Đất còn khô – bao giờ người hết khổ?

Trong cái nắng cháy đất cháy trời, gió rát rạt, ở khu tái định cư Hoong-Cóc (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), cuộc sống của 209 hộ dân đồng bào dân tộc Vân Kiều hết sức bấp bênh, khó khăn chồng khó khăn…

Trồng tiêu, tiêu khô! Trồng cà phê, cà phê héo…

Khi mới vào khu tái định cư, chính quyền địa phương đã cấp cho bà con cà phê, tiêu, vải… giống để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau 2 năm chăm bẵm, công lao và tiền bạc của bà con giờ đây đang ngày một khô héo dần trong sự bất lực.

Vườn cà phê 1.000 gốc của ông Hồ Pả Thảo (bản Xa Bai, xã Hướng Linh) giờ chỉ còn lại chưa đến 1/10. Cà phê 2 năm tuổi nhưng chỉ cao quá đầu gối người, lá quăn tít, cành cây nhỏ bằng đầu đũa. Ngoài ra, hơn 100 cây mớc để trồng tiêu của ông cũng ra đi theo gió và nắng.

Thế nhưng, gia đình ông lại được xem là hộ gia đình may mắn nhất ở khu tái định cư, bởi ngoài cà phê và tiêu, ông còn có hơn 7 sào ruộng mỗi năm được 2 vụ. Đây cũng là một trong số hiếm hoi ruộng lúa có thể gieo được ở khu tái định cư.

Tại vườn của ông Hồ Pả Vi (bản Xa Bai), 50 gốc vải sau 2 năm đã cho quả, nhưng trớ trêu thay, vải cao ngang lưng người, cây có một cành duy nhất và chỉ có 5 – 7 trái/cây. Vườn ngô lèo tèo vài ba gốc vì đã bị gió quật ngã hết. “Ngô gặp nắng hạn chết hết rồi. Không trồng được cây chi trên đất này hết, trồng cây chi chết cây nớ”, ông Hồ Pả Vi nói.

 
Những cây còn sót lại sau hai năm trồng thiếu… nước.

Thứ duy nhất có thể sống được trên vườn của ông là lau lách, cây bụi và xoan. Những cây có thể lên được thì không ăn được. Một tháng, ông Vi đi chợ huyện 1 – 2 lần, nhưng “không có chi để bán cả”.

Cũng chung cảnh ngộ, ông Hồ Văn Ngã ở bản Mới trồng cà phê nhưng 2 năm chỉ cao ngang người. Bản Mới nhưng chẳng có gì mới cả, thậm chí cuộc sống còn “cơ cực hơn so với trước khi chuyển vào khu tái định cư”. Nhà ông có ruộng lúa, nhưng nước không vào ruộng nên ruộng cũng bỏ không.

Đau lòng không kém, anh Hồ Văn Tư, Trưởng bản Mới vừa phải chặt hạ 1.000 gốc cà phê để chuyển sang trồng tràm. “Đổi sang trồng tràm nhưng không biết tràm có sống nổi không. 1.000 cây cà phê giờ chết hết rồi. Ở trên bản này giờ không trồng gì được hết”, anh Tư nói.

Gió rát rạt, đó là điều mà không ai có thể phủ nhận được ở khu tái định cư này. Trong văn bản khảo sát khu tái định cư Hoong-Cóc năm 2003 của Viện Quy hoạch Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã xác nhận Hoong-Cóc là “hang gió”.

Để chống gió, mỗi hộ gia đình được cấp 1.000 cây chống gió vào thời điểm giữa năm 2006 khi chuyển đến khu tái định cư. Đến thời điểm hiện tại, chống gió đâu không thấy, chỉ thấy gió thổi vẫn thổi.

Trưởng bản cũng đi làm “cửu vạn”!

 
Không có nước, không chăn nuôi được bất cứ con gì.

“Gió quất mạnh lắm, bà con không trồng được cây gì hết”, ông Hồ Văn Ngã ở bản Mới cho biết. Gia đình ông có 7 người, trong 2 năm qua sống bằng tiền đền bù. Đến nay tiền đền bù cũng đã hết thì không biết sống bằng gì. Chuồng lợn, chuồng gà dựng lên rồi cũng bỏ không vì chẳng có con vật nào sống nổi cả.

Nhiều hộ dân ở khu tái định cư trong 2 năm qua hoàn toàn không có khoản thu nhập nào. Mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa vào tiền đền bù, giải tỏa. Nay tiền cũng đã hết, một nỗi băn khoăn của người dân là không biết làm gì để sống?

Bà con dân tộc Vân Kiều ở đây đang lâm vào cảnh túng quẫn hơn bao giờ hết. Để sống qua ngày, gia đình ông Hồ Ông Khuôn (bản Xa Bai) ngày ngày phải dậy từ 3h sáng để đi rà phế liệu. “Một ngày chỉ được hơn chục nghìn, nhưng cũng có tiền. Còn hơn ngồi nhà, không có gì để ăn cả”, ông nói.

Còn Trưởng bản Hồ Văn Tư (bản Mới) và nhiều thanh niên khác thì phải chạy xe hơn 15km ra thị trấn Khe Sanh làm thuê. “Ai thuê gì làm nấy”, từ làm cỏ, làm vườn đến bốc vác. Số thanh niên khác thì lên rừng chặt cây bụi về làm củi bán lấy tiền.

 
Cây trồng mãi chỉ cao đến ngực người, đói, trưởng bản đi làm “cửu vạn”.

Ngoài điều kiện sống khó khăn, một số công trình phục vụ đời sống của bà con cũng bắt đầu hư hỏng. 30% số bể nước phục vụ cuộc sống của người dân đã bị hư, xuống cấp. Gia đình ông Hồ Pả Vi từ hơn 1 năm nay phải sử dụng nước suối do bể nước tự chảy “không chảy nữa”. Nhà vệ sinh do Nhà nước xây dựng bị nứt móng.

Trong khi đó, chính quyền xã vẫn mãi bận rộn với các dự án, các mô hình thí điểm từ huyện và tỉnh. Những tính toán của các nhà hoạch định chính sánh của tỉnh Quảng Trị đã làm cho hơn 900 người dân đồng bào dân tộc Vân Kiều lâm vào cảnh dở khóc dở cười.

Những sự hỗ trợ gần đây của tỉnh chỉ mang tính tạm thời, là “giọt nước không cứu được người chết khát”. Hơn bao giờ hết, người Vân Kiều ở khu tái định cư Hoong-Cóc cần có một mô hình, một định hướng phát triển kinh tế đúng đắn, phù hợp với điều kiện của vùng. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ dài hơi cho đồng bào nơi đây. Nhưng, không biết đến khi nào, mô hình, chính sách và sự hỗ trợ đó đến được với người dân?