Nước thải từ các cơ sở chế biến dong riềng tiếp tục đầu độc sông Nậm Rốm

Nước thải ô nhiễm đen kịt và bốc mùi hôi thối từ các cơ sở chế biến dong riềng tiếp tục đầu độc sông Nậm Rốm. Điều đáng nói là tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm.

Lần theo dòng nước thải đen kịt, trên dòng sông Nậm Rốm, PV Báo Lao Động đã “đột nhập” vào một số cơ sở chế biến dong riềng tại xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ.
Tại đây, PV đã tận mắt chứng kiến những hình ảnh ô nhiễm xung quanh dây chuyền sản xuất, chế biến thô sơ trong một không gian chật hẹp.
Một chủ cơ sở chế biến dong riềng tại đây cho biết, mỗi ngày cơ sở chế biến trung bình khoảng 50 tấn củ, ngày cao điểm lên đến 80 tấn. Trong khi đó, tại khu vực này (xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ cũng là đầu nguồn sông Nậm Rốm) có đến gần chục cơ sở chế biến.
Để sơ chế mỗi tấn dong riềng mất khoảng 3m3 nước. Như vậy, bình quân mỗi cơ sở sẽ phải dùng đến khoảng 150m3 nước mỗi ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc có khoảng gần 1.500m3 nước thải được đổ ra sông Nậm Rốm mỗi ngày.
Tại cơ sở chế biến của gia đình ông Lò Văn Pâng (HTX Hồng Phước) nước thải được bơm ra một khoảng đất rộng, sau đó tự lắng, thẩm thấu và phần còn lại đổ ra sông. Đây là 1 cơ sở hiếm hoi có một bãi đất rộng nên mới áp dụng được giải pháp này.
Nước thải sau khi lắng đọng tạo thành 1 lớp bùn sốp dày hàng chục centimet.
Tuy nhiên, với hàng chục cơ sở chế biến, lượng nước thải ra sông Nậm Rốm vẫn đen kịt và bốc mùi hôi thối. Cách địa điểm các cơ sở sản xuất hàng chục kilomet dòng nước vẫn có màu đen và bốc mùi.
Tháng 12.2021, Báo Lao Động đã có bài phản ánh: “Nước thải ô nhiễm bao vây TP. Điện Biên Phủ và bức tử sông Nậm Rốm“. Sau đó TP Điện Biên Phủ đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và mời 4 sở (Sở TNMT, Sở KHCN, Sở NNPTNT và Công an tỉnh Điện Biên) vào cuộc.
Sau đó, tại cuộc họp báo ngày 31.12.2021, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường thừa nhận thực trạng ô nhiễm này; đại diện lãnh đạo UBND TP Điện Biên Phủ đã khẳng định: “Thành phố sẽ nghiên cứu và xin ý kiến UBND tỉnh Điện Biên cho thành lập khu chế biến dong riềng tập trung tại khu vực xã Nà Tấu để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường”.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm, khu chế biến dong riềng tập trung vẫn chưa thấy đâu, hàng nghìn khối nước thải vẫn đổ ra môi trường mỗi ngày.