Cua đá Cù Lao Chàm

ThienNhien.Net – Cù Lao Chàm (thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), một địa danh nổi tiếng với nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp thơ mộng cùng hệ động thực vật và hải sản đa dạng, phong phú. Dạo bộ dọc con đường ven biển Cù Lao Chàm, ta không khỏi ngỡ ngàng trước những giỏ sắt nhốt từng bầy cua. Đó là những con cua đá – một đặc sản Cù Lao Chàm.

Cua đá sống trong khe đá nhỏ trên những ngọn núi, có màu tim tím. Thời gian sinh sản của chúng kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, khi đó chúng bò xuống biển đẻ trứng. Nhưng chỉ có khoảng 1% số trứng nở được vì đây là thức ăn lý tưởng của các loài cá bé.

Cua đá mình vuông gồ ghề như cua đồng, nhưng lại to ngang như cua biển, mai và càng cứng nhưng thịt cũng rất chắc. Thịt cua đá dày, có vị ngọt đặc biệt, phảng phất vị hăng hăng của cỏ cây, vốn là thức ăn chính của cua đá.

 cuada

Trước kia, khi Cù Lao Chàm còn vắng vẻ, cua đá được coi là một loại sản vật quý hiếm chỉ để mời khách.

Nhưng khi cơn sốt du lịch ngày một tăng cao, lượng khách trong và ngoài nước kéo về Cù Lao Chàm một đông thì những nhu cầu dịch vụ cũng gia tăng. Khách du lịch không chỉ đơn thuần ngắm cảnh trời biển, núi non mà thêm vào đó còn là những hương vị ẩm thực chỉ có riêng ở nơi này như cua đá.

Vì đặc điểm cua đá sống trên núi gần nơi có nguồn nước nên việc săn cua không hề dễ dàng. Những cư dân vùng đảo Cù Lao Chàm phải đi săn cua trong đêm tối. Ngày càng có nhiều người tham gia vào “danh sách” săn cua do nhu cầu của khách du lịch tăng cao.

Theo những cư dân vùng đảo, hiện nay có khoảng trên 50 người chuyên săn cua, trung bình mỗi ngày một người  bắt được khoảng 15 – 20 con cua đá. Trước kia, giá một cân cua đá rẻ, chỉ có vài chục ngàn đồng nhưng giờ tăng gấp đôi, ba lần.
 

 cuada
Những giỏ sắt nhốt cua đá chờ khách mua.

Hiện nay, chính quyền chưa có biện pháp quản lý số lượng cư dân tham gia săn bắt cua đá hay số lượng cua đá được tiêu thụ hằng ngày. Nhiều ý kiến cho rằng với tốc độ săn bắt như hiện nay, số lượng cua đá đang giảm đi một cách nhanh chóng. Nếu địa phương không quản lý kịp thời, cua đá có thể sẽ biến mất trước khi Cù Lao Chàm trở thành khu dự trữ sinh quyển của thế giới. 

Trong tương lai, nhu cầu tiêu thụ cua đá chắc chắn sẽ còn gia tăng khi du khách đến Cù Lao Chàm ngày càng đông. Phải chăng chúng ta nên nghĩ đến một giải pháp lâu bền hơn, đó là đưa vào nghiên cứu để nhân nuôi loài đặc sản này, vừa bảo tồn giống cua đá ngoài tự nhiên, vừa phát triển kinh tế cho bà con nơi đây.