Dự án “đè” dự án (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Bao lần tưởng đổi đời nhờ các siêu dự án mọc lên trên trảng cát ngút ngàn nhưng cát sau nhiều lần bị "giày vò" bởi các dự án nuôi tôm trên cát, dự án khai thác titan đang có nguy cơ bị sa mạc hoá, đời sống của người dân càng cay cực, khốn khó hơn. Sinh ra và chết đi trong cát, dù nắng đổ lửa trên đầu, cát rát bỏng dưới chân nhưng những người nông dân ở xứ cát Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vẫn cố gắng khôi phục đất cằn mang lại màu xanh cho những cồn cát. Dự án cũ chưa kịp kết thúc dự án mới đã về, chồng chất lên nhau, còn người dân, vẫn khắc khoải mong chờ những đổi thay. Theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Dự án sắp tới sẽ là một cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp kiêm… bãi rác. Bãi rác đặt giữa cụm công nghiệp trên đất cát là chuyện xưa nay chưa từng có. Liệu cuộc sống của người dân xứ cát sẽ bước sang trang mới?

Kỳ 1: Siêu dự án và những túp lều nát trên cát 

Siêu dự án nuôi tôm trên cát của Công ty Nuôi trồng thuỷ sản Việt – Mỹ ở Hà Tĩnh đang ngắc ngoải sau khi “quét” trên cát một vệt sao chổi ô nhiễm môi trường dài dặc. Trơ trọi, khắc khoải còn lại trên cát bỏng là những túp nều nát nghiêng ngả.

“Cái chết” được cảnh báo trước

Vùng cát ở các tỉnh duyên hải miền Trung đã từng được đánh thức bởi nghề nuôi tôm trên cát. Công nghệ nuôi tôm trên cát đã được Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản và một số hộ dân ở Ninh Thuận thử nghiệm thành công trên quy mô nhỏ vào những năm 1999-2000. Được nhiều người hưởng ứng nên chỉ chưa đầy hai năm sau đó, nghề này đã phát triển rộng khắp miền Trung.

Theo khảo sát của Bộ Thủy sản, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, Viện Quốc tế và Phát triển bền vững vào năm 2002, tổng diện tích có khả năng quy hoạch và cải tạo để nuôi trồng thủy sản của miền Trung khoảng 20.000 ha. Trong đó các diện tích phù hợp với nuôi tôm trên cát, chủ yếu tập trung ở Quảng Bình (khoảng 4.500 ha), Quảng Trị (4.000 ha), Quảng Ngãi (4.000 ha), Hà Tĩnh (3.000 ha), Ninh Thuận (1.500 ha), Bình Định (1.000-1.300 ha), Thừa Thiên-huế (600 ha), Phú Yên (250 ha)…

5 năm về trước, người dân Hà Tĩnh vui mừng đón nhận một siêu dự án của Công ty Nuôi trồng thuỷ sản Việt – Mỹ. Trên diện tích 2.000 ha cát trắng của các xã bãi ngang thuộc 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên sẽ mọc lên một khu công nghiệp liên hoàn bao gồm: Nuôi trồng (diện tích nuôi tôm dự kiến là 800 ha), chế biến thuỷ sản khép kín; nhân giống, chế biến thành phẩm hàng hoá xuất khẩu và khu du lịch sinh thái với tổng đầu tư lên đến 750 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện trong 5 năm (từ 2003 – 2008), khi đi vào hoạt động, sẽ tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động địa phương, với mức thu nhập cao…

 
Trạm bơm nước cho một hồ tôm.

Khi các dự án nuôi tôm trên cát được triển khai, các nhà khoa học đã cảnh báo về sự ô nhiễm môi trường và nguy cơ không đủ nước nuôi tôm bởi nuôi tôm trên cát cần rất nhiều nước – cả nước mặn và nước ngọt trong khi xứ cát ven biển miền Trung nắng nóng kéo dài và vụ nuôi tôm chính lại rơi vào mùa khô, mùa gió Lào hoành hành.

Theo tính toán của Vụ Khoa học- Công nghệ (Bộ Thủy sản cũ), nhu cầu nước ngọt cho một héc-ta nuôi tôm mỗi vụ từ 16.000 – 27.000m3. Nếu thay nước 3 lần trong một vụ thì cần khoảng 50.000m3. Do đó, nuôi tập trung quy mô 800 ha như dự án ở Thạch Hà- Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cần khoảng 40 triệu m nước ngọt/năm.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: “Nguy cơ rất dễ trông thấy từ các hồ tôm này là sự cạn kiệt nguồn nước ngọt và nước ngầm do khai thác quá mức. Người nuôi tôm phải khai thác nước ngọt ngầm. Toàn bộ số nước ngọt này đều được khai thác từ các giếng bơm tại chỗ – nơi mà lượng nước ngầm quá ít ỏi. Mặt khác, vùng cát là nơi kết cấu địa tầng yếu. Nếu việc khai thác nước ngầm cho nuôi tôm vượt quá giới hạn cho phép, có thể dẫn tới sụt lở địa tầng khu vực, cạn kiệt nguồn nước ngầm ngọt, làm mất cân bằng áp lực và theo đó nước từ biển xâm nhập vào gây mặn hóa… ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân và sản xuất nông nghiệp quanh khu vực kế cận”.

 
Kênh dẫn nước vào một hồ tôm.

Nguy cơ ô nhiễm biển và nước ngầm do chất thải cũng rất lớn. Theo tính toán của các nhà khoa học, trong trường hợp triển khai nuôi tôm trên cát theo công nghệ cao với mật độ 40 con/m2 mỗi ha vuông tôm sẽ thải ra khoảng 8 tấn chất thải rắn/vụ (vỏ tôm lột, thức ăn dư thừa) và hàng chục ngàn m3 nước thải.

Những túp lều nát giá…750 tỷ đồng

Đi dọc con đường 19-5 về Thạch Hà, siêu dự án 750 tỷ đồng được vẽ ra trên giấy đã bốc hơi chỉ còn lại những hồ cát nham nhở, hoang tàn, khô khốc và tiêu điều nằm cạnh những túp lều rách nát, xiêu vẹo dưới nắng hè gay gắt.

Thấy sát bên đường có một dàn máy bơm cực lớn vẫn còn nguyên, chúng tôi ghé vào ngôi nhà của những người coi hồ và vận hành máy bơm sát cạnh đó nhưng nhà vắng hoe. Thấy người lạ, một con chó con nhao ra sủa oang oảng. Hồ tôm chỉ lấp xấp nước. Mương dẫn nước cạn tới đáy nên không có nước bơm vào hồ.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn – Giám đốc chi nhánh công ty Việt Mỹ tại Hà Tĩnh cho biết: “Trước đây Công ty tiến hành nuôi đồng loạt ở cả 300 ao tôm nhưng do công tác quản lý không chuyên, điều kiện tài chính eo hẹp, kỹ thuật sản xuất kém, không thích ứng được điều kiện thời tiết nên càng làm càng lỗ. Năm nay chúng tôi thu hẹp sản xuất chỉ còn nuôi ở 18 ao với số lượng tôm không đáng kể và đang triển khai nuôi thêm 13 ao nữa… Hiện tại chi nhánh của chúng tôi gồm có 70 người làm trong đó khoảng 30 người là lao động địa phương”.

Trả lời nhà báo, ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kết luận: “Dự án thực hiện không đúng tiến độ, nhất là từ năm 2005 lại đây. Hiệu quả sản xuất thấp, sản lượng, năng suất, kết quả kinh doanh giảm sút. Việc quản lý, sử dụng đất, thanh toán kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, các khoản nợ, xử lý các vấn đề môi trường, công tác tổ chức và sản xuất kinh doanh ở Công ty Nuôi trồng thuỷ sản Việt – Mỹ còn nhiều tồn tại. Nguyên nhân là do công tác quản lý, điều hành chưa tốt. Công ty chưa có cán bộ quản lý, kỹ thuật… tương xứng với một dự án lớn. Mặt khác là do nguồn tài chính đầu tư thấp, không ổn định, không đáp ứng yêu cầu về sản xuất kinh doanh, đặc biệt là vốn lưu động. Sự phối hợp giữa công ty, chi nhánh công ty với các ngành, chính quyền và nhân dân địa phương cũng rất lỏng lẻo”.

 
Một trong 18 hồ tôm còn lại.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, năm 2003, tỉnh mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty Nuôi trồng thuỷ sản Việt – Mỹ 344 ha, còn 250 ha chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong. Tính đến tháng 08/2007, Sở đã thu hồi 250 ha /344 ha đất vì không sử dụng đúng mục đích. Sắp tới, số diện tích còn lại, nếu không có hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ phải thu hồi tiếp.

Về vấn đề gây ô nhiễm môi trường, từ đầu năm 2008 đến nay, Sở Tài Nguyên – Môi trường Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra xử phạt công ty hàng chục lần nhưng tình hình chẳng khá hơn, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, Ban quản lý dự án mới nộp được 50 triệu đồng trên tổng số 500 triệu đồng phí nước thải theo quy định. Hiện dự án nuôi tôm Việt Mỹ tại Hà Tĩnh còn nợ nhà thầu và ngân hàng tỉnh gần 25 tỷ đồng, nợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng của nhân dân và chính quyền 2 xã là 1,8 tỷ đồng, nợ tổng phí nước thải nộp ngân sách Nhà nước trên 450 triệu đồng, chưa kể nợ tiền nhân công, đền bù hoa màu do đất nhiễm mặn.

Dự án 750 tỷ đồng giờ chỉ còn lại mấy túp lều cũ nát và những hố cát nham nhở, trống hoác.