Gỡ “nút thắt” cho điện gió

ThienNhien.Net – Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng gió nhưng cho đến thời điểm này vẫn khởi đầu hết sức khó khăn, đặc biệt là khi vướng “nút thắt” về quy hoạch, giá bán…

Điện gió cùng với các nguồn điện tái tạo khác như điện mặt trời, điện sinh khối… đã được Chính phủ quan tâm đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (còn gọi là Quy hoạch Điện 7). Theo đó, từng bước tăng tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này ở mức 3,5% (năm 2010) lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030. Mục tiêu cụ thể là đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020 và khoảng 6.200 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.

“Điện gió là năng lượng sạch, do đó cần được trợ giá từ Quỹ bảo vệ môi trường, cần được hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư của nhà nước và miễn giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa thiết bị phục vụ dự án” – Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở KH-ĐT Bạc Liêu 

Dù được quan tâm nhưng từ chủ trương đi đến thực hiện vẫn còn những rào cản, nên… gió vẫn thổi mà điện vẫn chập chờn.

Giá bán “thấp nhất thế giới” 

Sau gần 3 năm thi công trong điều kiện thời tiết thay đổi bất thường, địa hình phức tạp, điện gió Bạc Liêu đã hoàn thành giai đoạn 1, gồm 10 tua bin, công suất 16 MW, điện năng sản xuất 56 triệu kWh/năm và chính thức hòa vào lưới điện quốc gia hôm cuối tháng 5 vừa qua.

Chủ đầu tư dự án điện gió Bạc Liêu, Công ty TNHH xây dựng – thương mại – du lịch Công Lý, đã ký hợp đồng mua bán điện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EViệt Nam) với giá tương đương 7,8 cent US/kWh. Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bạc Liêu, cho rằng mức giá mua điện này chưa hợp lý, thiệt thòi cho nhà đầu tư và sẽ kéo dài thời gian thu hồi vốn. Hiện nhà đầu tư và tỉnh Bạc Liêu đã có tờ trình kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư cần xem có chính sách trợ giá và nâng mức mua điện lên tương đương 9 cent US/kWh. “Điện gió là năng lượng sạch, do đó cần được trợ giá từ Quỹ bảo vệ môi trường, cần được hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư của nhà nước và miễn giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa thiết bị phục vụ dự án”, ông Ly nhấn mạnh.

Cũng với giá được duyệt tương đương 7,8 cent US/kWh, nhưng các dự án điện gió đã phát điện tại tỉnh Bình Thuận hiện nay chỉ được EViệt Nam mua với giá tương đương 6 cent US/kWh. Phó chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận Bùi Văn Thịnh nhận xét, “nút thắt” chính hiện nay là giá bán. Theo ông Thịnh, với suất đầu tư cao mà giá bán Chính phủ quy định chỉ 7,8 cent là thấp nhất so với thế giới. Ông Thịnh so sánh: Tại Trung Quốc giá từ 9 – 10 cent; Philippines là 22 – 24 cent. Nhật Bản là 29 cent và một số nước châu Âu khác là 14 – 15 cent. “Cái chính là giá bán. Nhà đầu tư làm dự án phải có lãi thì mới hiệu quả. Không có lãi không ai làm”. Ông Thịnh cho rằng Quyết định 37 của Chính phủ đã rất ưu ái cho điện gió nhưng về giá là chưa phù hợp với thực tế. “Hiện nay Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đang gấp rút hoàn thiện bản kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ ngành tháo gỡ sớm những khó khăn này. Tôi nghĩ là không có lý do gì mà để các nhà đầu tư gặp khó khi các điều kiện tự nhiên của Bình Thuận quá ưu đãi cho điện gió”, ông Thịnh nói.

Điện gió Bạc Liêu đã hòa lưới điện quốc gia (Ảnh: Trần Thanh Phong/Thanh Niên)
Điện gió Bạc Liêu đã hòa lưới điện quốc gia (Ảnh: Trần Thanh Phong/Thanh Niên)

Dự án chờ… quy hoạch 

Là tỉnh đi đầu trong phát triển điện gió, đến nay Bình Thuận đã có 16 dự án với tổng công suất đăng ký đầu tư là 1.242 MW. Trong đó có 5 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; 9 dự án đã hoàn thành báo cáo đầu tư và 2 dự án trong giai đoạn khảo sát. Hiện nay đã có 8 nhà đầu tư (với 9 dự án đăng ký 894 MW) đã hoàn thành hồ sơ nhưng “vướng” chồng lấn vào vùng quy hoạch khai thác titan nên còn phải chờ.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC-HCMC) cho rằng, điều bất ổn nhất trong thời gian qua là dự án đầu tư điện gió đã có nhưng quy hoạch thì chưa, trong khi quy hoạch là nguyên tắc đầu tiên phải có.

Hai năm trước, Tập đoàn Trung Nam chọn Ninh Thuận làm nơi đầu tư cho dự án điện gió với tổng công suất 90 MW. Do chờ quy hoạch nên tới nay dự án vẫn còn trên giấy. Ông Đặng Công Chuẩn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho biết mãi đến tháng 3 năm nay mới có quy hoạch về điện gió cho tỉnh Ninh Thuận. Tỉnh đang rà soát lại để cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo ông Chuẩn, những cơ chế chính sách về thuế và đất đai dành cho điện gió hiện nay là đầy đủ, thuận lợi cho nhà đầu tư. “Chỉ có điều duy nhất là giá mua điện chưa khuyến khích nhà đầu tư. Giá phải trên 9 cent US/kWh mới có thể mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư điện gió”, ông Chuẩn nói.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, ngoài việc tính toán lại giá, cũng cần có cơ chế mua điện gió sao cho khuyến khích, chứ không phải theo kiểu khi thiếu điện mới mua, giờ thấp điểm dư điện thì không mua…

Chọn thiết bị đắt, nơi ít gió sẽ lỗ 

Ông Lê Tuấn Phong, Tổng cục phó Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, khẳng định Chính phủ đã có Quyết định 37 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy điện gió nối lưới trong 20 năm hoặc có thể kéo dài thêm thời gian (thông qua hợp đồng mua bán điện). Các nhà đầu tư cũng sẽ được ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí cũng như hạ tầng đất đai.

Giá mua điện gió được quy định là 7,8 cent/kWh (tương đương 1.614 đồng/kWh chưa bao gồm thuế VAT) và sẽ được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá Việt NamD/USD. Nhà nước cũng hỗ trợ giá điện cho bên mua điện với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 207 đồng/kWh (tương đương 1 cent/kWh) thông qua Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. “Cùng với những ưu đãi thuế, đất đai, giá điện gió tính đầy đủ đang khoảng 10 cent/kWh, đây cũng là mức giá trung bình so với các nước trong khu vực. Khi tính toán mức giá, các bộ liên quan cũng đã dựa trên tất cả các yếu tố ở mức trung bình. Nếu nhà đầu tư nào làm tốt thì đây là mức giá hợp lý, nhưng nếu chọn thiết bị đắt, nơi ít gió để làm thì sẽ lỗ”, ông Phong phân tích.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cũng cho biết giá mua điện gió sẽ lên tới 9 cent/kWh, còn giá 7,8 cent là giá nằm trong lộ trình. Ông Ngãi cho rằng để có lãi các nhà đầu tư điện gió cần chủ động hơn trong việc sản xuất, cái gì trong nước làm được thì tự làm, thay vì nhập khẩu. “Trụ đỡ tua bin bằng ống bê tông (có thể cao 60-70 m tùy địa hình, lưu lượng gió) có thể tự xây dựng, cánh gió cũng có thể tự mua công nghệ về trong nước chế tạo, giá thành lại rẻ hơn. Chỉ cần mua tua bin và thiết bị điều khiển điện, suất đầu tư sẽ giảm xuống không phải là 6.000 – 7.000 USD/kWh mà giảm xuống còn 2.000 – 2.500 USD/kWh, thì khi ấy giá mua 7,8 cent/kWh là có lãi. Công nhân lắp ráp nên tự đào tạo, các công trình vừa rồi thuê nước ngoài lắp cả, công nhân lương vài nghìn đô 1 tháng rất tốn kém”, ông Ngãi khuyến nghị.

Mai Hà