Gỡ bẫy thú rừng, bảo vệ động vật quý hiếm ở Vườn Quốc gia Yok Đôn

Lực lượng chức năng Vườn Quốc gia Yok Đôn đã xử lý, gỡ hàng trăm bẫy thú rừng, nhằm bảo vệ các loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Kinh nghiệm gỡ bẫy thú rừng

Đã 13 năm công tác trong nghề kiểm lâm, anh Nguyễn Viết Huỳnh – Phó Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 9 (Vườn Quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk) được biết đến như là một trong những người có bề dày kinh nghiệm về gỡ bẫy thú rừng.

Trạm của anh Huỳnh đang quản lý hơn 13.000ha rừng. Và trên khoảng diện tích mênh mông này, anh Huỳnh và đồng nghiệp đã từng phát hiện hàng trăm bẫy các loại.

Một chiếc bẫy thú rừng được phát hiện trong Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Bảo Trung

Anh Huỳnh cho biết: “Địa bàn chúng tôi quản lý có nhiều loài có móng guốc đến các loại như chồn, nhím… nên thường xuyên xuất hiện các đối tượng vào đặt bẫy, săn bắt trái phép. Đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học và gỡ bẫy thú rừng, nhất là vào mùa khô.

Bẫy ở đây có nhiều loại như bẫy dây, bẫy cạp, bẫy lò xo, dùng bẫy các loại động vật khác nhau như heo, bò rừng, mang…. Có một số loại bẫy gây sát thương cao, lại chôn ở dưới đất nguỵ trang rất khó phát hiện nên có nhiều anh em đi là đạp vào bẫy là bị thương, cũng đã từng có các anh em kiểm lâm dính bẫy”.

Rất nhiều các loại bẫy được người dân đặt trong Vườn Quốc gia để săn thú rừng. Ảnh: Bảo Trung

Theo anh Huỳnh: Khi đi rừng, chúng tôi cảm thấy may mắn và vui mừng là khi tìm thấy chiếc bẫy trống hoặc phát hiện động vật đang mắc bẫy để kịp thời thả về rừng. Vào mùa khô, hồ nước, sông suối là những nơi thường xuất hiện bẫy thú vì người dân đặt bẫy dựa vào thói quen di chuyển đi uống nước của thú rừng.

Tăng tuần tra

Để bảo vệ các loài động vật quý hiếm, Vườn Quốc gia Yok Đôn còn triển khai đặt các máy bẫy ảnh, giám sát đa dạng sinh học, để thu được hình ảnh, video các loài động vật và cả mối đe doạ với động vật. Qua đó, lực lượng chức năng dễ dàng thu được những hình ảnh người dân xâm nhập vào rừng đặt bẫy thú. Đây cũng là một trong những cách thức quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia.

Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, xử lý, gỡ nhiều loại bẫy thú rừng. Ảnh: Bảo Trung

Ông Nguyễn Hữu Tạo – Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm (Vườn Quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho rằng: Bẫy ảnh có thể xác định được tần suất xuất hiện của thú rừng, kiểm soát được các đối tượng vào rừng. Khi lực lượng chức năng phát hiện được các đối tượng vào rừng, ảnh chụp được thì sẽ chủ động phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục, giúp người dân có nhận thức tốt hơn, hạn chế được việc bẫy thú rừng trái phép.

Tại các trang mạng xã hội, tình trạng mua bán các loại bẫy thú rừng được thực hiện tràn lan và công khai. Sự siêu lợi nhuận từ buôn bán động vật hoang dã đã khiến nạn bẫy bắt thú rừng vẫn diễn ra phức tạp. Thủ đoạn của đối tượng ngày càng tinh vi, làm khó lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm. Do đó, lực lượng kiểm lâm tại Vườn Quốc gia phải thường xuyên tăng cường tuần tra, phát hiện gỡ bẫy, thả động vật về tự nhiên.

Việc gỡ kịp thời các loại bẫy đã giúp bảo vệ nhiều loài động vật quý hiếm. Ảnh: Bảo Trung

Ông Phan Thanh Hòa – Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Vườn Quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk – chia sẻ: “Trong thời gian qua, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn đã thu giữ hàng nghìn chiếc bẫy. Đặc biệt, có đợt tuần tra, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hàng chục chiếc bẫy thú.

Các loại bẫy thường gặp gồm bẫy dây, bẫy kẹp, bẫy cạp…  thường được đặt theo từng cụm, ngụy trang tinh vi dưới đất, phía trên phủ lớp lá khô. Các loại thú thường dính bẫy có thể kể đến như heo rừng, chồn, mang, khỉ”.

Vườn Quốc gia Yok Đôn hiện có diện tích hơn 115.000ha, là nơi có hệ động vật và thực vật đa dạng phong phú với 1.006 loài thực vật, 650 loài động vật. Trong đó, có một số loài đặc hữu, được ưu tiên bảo vệ như voi, bò rừng…

Hiện, áp lực quản lý bảo vệ rừng cũng và những loài động vật quý hiếm của của lực lượng chức năng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn đang rất lớn vì xung quanh khu vực trên có đông dân cư sống rất nhiều, đời sống kinh tế còn khó khăn. Từ bao đời nay, phong tục tập quán của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số vẫn sống phụ thuộc vào rừng nên thường vào rừng săn bắn, bẫy thú, mưu sinh.