Dân chặn đường, nhà máy vàng lớn nhất nước tạm đóng cửa

ThienNhien.Net – Mục đích việc chặn đường của người dân địa phương là để đưa ra các yêu cầu cũng như đòi giải quyết việc công ty này xả thải gây ô nhiễm môi trường lúc 7h ngày 7/5 vừa qua. Sự việc trên đã buộc nhà máy tinh luyện vàng lớn nhất Việt Nam này phải tạm đóng cửa .

Theo ông Phạm Quang Ngũ, phó tổng giám đốc nhà máy vàng Phước Sơn, sự cố tràn bã quặng và nước thải đã không may xảy ra sáng 7/5 tại mỏ vàng Đaksa, khiến khoảng 1,4m3 nước thải cùng 755kg bã bùn quặng có chứa hàm lượng nhỏ độc tố cyanua tràn ra suối.

Nguyên nhân xảy ra sự cố, theo ông Ngũ, là do ống nước thải bị dỡ khỏi thân đập chứa.

Cơ quan chức năng kiểm tra tại mỏ vàng Đắk Sa
Cơ quan chức năng kiểm tra tại mỏ vàng Đắk Sa

Ngay sau khi xảy ra sự cố, trước chứng kiến của người dân địa phương, phía công ty vàng Phước Sơn và chính quyền huyện Phước Sơn đã tổ chức lấy sáu mẫu nước quanh khu vực xảy ra sự cố gửi đến Trung tâm Đo lượng chất lượng khu vực 2 nhờ phân tích, kiểm định hàm lượng cyanua.

Điều đáng nói là sau khi xảy ra sự cố trên, nhiều hộ dân sống dưới con suối đã kéo nhau ra chặn không cho người lẫn phương tiện của công ty vàng Phước Sơn ra vào mỏ… khiến mọi hoạt động của doanh nghiệp này phải tạm dừng.

Để xoa dịu tình hình, phía công ty vàng Phước Sơn đã tổ chức gặp gỡ người dân để “đàm phán” cũng như để giải quyết các yêu cầu mà người dân đưa ra. Theo ông Ngũ, phía công ty đã đồng ý chi 700 triệu đồng để sửa chữa 3km đường đoạn đi qua thôn 4 cũng như tăng số giờ tưới nước mặt đường lên 9 giờ/ngày nhằm hạn chế bụi.

“Chúng tôi cũng xin nhận lỗi với người dân và chính quyền địa phương vì đã để xảy ra sự cố nói trên” – ông Ngũ xác nhận.

Theo ông Phạm Thế Quyền, chủ tịch huyện UBND Phước Sơn, người dân bức xúc là vì lo sợ trong chất thải có hàm lượng lớn cyanua gây độc hại. Được biết, hiện các mẫu chất thải đang được các cơ quan chức năng lấy đưa đi xét nghiệm trước khi làm rõ sự việc.

Dự kiến ngày 12/5 có kết quả xét nghiệm.

Trước đó, năm 2008, Công ty Khai thác vàng Phước Sơn được Bộ TN-MT cấp giấy phép thăm dò khoáng sản trên diện tích 4.200 ha tại 2 xã Phước Đức và Phước Xuân của huyện Phước Sơn.Điều đáng nói là trong tổng số 4.200 ha này, có hàng nghìn héc ta “ăn” vào Khu bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh do Nhà nước đang quản lý. Tuy nhiên, trong thời gian được cấp phép, diện tích này vẫn như vô chủ bởi hàng nghìn người từ các nơi về đào đãi vàng đêm ngày. Cảnh xung đột, tranh giành giữa các “vàng tặc” diễn ra thường xuyên. Hậu quả đã xảy ra hàng loạt vụ sập hầm vàng trái phép làm chết rất nhiều người dân. Nghiêm trọng hơn làm cho tình hình trị an bất ổn vì “vàng tặc”, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm; chất độc xyanua sử dụng để tuyển vàng tràn lan gây ô nhiễm môi trường, sông suối rất nghiêm trọng.

Ngoài ra, tình trạng đào đãi vàng sa khoáng, khai thác lâm sản trái phép xuất hiện ngày càng nhiều trên diện tích đất mà đơn vị này được cấp phép thăm dò. Từ đây, rừng đầu nguồn của Khu bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh bị tàn phá rất nghiêm trọng.

Trước vụ việc Bộ TN-MT cấp “nhầm” này, UBND huyện Phước Sơn đã đi kiểm tra thực tế và kết luận trong khu vực thăm dò của đơn vị này xảy ra tình trạng đào đãi vàng, khai thác lâm sản trái phép, môi trường sinh thái bị tàn phá và xâm lấn Khu bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh. Sau đó, UBND huyện Phước Sơn đã 2 lần kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ TN-MT thu hồi 4.000/4.200 ha đất đã cấp cho đơn vị này, giao toàn bộ số đất này cho huyện quản lý.