ASEAN: Nỗ lực quản lý các khu bảo tồn xuyên quốc gia

ThienNhien.Net – Các khu bảo tồn xuyên quốc gia (TBPAs) có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các nguồn lợi tự nhiên và những đặc trưng văn hóa của các cộng đồng bản địa. Tuy nhiên, công tác bảo tồn ở các vùng chung biên giới cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc do sự không thống nhất trong cơ chế quản lý của các quốc gia. Điều đó đã đặt ra yêu cầu cần phải có một kế hoạch hành động thống nhất, tập trung sức mạnh và sự hợp tác của các quốc gia vì mục đích chung của công tác bảo tồn.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên, Trung tâm Đa dạng Sinh học ASEAN (ACB) đã phối hợp cùng Cơ quan bảo vệ rừng và Bảo tồn Thiên nhiên thuộc Bộ Lâm Nghiệp Indonesia tổ chức một cuộc Hội thảo nhằm phác thảo ra một bản hướng dẫn để quản lý hiệu quả các TBPAs. Hội thảo được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 26/07 tại Jakarta, Indonesia, đã thu hút một số lượng lớn các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý và những người đang làm việc trong các khu bảo tồn ở Đông Nam Á tham gia thảo luận.

Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) định nghĩa: “Một khu bảo tồn xuyên quốc gia (TBPA) là vùng đất hoặc vùng biển nằm trên một hoặc nhiều đường biên giới giữa các quốc gia, các đơn vị lãnh thổ như tỉnh, vùng, vùng tự trị hoặc các vùng nằm ngoài giới hạn chủ quyền và phạm vi quốc gia, có vai trò giữ gìn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa, được hợp tác quản lý thông qua luật pháp hoặc các biện pháp khác”.

Thế giới hiện có hơn 170 khu bảo tồn liên hợp. Chúng gồm 2 hay nhiều khu bảo tồn nằm tiếp giáp nhau bị phân tách bởi các đường biên giới quốc gia, với tổng số 669 khu bảo tồn riêng lẻ thuộc 113 quốc gia. Đảo Rùa nằm trên đường biên giới của MalaysiaPhilippines là một ví dụ về khu bảo tồn biển xuyên quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, được biết đến là nơi bảo tồn loài Rùa Xanh (Chelonia mydas). Đảo này hiện nay đã được công nhận “Khu bảo tồn Di sản Đảo Rùa” thông quan Bản Ghi nhớ được ký kết giữa PhilippinesMalaysia từ năm 1996.

Rodrigo U. Fuentes, Giám đốc điều hành của ACB cho biết: “Để hỗ trợ cho công tác bảo vệ các khu bảo tồn chung biên giới trên cạn và trên biển, các chính phủ cùng nhiều tổ chức của các nước ASEAN đã tập hợp nhau lại để tìm cách đối phó với những cản trở trong vấn đề quản lý các khu bảo tồn. Bao gồm: xung đột chính trị, sự thiếu cộng tác của các quốc gia liền kề, sự khác biệt trong luật pháp quốc gia, thiếu các mốc biên giới chung và sự chênh lệch về mức độ quản lý các khu bảo tồn giữa các quốc gia khác nhau. Hội thảo này sẽ cố gắng đề cập đến tất cả những vấn đề đó”.

Tại hội thảo, các quốc gia đã chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm từ những hoạt động thực tiễn phù hợp đối với các vùng biên giới chung, những quy định bắt buộc trong việc quản lý các khu bảo tồn trên cạn và dưới nước.

Một trong những điểm nổi bật của cuộc Hội thảo này là chuyến thăm Vườn quốc gia Gunung Gede Pangrango, một khu nghiên cứu về sinh học và bảo tồn quan trọng của Tây Java, Indonesia. Trong VQG này có hai ngọn núi lửa nổi tiếng là GedePangrango. Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Kepulauan Seribu, một khu bảo tồn trên biển với 78 đảo san hô cũng là một địa điểm điền dã trong cuộc hành trình của đoàn tham gia hội thảo.

Các thành viên cũng đã đề cập đến việc thành lập mạng lưới các TBPAs trong khu vực, đồng thời phác thảo ra một bản hướng dẫn nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong quá trình thực hiện các chương trình hành động về TBPAs.