồng cây

Theo TS Phạm Đức Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), “trồng cây và trồng rừng là 2 việc rất khác nhau”. Có rất nhiều loài cây trồng đơn lẻ, bình thường khá thành công nhưng khi trồng rừng thì thất bại. Ví dụ: Cây xà cừ phát triển rất tốt trên đường phố nhưng hầu như không thể có rừng xà cừ; cây paulonia đã thí nghiệm ở nhiều địa điểm, đầu tư 25 triệu/ha, tưới từng gốc cây nhưng cứ đến năm thứ 3 là phát triển chậm hẳn lại, ngừng sinh trưởng…

Cũng theo Phó Cục trưởng Tuấn, hiện nay có một tình huống mà người trồng rừng hết sức thận trọng – đó là sự khuếch trương hiệu quả các loài cây của những người bán giống, nhưng thực tế khi thu hoạch tìm không ra thị trường, hoặc sinh trưởng không đúng như quảng cáo!

Ông Tuấn khẳng định: “Về mặt quản lý nhà nước, để quyết định trồng loại cây nào, chúng tôi phải dựa trên cơ sở khoa học là kết quả khảo nghiệm của các cơ quan khoa học chính thống được pháp luật công nhận, chứ không nghe đồn thổi! Cho đến thời điểm này, sau một quá trình sàng lọc tự nhiên, thị trường bền vững nhất trong lâm nghiệp chỉ có gỗ dăm, gỗ ván; còn tất cả đều nổ lên một thời rồi xẹp!”.

 
Gỗ từ cây keo tai tượng vẫn là một trong số ít thị trường bền vững nhất của các loại lâm sản.

Hai loài: keo tai tượng, keo lá tràm (đều có chu kỳ 15 năm) mà Cục Lâm nghiệp (DOF), Bộ NN&PTNT (MARD), Công ty Honda Việt Nam (HVN) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng thống nhất lựa chọn để giao cho 329 hộ gây rừng – là không chỉ dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học mà còn căn cứ nguyện vọng của người dân. Trên 308,5ha đất, với chi phí 14,73 tỉ đồng “phủ xanh”, trong vòng 17 năm dự án sẽ thu về 25,49 tỉ đồng, trong đó 22,54 tỉ đồng bán lâm sản và 2,95 tỉ bán tín chỉ carbon.

Tất cả cùng có lợi!

Dự án “Trồng rừng mới và tái trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch (AR-CDM)” mà đoàn chuyên gia JICA vừa thí điểm tại 2 xã Xuân Phong và Bắc Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) này là một trong những loại dự án phát triển sạch (CDM) mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xúc tiến để giảm phát thải nồng độ khí nhà kính (GHG) trong sinh quyển, ngăn ngừa sự nóng lên toàn cầu. Hiện tại, JICA cũng đang cung cấp sự hỗ trợ tương tự cho Chile và Agentina.

Điều tra của JICA và Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cho thấy, hơn 300ha đất kể trên được phát hiện hoàn toàn không có rừng từ cuối tháng 12/1989. Hầu hết các hộ dân tại đây được giao đất nhưng không phát triển được rừng vì những lý do: điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm… và đã tự nguyện đóng góp đất của mình tham gia vào dự án.

Rất nhiều trong 329 hộ này là các gia đình nghèo (theo tiêu chuẩn Việt Nam) và chính họ sẽ là những người làm dự án, tham gia từ đầu tới cuối, không chỉ được hưởng dụng đất của chính mình, được tạo việc làm tại chỗ mà còn được bổ sung kỹ thuật trồng rừng, sử dụng phế thải hoa màu làm thức ăn cho vật nuôi, được chia tín chỉ carbon và cuối cùng là tiếp cận gỗ củi cùng các loại lâm sản…

Quỹ Phát triển rừng (FDF) vừa được lập bởi UBND huyện Cao Phong và Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam để quản lý số vốn ban đầu (3,5 tỉ đồng) do Công ty Honda Việt Nam hỗ trợ thực hiện giai đoạn 2008-2011 của dự án. Dự kiến, tháng 04/2008 tới, “Ngày trồng rừng” đầu tiên sẽ được UBND huyện Cao Phong, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và Honda Việt Nam đồng phát động trên diện tích khoảng 5ha đất, với sự tham gia của khoảng 1.000 người – nhằm nâng cao nhận thức trồng và bảo vệ rừng trước khi chính thức bước vào dự án.