Bắc Giang: Ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng tự nhiên ở Sơn Động

ThienNhien.Net – Từ tháng 06/2008 trở lại đây, nhiều người dân ở liền kề rừng tự nhiên thuộc các xã Bồng Am và Tuấn Đạo của huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã chặt phá trái phép 36,78 ha rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế. Đây là diện tích rừng tự nhiên do Công ty lâm nghiệp Sơn Động quản lý, thuộc các tiểu khu Bồng Am và Đá Bờ là 2 tiểu khu mà Công ty này đang thực hiện dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo để trồng rừng kinh tế.

Diện tích rừng tự nhiên nói trên đều là rừng tự nhiên loại 1 bị chặt trắng, một số lô đã trồng cây keo. Theo cơ quan kiểm lâm tỉnh, nguyên nhân của tình trạng này là do đa số các hộ chặt phá, lấn chiếm đất rừng là người dân miền xuôi đi khai hoang từ những năm 1960 nhưng chưa được giao đất lâm nghiệp để sản xuất, đời sống khó khăn, có nhu cầu rất lớn và bức xúc về đất để trồng rừng, phát triển kinh tế.

Người dân lợi dụng việc Công ty lâm nghiệp Sơn Động đang thực hiện dự án cải tạo rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế, cũng nhảy vào chiếm đất, chặt phá rừng. Bên cạnh đó, Công ty lâm nghiệp Sơn Động cũng còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý, bảo vệ, kinh doanh rừng; chưa có giải pháp gắn quyền lợi, trách nhiệm của người dân sống ven rừng với việc bảo vệ, phát triển rừng của Công ty.

Các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với chính quyền các xã Tuấn Đạo, Bồng Am và chủ rừng tổ chức lực lượng tuần tra, ngăn chặn và điều tra, xác minh, lập biên bản xử lý các đối tượng vi phạm. Hiện nay, tình trạng chặt phá rừng tự nhiên công khai ở các xã này tuy tạm thời được ngăn chặn nhưng nhiều người dân vẫn lén lút chặt phá rừng vì đang là mùa mưa thuận lợi cho trồng rừng nên nguy cơ bùng phát, lan rộng tình trạng chặt phá rừng tự nhiên trái phép vẫn rất lớn.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến chính sách về bảo vệ và phát triển rừng, nhất là chủ trương cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thành rừng kinh tế để người dân hiểu rõ, Công ty lâm nghiệp Sơn Động cần sớm có giải pháp gắn quyền lợi, trách nhiệm của người dân địa phương với công tác bảo vệ, phát triển rừng như giao khoán cho người dân bảo vệ rừng hay liên doanh, liên kết với hộ dân để trồng và bảo vệ rừng, sử dụng lao động tại chỗ trong việc cải tạo rừng để tạo việc làm cho người dân địa phương…

Về lâu dài, tỉnh cũng cần xem xét quỹ đất lâm nghiệp giao cho các hộ dân của 2 xã trên hiện chưa được giao đất lâm nghiệp để họ có đất sản xuất, ổn định đời sống gắn với việc bảo vệ, phát triển rừng ở địa phương.