Châu Âu: Phân vân về nhiên liệu sinh học

Sau khi có nhiều báo cáo cảnh báo về nhiên liệu sinh học có thể làm gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và làm giá lương thực tăng cao, các nước châu Âu đang có những dấu hiệu rút lui khỏi những cam kết về mục tiêu sử dụng nhiên liệu sinh học.

Cắt giảm các mục tiêu

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tuần trước quy cho nhiên liệu sinh học chịu 75% trách nhiệm làm tăng giá lương thực toàn cầu (vốn đã tăng 80% trong 3 năm qua).

Những vùng đất dành trồng cây lương thực giờ được sử dụng để trồng những loại cây chế biến nhiên liệu sinh học đã góp phần làm tăng thiếu hụt lương thực toàn cầu, đẩy hàng triệu người vào cảnh đói.

Tại cuộc họp của G8 mới kết thúc tại Nhật Bản, Chủ tịch WB, Robert Zoellick đã kêu gọi châu Âu và Mỹ nên xem xét giảm các mục tiêu nhiên liệu sinh học.

Châu Âu là một trong những nơi thông qua sớm nhất các mục tiêu nhiên liệu sinh học và sẵn sàng đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học.

Điều này củng cố thêm uy tín của một châu lục luôn hướng “xanh” và giúp giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhập khẩu năng lượng.

27 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mục tiêu đến năm 2020, có 10% nhiên liệu xe cộ sẽ chuyển sang nhiên liệu sinh học, trong nỗ lực giảm 20% khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Tuy nhiên, xu hướng rút lui khỏi mục tiêu đó đang tăng mạnh. Chính phủ Anh đầu tuần này tỏ dấu hiệu cho thấy sẽ xem xét cẩn trọng một lần nữa tiến trình thực hiện mục tiêu.

Quốc hội châu Âu cũng dự kiến vào cuối năm nay bỏ phiếu về một đề nghị giảm mục tiêu nhiên liệu sinh học của EU xuống còn 4% vào năm 2015. Pháp là nước đã bác bỏ mục tiêu trên từ năm ngoái và Đức đã từ chối việc giảm thuế cho nhiên liệu “xanh”.

Theo Adrian Bebb, thuộc tổ chức “Những người bạn trái đất”, làn sóng chính trị ở châu Âu đang chuyển sang chống nhiên liệu sinh học. Mọi người đang nhận ra rằng, thật là một “ý tưởng điên rồ” khi sử dụng các vùng đất có giá trị để trồng cây làm nhiên liệu chứ không phải cho các vụ mùa cung cấp lương thực cho con người.

Sang thế hệ thứ hai?

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiếng nói ủng hộ nhiên liệu sinh học. Michael Mann, người phát ngôn nông nghiệp của EU cho rằng, châu Âu vẫn có thể đạt mục tiêu thay thế 10% nhiên liệu bằng nhiên liệu sinh học vào năm 2020 mà không gây tác động lớn về nguồn cung cấp lương thực.

Mann biện luận rằng, nhiên liệu sinh học gây tác động lên giá lương thực ít hơn so với các vụ mùa thất bát và nhu cầu lớn từ dân số toàn cầu đang gia tăng.

Các chuyên gia khác cho rằng ngay cả khi châu Âu “quay lưng” với nhiên liệu sinh học thì tác động lên giá lương thực toàn cầu cũng sẽ không đáng kể. Nếu những nước “nặng ký” như Mỹ không thay đổi chính sách thì sẽ khó có được những chuyển biến vì riêng Mỹ đã chuyển đổi 30% sản lượng ngũ cốc vào sản xuất nhiên liệu sinh học.

Các chuyên gia cho rằng, tương lai của năng lượng sinh học không phụ thuộc vào những cây trồng ăn được như hiện nay mà là vào những cây không ăn được – gọi là nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai.

Hiện có 2 dạng chế tạo nhiên liệu sinh học.

Thứ nhất là nhiên liệu sinh học chế từ các loại cây trồng ăn được, như ethanol chế từ đường và ngũ cốc.

Thứ hai là nhiên liệu sinh học chế từ những loại thực vật không dùng làm thực phẩm. Loại thứ hai này sẽ không ảnh hưởng gì đến các vụ mùa và lại rất dễ trồng ở các vùng đất châu Phi, vì thế sẽ không tác động giá lương thực thế giới.