Xử lý ô nhiễm chất dinh dưỡng

ThienNhien.Net – Cũng giống như các dạng ô nhiễm khác, ô nhiễm chất dinh dưỡng hiện không còn là câu chuyện của một hay một vài quốc gia riêng lẻ. Do đó, việc tìm ra các giải pháp ứng phó hữu hiệu là hết sức cấp bách để ngăn chặn ảnh hưởng của nó tới đa dạng sinh học và các hệ sinh thái toàn cầu.

Ô nhiễm chất dinh dưỡng, phổ biến là ni-trát và phốt-phát, bắt nguồn từ ô nhiễm nước thải và ô nhiễm công – nông nghiệp. Ở mức độ nặng, ô nhiễm chất dinh dưỡng có thể dẫn đến hiện tượng phú dưỡng vốn hay xuất hiện tại các ao, hồ, sông, kênh, thậm chí cả ở biển, tạo ra các khu vực chết tiêu diệt nhiều loài thủy sinh, đặc biệt là làm giảm số lượng các dải đá ngầm san hô.

Sự bùng nổ của tảo là một trong những biểu hiện rõ nét của ô nhiễm chất dinh dưỡng (Ảnh: Rusty Clark/Creative Commons)
Sự bùng nổ của tảo là một trong những biểu hiện rõ nét của ô nhiễm chất dinh dưỡng (Ảnh: Rusty Clark/Creative Commons)

Một trong những vùng biển chết được biết đến nhiều nhất nằm ở vịnh Mexico. Khu vực thiếu ô-xy trải rộng hơn 20.000km2 này chỉ chứa chưa đầy 2 miligam ô-xy/lít nước, không đủ để duy trì sự sống cho các loài động vật dưới đáy biển. Ngoài ra, các nhà khoa học còn xác định được 415 vùng biển chết khác ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả các điểm nóng đa dạng sinh học như bờ biển Thái Lan.

Thông thường, ô nhiễm chất dinh dưỡng ở các nước công nghiệp phát triển là do chất thải nông nghiệp; trái lại ở các nước đang phát triển, dạng ô nhiễm này chủ yếu do chất thải công nghiệp.

Giảm ô nhiễm chất dinh dưỡng từ nông nghiệp

Xác định nông nghiệp là nguồn chính gây ô nhiễm chất dinh dưỡng, các nước phát triển được khuyến cáo tập trung vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ phân động vật và các loại phân bón khác.

Nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính một khẩu phần ăn chứa 0,31% phốt-pho sẽ khiến bò sản sinh ra 42,4kg sữa/ngày và thải ra 7g phốt-pho/ha xâm nhập vào dòng chảy. Trong khi đó, với khẩu phần ăn chứa 0,47% phốt-pho, chúng sản sinh ra 39,4kg sữa/ngày, song lại thải ra tới 79g phốt-pho/ha hòa tan vào dòng chảy.

Như vậy, giảm tổng lượng phốt-pho trong khẩu phần ăn của bò sẽ mang lại lợi ích kinh tế nhất định, đồng thời còn làm giảm đáng kể dòng chảy phân động vật, từ đó giúp giảm thiệt hại về đa dạng sinh học phía hạ nguồn.

Để giảm triệt để hơn dòng chảy phốt-pho, bổ sung các en-zim vào thức ăn động vật nhằm kích thích cơ thể chúng hấp thụ phốt-pho cũng là một giải pháp được khuyến cáo.

Trồng cây lâu năm thay vì các loại cây hàng năm ở những khu vực có độ nhạy cảm cao với dòng chảy ô nhiễm cũng là một cách giữ lại ni-tơ trong đất và giảm đáng kể sự thất thoát nước ngầm. Chẳng hạn, việc trồng cỏ linh lăng trên những cánh đồng ở bang Iowa (Mỹ) có thể đỡ gây thất thoát ni-trát gấp nhiều lần so với trồng ngô hay đậu tương. Song, tính khả thi của chiến lược này còn phụ thuộc vào nhu cầu về cây lâu năm hoặc mục tiêu xuất khẩu của từng nước.

Còn có một chiến lược khác để giữ ni-tơ trong đất, đó là trồng các loại cây phủ đất nhằm giảm tỷ lệ ni-trát ngấm qua đất.

Bón phân đúng thời điểm cũng là cách giúp phân được hấp thu tốt nhất và hạn chế lượng thất thoát thâm nhập vào nước ngầm tạo thành các dòng chảy phân bón nguy hại đến môi trường.

Phốt-pho có xu hướng tác động tới hệ sinh thái gần nó nhất và những tác động của phốt-pho không lan xa như ni-tơ, chính vì thế phốt-pho nguy hại với các hệ sinh thái nước ngọt hơn các hệ sinh thái biển. Giải pháp để hạn chế dòng chảy phốt-pho là làm đất, trồng cây chạy dọc ven bờ và tạo vùng đệm ở những khu vực nhạy cảm. Các vùng đệm nên tạo gần điểm nguồn nhằm ngăn chặn dòng chảy chất dinh dưỡng xâm nhập vào các hệ sinh thái nước ngọt và có thể thiết lập ở cả khu vực đất ngập nước ven biển…

Trên tất cả, về tổng thể, để hạn chế dòng chảy chất dinh dưỡng từ nông nghiệp, cách tốt nhất là thiết lập các mục tiêu và tiêu chuẩn quốc gia kết hợp thu thập dữ liệu, kiểm tra độ nhạy cảm đối với dòng chảy ở từng vùng cụ thể để tập trung giải quyết triệt để những điểm nóng ô nhiễm trên quy mô cả nước.

Giảm ô nhiễm dinh dưỡng từ công nghiệp

Rất nhiều nước đang phát triển có đặc tính đa dạng sinh học cao, song lại đang bị ô nhiễm chất dinh dưỡng đe dọa, biến nhiều vùng đa dạng sinh học trở thành vùng chết. Như đã biết, ô nhiễm chất dinh dưỡng ở các quốc gia này chủ yếu bắt nguồn từ nước thải và ô nhiễm công nghiệp.

Một giải pháp kiểm soát ô nhiễm được khuyến cáo là kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát ô nhiễm. Để làm được điều này, các chính sách quốc gia phải cho phép người dân được quyền tham gia vào vấn đề kiểm soát ô nhiễm, phải đủ rõ ràng để quy trách nhiệm cụ thể đối với từng đối tượng, ngăn được tình trạng lách luật và phải đáp ứng được các điều kiện khác nhau của từng vùng, miền trên cả nước.

Bên cạnh giải pháp kinh tế thông qua việc phạt tiền trực tiếp đối với đối tượng gây ô nhiễm, việc xử lý nước thải được khuyến cáo thực hiện một cách triệt để hơn. Bởi lẽ, theo thống kê, tại khu vực Bắc Mỹ, 10% lượng nước thải bị đổ ra đại dương mà chưa hề qua xử lý, trong khi ở châu Á, con số này lên tới gần 65%, còn ở châu Phi thì hầu như nước thải đều không được xử lý trước khi đổ ra ao, hồ, sông, kênh…

Theo đó, các nước cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng xử lý nước thải hiệu quả. Công nghệ hiện tại đã có khả năng xử lý được 95% phốt-pho và 90% ni-tơ, song vì chi phí khá đắt đỏ nên không phải nước nào cũng có điều kiện áp dụng.

Cách tốt nhất để tối giản chi phí chính là đầu tư xây dựng những trạm xử lý nước thải loại trừ được ni-tơ và phốt-pho ngay từ đầu nguồn, đặc biệt là ở những khu vực đông dân cư.

Thực hiện các giải pháp loại bỏ ô nhiễm chất dinh dưỡng không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho đa dạng sinh học mà còn cho sức khỏe con người.