Tăng cường thực thi Luật Đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Ngày 26/07/2010, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo hướng dẫn triển khai Nghị định 65 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học và Nghị định số 69 về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen.


Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua tháng 11/2008 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2009 là dấu mốc quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Ngày 11/06/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học và ngày 21/06/2010, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 69 về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen.

Đây là hai văn bản quan trọng, cụ thể hóa các quy định của Luật Đa dạng sinh học và tăng cường quản lý đối với sinh vật biến đổi gen cũng như sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen – vấn đề trong thời gian qua đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dân cũng như lo ngại về sự an toàn của chúng đối với sức khỏe con người.

Để tăng cường việc thực thi Luật Đa dạng sinh học và các văn bản này, ngày 26/07/2010, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo hướng dẫn triển khai Nghị định 65 và 69 của Chính phủ.

Ngoài việc giới thiệu nội dung và những quy định cơ bản của hai văn bản mới được ban hành, hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo ra một diễn đàn trao đổi, thảo luận sâu và có hiệu quả để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Cụ thể, hội thảo tập trung làm rõ một số nội dung quan trọng như: xác định trách nhiệm cũng như công việc cần phải làm trong thời gian tới để thực hiện Luật Đa dạng sinh học; làm rõ cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp và sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức chính trị – xã hội… trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học; xác định các vấn đề “nóng” về đa dạng sinh học cần được giải quyết; đề xuất các giải pháp và đề ra sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia, sẽ tiếp tục triển khai các mảng công việc mà Bộ được ủy thác, phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương hướng dẫn triển khai thực hiện Luật và các Nghị định.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tăng cường củng cố nguồn lực và tập trung xây dựng hệ thống văn bản pháp luật nhằm đẩy nhanh và mạnh hơn nữa công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phù hợp với định hướng phát triển bền vững và xu hướng phát triển toàn cầu.