Bảo vệ môi trường kiểu nước nghèo

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (06/2008), thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và Hà Nội là hai địa phương có xếp hạng chỉ số ô nhiễm chung cao nhất nước. Ô nhiễm vì rác, nước thải, không khí, tiếng ồn, chất độc hại… báo đài nói nhiều, chỉ thiếu giải pháp.

Rác thải trong thành phố: Vấn đề không của riêng ai

Rác thải trong thành phố đã trở thành vấn đề nhức nhối và bức xúc đối với những ai có tấm lòng với thành phố nơi mình sống, nhất là hai thành phố lớn của nước ta là Hà Nội và TP. HCM. Theo dự tính, mỗi ngày, mỗi nhà thải ra 1kg rác, hơn 3 triệu người Hà Nội đưa ra khỏi nhà mình khoảng 3000 tấn rác mỗi ngày. Còn ở TP. HCM là hơn 6000 tấn.

Ở Hà Nội hiện nay mới chỉ dành ưu tiên việc xử lý rác thải của 36 bệnh viện bằng phương pháp đốt rác nhưng không triệt để. Tuy vậy, không phải bệnh viện nào cũng xử lý vấn đề rác thải một cách triệt để và có lương tâm.

 
Rác trong thành phố sẽ đi về đâu? (Nguồn: HanoiData).

Còn lại, 90% lượng rác thu gom được ở Hà Nội đều đem đi chôn lấp ở khu xử lý rác Nam Sơn. Chi phí cho việc này mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Còn ở TP. HCM, dự chi cho việc này trong năm 2007 hết 459 tỷ đồng.

Trên thế giới có 3 cách xử lý rác phổ biến là đốt, chôn và chôn ủ (compôt trả rác về đất trồng cây). Ở các nước phát triển như Anh, Nhật, Thuỵ Sĩ, phương pháp chủ yếu dùng để xử lý rác thải là đốt. Đây là phương pháp có chi phí tốn kém nhất.

Phương pháp ủ sinh học đầu tư ít hơn, nhưng kéo dài 3 – 4 tháng, xử lý ủ rác khó làm triệt để, dễ gây ảnh hưởng tới môi trường.

Ở Việt Nam, biện pháp chôn rác thải đang được sử dụng phổ biến vì dễ làm, ít tốn kém nhưng tốn diện tích đất. Nước rác rò rỉ làm ô nhiễm nguồn nước, khí sinh ra khi phân huỷ gây ô nhiễm không khí và dễ gây cháy nổ. Với chi phí hiện tại ở hai thành phố lớn cho việc chôn rác thải, xem ra vừa tốn kém mà hiệu quả không được như ý muốn.

Chôn rác ở đâu trong bản đồ qui hoạch?

Hà Nội đã có một thời gian gặp rắc rối về bãi chôn rác. TP.HCM cũng tồn tại những vấn đề về chôn rác trong khoảng 20 – 25 năm tới đù đã có những dự án bãi chôn và dây chuyền xử lý rác với chi phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng như ở xã Phước Hiệp huyện Củ Chi, Đa Phước quy mô 800 ha hay dự án lập quy hoạch khu xử lý rác Thủ Thừa (Long An) với diện tích 1.760ha (bằng tổng diện tích các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng ở Hà Nội là 2.500 ha).

Không những phải “hi sinh” diện tích đất quá lớn, vấn đề “hậu chôn rác” và nguy cơ ô nhiễm về lâu dài vẫn rất tiềm tàng. Nguy cơ này có thật và càng lớn khi chúng ta giám sát lỏng lẻo.

Trong khi vấn đề xử lý rác đang không được ưu tiên đúng mức trong các kế hoạch phát triển đô thị thì các khu đô thị sinh thái, sân golf, khu đô thị mở, du lịch nghỉ duỡng hay các khu công nghiệp lại nở rộ, rộn ràng khởi công. Những mô tả về xử lý rác thải hay nước thải đều đề cập đến rất mờ nhạt trong các qui hoạch đô thị.

Chừng nào câu hỏi rác thải, nước thải được xử lý ra sao còn chưa được trả lời thỏa đáng, thì thiết nghĩ các nhà quản lý chẳng nên “nhanh nhẹn” ký duyệt cho ra đời những khu đô thị hay khu công nghiệp “siêu sạch” tưởng như không phát sinh rác thải nước thải kia.

Trên thực tế, các nhà quy hoạch không thể phủ nhận là đô thị mở tới đâu, con người theo tới đó và rác, nước thải sinh hoạt hay công nghiệp xuất hiện nhanh hơn những rừng cây, hồ nước vẽ trong các bức tranh quy hoạch.

Vậy là, dù hội thảo về môi trường có được thường xuyên tổ chức, các lễ diễu hành đi bộ quanh hồ hay đi xuyên Việt “vì môi trường Xanh – Sạch” có rầm rộ đến mấy e rằng không có ý nghĩa gì.

 
Sân Golf ở Dunkerque thành phố Saint-Pol-sur-Mer (Pháp) xây dựng trên một bãi rác
thải. Vườn Bách thảo Paris cũng có nguồn gốc tương tự. (Nguồn: HanoiData).

Nên chăng những kế hoạch phát triển đô thị nên bắt đầu từ việc phân hoạch những khu vực đất đai bất lợi trong canh tác nông nghiệp để làm nơi tập trung chôn rác, sau một thời gian phân hủy, những nơi như vậy sẽ không thuận lợi trong xây dựng sẽ được giao làm sân golf hay công viên.

Những nơi thu gom nước thải xử lý được kết hợp với vành đai xanh trồng trọt và chăn nuôi. Vừa tận dụng chất thải hữu cơ vừa kiểm soát chặt chẽ để loại bỏ chất thải độc hại…

Làm được như vậy thì bản vẽ tương lai đô thị không chỉ là bức tranh chia lô – tô mầu, mà thực sự là sản phẩm trí tuệ của các nhà quy hoạch hay quản lý có trách nhiệm.

Một cam kết tin cậy với bà con địa phương về quy trình an toàn xử lý rác , nước thải …Tương lai những vùng đất được sử dụng luân chuyển – tuần hoàn gắn với những lợi ích hàng ngày và lâu dài, sẽ được bà con giám sát thực hiện, thì chắc là không thiếu địa phương “nô nức đón chào” dự án nhận rác về.

Dẫu tốn bao nhiêu đất để chôn rác đi nữa thì cũng chẳng cần lo ngại, vì ngần ấy diện tích rộng lớn sẽ mầu mỡ hơn sau khi mùn rác phân hủy, thành phân bón cho cây lá xanh tươi…

 
Nhà máy nhiệt điện – sử dụng khí đốt từ rác thải tại Nanjido-ngoại ô Seoul (Hàn Quốc). (Nguồn: HanoiData).

Giải pháp nào cho rác thải ở các thành phố lớn?

Mỗi quốc gia có cách chi tiêu cho xử lý rác thải khác nhau. Nơi giàu đã đành, nơi nghèo mà cứ theo cách chi tiêu của nhà giàu thì càng nhiều càng thiếu, vì rất nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là người tiêu tiền lại không phải là người kiếm tiền.

Tốt nhất là tiền xử lý rác sẽ do bán rác tái chế đem lại. Tính toán chưa đủ thì bù thêm vào quyền sử dụng đất bãi rác mà làm sân golf, vườn sinh thái, trồng rừng, hay ít nhất thì làm bãi tập xe.

Nhiều nước giàu có người ta phải “vận động” mới được “quyền” thu gom rác. Hà Nội ngày xưa cũng phải cạnh tranh quyết liệt giữa chủ ta, chủ tây đấu thầu “đổ rác, đổ thùng” . TP.HCM cũng có nhà đầu tư Việt kiều sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD làm
nơi xử lý rác.

Tuy vậy rác vẫn là nguồn lợi nuôi sống không ít người. Cho đến nay nhiều doanh nghiệp đã ý thức được nguồn lợi từ rác và các dự án tái chế bằng nguồn xã hội hóa cũng dần hình thành (nhất là TP.HCM).

Cái cần thiết là bộ quy tắc ứng xử chi tiết để vận hành cái thiết chế này. Sao cho môi trường không ô nhiễm, xã hội chi trả ít nhất mà vẫn kiểm soát chặt chẽ quy trình vệ sinh xử lý tái chế rác thải (thí dụ kiểm soát tái chế rác thải y tế).

Cái bộ quy tắc này mà dùng được thì hàng tỷ đồng cũng đáng mua. Để tránh mua phải đồ “rởm” lại cần cơ chế đấu thầu mua bán sòng phẳng – minh bạch, chứ không dễ lại vớ phải thứ vô dụng, bổ sung giấy vụn vào rác thải.

Trong khi các nhà quản lý môi trường đang còn băn khoăn sử dụng tiêu chí khoa học nào để đánh giá ô nhiễm cho chuẩn xác, hay lo lắng thiếu kinh phí xử lý rác thải, thì khắp nơi có bao người không kể mưa nắng nhặt rác, phân loại, làm sạch để tái sử dụng rác.

Báo chí đã cho biết có cả những vùng quê ở Việt Nam hình thành nghề tái chế rác. Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Serilanca, hay các quốc gia đang phát triển khác cũng vậy, kèm theo đó là những điều kiện vệ sinh, an toàn không được quan tâm.

 
Từ bãi rác khổng lỗ, núi rác cao 90m, người ta san phẳng và xây dựng thành công viên, nơi an toàn cho động vật hoang dã và nghỉ ngơi của du khách – Nanjido-ngoại ô Seoul (Hàn Quốc). (Nguồn: HanoiData).

Không biết có bao nhiêu phần trăm trong số rác khổng lồ thành phố thải ra hàng ngày sẽ qua tay những người nhặt rác không ngừng nghỉ kia, sau đó sẽ lại được tái sử dụng, giảm nhẹ bao chuyến xe tải, bớt đi bao diện tích đất đai để chôn rác?

Có bao nhiêu tấn nilon phế thải chở về Đồng Ngư (Bắc Ninh), giẻ vụn về làng Khoai (Hưng Yên) rồi nhựa vụn, sắt nhôm vụn về Hà Tây… Họ là những nông dân nghèo ít ruộng hay không còn ruộng, đang hàng ngày âm thầm làm cái việc có ý nghĩa ấy vì mục đích giản dị là kiếm sống.

Tin vui là TP.HCM đang xây dựng mô hình các trung tâm tái chế lại rác, điển hình là rác thải y tế, dầu ăn phế thải, túi nilông. Ở Hà Nội thì chưa có mô hình tương tự, nên chăng có cách nào hỗ trợ bà con kỹ thuật phương tiện an toàn khi dùng tay “giặt rác”, hay hỗ trợ quy hoạch xử lý nước thải, khói bụi cho những địa phương tự nhận rác về đề tái chế, nhằm giảm thiểu tích tụ hay phát tán độc hại vào nguồn nước, không khí.

Có cách nào hỗ trợ y tế hay bảo hiểm, để ngăn ngừa phần nào tác động đến sức khỏe khi bà con hàng ngày tiếp xúc với rác… Biết đâu, nếu làm được như vậy, ta đang tự xây lên một mô hình thích hợp cho một nước nghèo khi hoạt động tái chế rác thải – tự bảo vệ môi trường một cách chủ động.

Trong khi chưa làm được thì chỉ có thể nói lời cám ơn những ai nhặt rác mỗi ngày…