Săn lâm tặc ở “thị trấn gỗ xẻ”

Lâm tặc ở huyện Nam Giang, Quảng Nam sử dụng xe Minsk – 125 phân khối chở gỗ nếu bị lực lượng chức năng rượt đuổi chúng sẵn sàng quẳng gỗ xuống đường chắn ngang cuộc đua. Như vậy, người lái xe rượt theo nếu không đâm vào thì cũng bay xuống vực… "Điểm đến" của lâm tặc là thị trấn Thạnh Mỹ, mệnh danh "Thị trấn gỗ xẻ".

Sức lâm tặc cộng thêm sức “ngựa” (ngựa là tên chiếc xe môtô hiệu Minsk người dân nơi đây thường gọi), mỗi ngày qua đi, những cánh rừng ven hai bên đường Hồ Chí Minh, khu vực huyện Nam Giang, Quảng Nam đang bị băm nát dần mặc dù thời gian gần đây các ngành chức năng đã và đang ra quân dẹp loạn vấn nạn này…

Chuyện ở “cà phê gỗ”…

Sáng sớm. Quán cà phê đầu cầu Thạnh Mỹ nối liền tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn từ Đông Giang qua Nam Giang) chật kín người. Khách đến uống cà phê có thành phần công nhân, trí thức có, người cắt cỏ chăn trâu cũng có.

Đặc biệt, quán có rất nhiều những tay “đua ngựa” không BKS (chủ tay lái xe môtô hiệu Minsk) chiếm chỗ từ sáng tới tối. Thấy khách lạ bước vào quán chọn chỗ ngồi, vài tay “anh chị” kính đen sước trên đầu nhìn trừng trừng như muốn nuốt chửng.

Cuộc trò chuyện giữa họ tạm gián đoạn. Chỉ đến khi chúng tôi đánh lạc hướng bằng cách đưa ra câu chuyện vờ làm dân mạng điện thoại di động đi khảo sát địa điểm lắp đặt trạm phát sóng họ mới tiếp tục khai hỏa những câu chuyện. Cạnh bàn chúng tôi, màn chửi thề và nói tục liên quan đến chuyện phá rừng, lấy gỗ liên tục văng ra trên cửa miệng của các tay “đua ngựa” mặc cho bàn bên cạnh là những kiểm lâm viên.

Vèo! Ngoài đường một chuyến xe chở gỗ vụt qua quán chui ngay xuống con hẻm bên trái thành cầu rồi mất hút khi vài kiểm lâm viên chưa kịp trở tay. Liền đó, các kiểm lâm viên tức tốc nổ xe lao theo chuyến xe chở gỗ vừa qua mặt. Hàng loạt tay lái gỗ khác cũng đứng dậy rời quán nổ máy xe chạy vào hướng bìa rừng.

Cô chủ quán lắc đầu: Ở đây chuyện rượt đuổi xảy ra như cơm bữa, nhưng ai dám đụng vào bọn chúng đâu. Chạy xe theo không khéo là mất mạng như chơi.

Cũng theo những người dân quanh khu vực này thì việc lâm tặc sử dụng xe Minsk – 125 phân khối khi chở gỗ nếu bị lực lượng chức năng rượt đuổi chúng sẵn sàng quẳng gỗ xuống đường chắn ngang cuộc đua. Như vậy, người lái xe rượt theo nếu không đâm vào thì cũng bay xuống vực…

Lâm tặc lộng hành

Theo ghi nhận của chúng tôi trong chuyến thực tế mới đây, cứ 5-10 phút lại có một chuyến xe chở gỗ tròn vụt qua tuyến đường này. Hằng ngày, đội xe Minsk không số có đến hàng chục chiếc cứ băm nát các cánh rừng hai bên đường Hồ Chí Minh mặc dù thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã tăng cường lực lượng chốt chặn, truy đuổi.

Phía dưới tuyến đường, những xưởng cưa vẫn ngày đêm ầm ào chạy hết công suất. Cũng chính vì điều này mà thị trấn Thạnh Mỹ được các lái buôn gán cho mệnh danh “Thị trấn gỗ xẻ”.

Cách quán cà phê nhỏ này chưa đầy một kilômét, hàng chục con trâu đực để kéo gỗ đang thong dong nhai cỏ để chủ chúng canh chừng lực lượng kiểm lâm. Bên trái tuyến đường là một vực sâu mòn nhẵn do việc thả gỗ từ trên sườn núi lao thẳng xuống bến sông.

Từ sáng đến xế trưa, chúng tôi chứng kiến hàng chục lượt xe chở gỗ phóng ào qua mặt với tốc độ kinh hoàng. Còn lực lượng kiểm lâm do quá mỏng nên gần như bị mất hút trước những binh đoàn xe không số này. Một mặt, do các tuyến đường này đều phủ sóng điện thoại của điện lực nên mọi cử động của lực lượng kiểm lâm đều bị lâm tặc theo dõi kỹ lưỡng.

Trưa, chúng tôi vào một quán nhỏ ven đường nghỉ ngơi, một tay chở gỗ nói thẳng: “Dân ở đây không khai thác gỗ thì làm cái gì đổ vào miệng? Khó mấy cũng phải kiếm ngày một đôi trăm ngàn nuôi vợ, nuôi con”.

Cũng chính sự lì lợm này mà những cánh rừng phòng hộ sông Bung, sông Thanh (thuộc địa bàn Nam Giang) bạt ngàn gỗ quý đang bị “xẻ thịt” dần theo tháng năm. Mỗi lần đến đây thực tế, nhìn những cánh rừng ngày một thưa đi màu xanh lá rừng do sự tàn phá của sức lâm tặc, sức trâu mà những người làm báo chúng tôi xót xa thay.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang, ông Nguyễn Ngọc Xin cho biết: “Huyện đã từng họp dân nhiều lần nhưng chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm vấn đề này. Lực lượng kiểm lâm thì quá mỏng, trang bị thô sơ và được lâm tặc theo dõi sát sao từ trong ngõ đến bìa rừng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2007 đến nay, Chi cục Kiểm lâm huyện đã bắt gần 300 vụ vận chuyển khai thác gỗ trái phép, thu giữ hơn 700m3 gỗ”.

Ông Xin nói thẳng: “Thấy con trâu kéo gỗ, nhưng khi phát hiện chúng chặt dây thừng cho trâu đi thong thả thì lực lượng cũng chẳng biết làm gì! Dân địa phương nuôi trâu đấy, nhưng ai cấm? Bắt thì phạm luật. Gỗ cũng vậy, khi tới nơi chúng bỏ chạy coi như phi tang”.

Cũng theo ông Xin, trước tình hình người dân đua nhau phá rừng, lực lượng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhiều nhưng rất khó khăn vì kinh phí thiếu. Bình quân, mỗi năm chỉ có 15 triệu đồng cho hoạt động này bao gồm cả tuyên truyền và kinh phí vào rừng, nên câu chuyện truy quét không mấy hiệu quả.

Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm nếu vào núi một chuyến dài ngày phải mất từ 3-4 triệu đồng. Với nguồn kinh phí ít ỏi này, mỗi năm lực lượng chỉ vào rừng được 3 lần là hết tiền nên đành co cụm ngồi nhà lấy barie làm thứ vũ khí duy nhất để giữ rừng.

Và rồi, 40 ngàn hécta rừng bảo tồn và rừng phòng hộ thuộc địa bàn Nam Giang có lẽ sẽ bị tàn phá trơn tru trong nay mai…