Hoang vắng đại ngàn (Kỳ 2)

Sau nhã nhạc, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đó là vinh dự và cũng là thách thức giữa núi rừng Trường Sơn…

Kỳ 2: Tiếng cồng không ngân xa…

Cồng chiêng Tây Nguyên – là một phần không thể thiếu trong đời sống của buôn làng. Từ nghi lễ cộng đồng đến sinh hoạt gia đình. Nó không đơn thuần là một loại nhạc cụ mà còn là một linh khí, là phương tiện giúp con người giao tiếp với thần linh đồng thời cũng là phương tiện để chuyển tải thông tin nhanh nhất giữa các buôn làng.

Ngày xưa, người Gia Rai, Ba Na chỉ cần đánh cồng chiêng khi gia đình hay cộng đồng có việc. Tiếng cồng chiêng ngân rất xa, từ làng này sang làng khác. Nghe tiếng cồng, tiếng chiêng, những người trong làng, trong vùng hiểu ngay rằng ở phía có tiếng chiêng đang có việc gì để đến chia buồn hoặc chung vui. Người giàu có trong cộng đồng không phải là những người nhiều vàng, nhiều bạc mà là những người có nhiều ché, nhiều chiêng.

Ở nhiều làng chúng tôi đi qua, hỏi thăm về cồng chiêng, bà con cứ lắc đầu: “Ngày xưa nhiều lắm, còn bây giờ lâu lâu mới được nghe cồng chiêng…” Nhiều nơi đi qua, chúng tôi phải trả tiền mới được nghe cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng bây giờ mất dần trong đời sống văn hoá làng theo cơn lốc thị trường. Ở thị xã Kontum, các quán ăn có đông du khách nước ngoài đều có bán cồng chiêng. Bán nguyên bộ, bán từng chiếc và đều có lý lịch rất rõ ràng của từng bộ tộc…

Theo một khảo sát của tỉnh Gia Lai cách nay đã gần 10 năm, toàn tỉnh chỉ còn 5.117 bộ cồng chiêng. Cho đến nay, con số này chắc chắn còn giảm rất nhiều. Còn ở tỉnh Kontum, chỉ còn khoảng 2.000 bộ, trong đó chỉ có khoảng 30 bộ cồng chiêng loại cổ – quý hiếm.

Chúng tôi tìm đến làng Plây Tơ Nhi-a hiền hoà của người Ba Na ở thị xã Kontum, ngôi làng của một con người mà cả đời ông là một cuộc hành trình bất tận, không một ngày ngừng nghỉ, không một phút mệt mỏi… đó là cuộc hành trình dài một thế kỷ và giờ đây ông đang đơn độc nơi cuối con đường…

Một tiếng cồng không ngân xa, một tiếng chiêng lạc điệu là bao phiền muộn của lũ làng. Không chỉ người Giơ Rai, Ba Na, mà người Xê Đăng, Ê Đê, Rơ Ngao hay xa tít tận bên Lào, các bộ tộc đều xem nghệ nhân chỉnh sửa cồng chiêng là người được Giàng sai xuống với sứ mạng nói lên tiếng nói phán truyền của Giàng và hoà nhịp cho những nghi lễ tín ngưỡng ngân xa.

Cụ Kwan, người làng Plây Tơ Nhi-a năm nay đã 108 tuổi mang trong mình sứ mạng ấy. Ông đã được truyền nghề cồng chiêng từ khi còn rất nhỏ, khi còn là thiếu niên, và từ khi ấy ông đã cảm nhận được sứ mạng cất bước của mình. Không bản làng nào ông chưa đi qua, không cánh rừng nào ông chưa vượt tới, và không còn sông, dòng suối nào chưa biết tới tên ông. Ông cũng không thể hiểu vì sao ngày xưa ông khoẻ như con voi rừng, buôn làng xa cách mấy, chỉ cần có người đến báo với ông tiếng chiêng bị lỗi, tiếng cồng bị sai là ông lên đường ngay. Sự hiện diện của ông đã làm vui lòng bao nhiêu buôn làng vì ông biết chỉnh tiếng chiêng, tiếng cồng theo đúng giọng nói của Giàng.

 
Tượng nhà mồ bắc Tây Nguyên.

Cụ Kwan vẫn nhớ cái ngày đau buồn khi ông cùng hai nghệ nhân già vượt thuyền sang đất Lào để chỉnh sửa cồng chiêng theo lời mời của các bộ tộc Lào. Trong chuyến đi định mệnh đó hai người bạn chí cốt của ông đã mãi nằm lại dòng sông biên giới khi lũ về làm đắm thuyền…

Giờ đây cụ Kwan không thể đi đứng được, căn bệnh thấp khớp đã quật ngã ông, ông lo lắng lắm cái ngày phải về với Giàng, với tổ tiên, ai sẽ là người nối tiếp bước chân ông… Ông tâm sự: “Tôi cũng cố tìm người để truyền nghề nhưng vẫn chưa tìm được, tôi có hai đứa con trai, một đứa mất sớm, còn một đứa không chịu theo nghề, nó bảo làm ruộng, làm nương còn có cái ăn cái mặc, sửa chiêng không kiếm ra được tiền….

Người con trai của cụ Kwan tâm sự với chúng tôi: Đã có lúc ông cũng muốn là một truyền nhân theo bước cha mình, nhưng nghề này rất khó, anh không có duyên phận để làm một nghệ nhân, mà sửa cồng chiêng là một nghệ thuật phức tạp, có khi phải mất cả tháng mới có thể chỉnh một bộ chiêng, nhưng tiền công người ta trả chỉ khoảng 200 ngàn đồng, không đủ tiền mua gạo ăn chứ đừng nói đến nuôi gia đình. Mà càng ngày buôn làng càng ít tiếng cồng chiêng…

Nghệ nhân già này đã không thể cất bước đến những buôn làng xa xôi mang theo sứ mạng của mình với âm thanh văn hoá cồng chiêng, nhưng trong tâm tưởng của ông vẫn không thể nào quên đi tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng của linh hồn Tây Nguyên mà ông đã gắn bó hơn một thế kỷ qua…