Sử dụng động thực vật hoang dã trong y học cổ truyền

ThienNhien.Net – Ngày 01/07/2008 tại Hà Nội, TRAFFIC đã công bố bản báo cáo kết quả điều tra về việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong y học cổ truyền ở Campuchia và Việt Nam được tiến hành từ 2005 đến 2007. Bản báo cáo cũng đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao khả năng quản lý mạng lưới y học cổ truyền để thúc đẩy bảo vệ thiên nhiên và phát triển bền vững.

Phòng và chữa bệnh bằng y học cổ truyền khá phổ biến ở Việt Nam và Campuchia. Ở Campuchia, hơn 800 loài thực vật (xấp xỉ 35% số loài thực vật của quốc gia này) hiện đang được sử dụng trong Y học cổ truyền Khmer. Còn ở Việt Nam, hơn 3.900 loài thực vật và 400 loài động vật được sử dụng để làm các phương thuốc cổ truyền dân tộc.

Những phát hiện của TRAFFIC đã được xuất bản thành hai ấn phẩm riêng biệt tổng quan việc sử dụng và buôn bán các loài động thực vật trong hệ thống y học cổ truyền ở Việt Nam và Campuchia.

Trong đó, ấn phẩm đầu tiên giới thiệu những phát hiện trong nghiên cứu về thị trường y học cổ truyền ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam, còn ấn phẩm còn lại là kết quả nghiên cứu về việc sử dụng các loài hoang dã trong Y học Cổ truyền Khmer và những ảnh hưởng của nó đối với đa dạng sinh học của quốc gia cũng như của khu vực.

Hiện nay, có một số lượng đáng kể người dân hai nước Campuchia và Việt Nam sử dụng y học cổ truyền để bảo vệ sức khoẻ. Việc buôn bán các loại dược phẩm trong y học cổ truyền cũng thu được nhiều lợi nhuận do trong thời gian gần đây, các lệnh cấm buôn bán quốc tế đã được nới lỏng cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Thomas Osborn, chuyên gia của TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: “Y học cổ truyền đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ ở Campuchia cũng như Việt Nam, đặc biệt là trong cộng đồng nông thôn. Những hiểu biết về các loài động thực vật và các sản phẩm đang được sử dụng, buôn bán có thể cung cấp cho chúng ta những công cụ hữu ích để đánh gía tính bền vững của việc trao đổi buôn bán này. Đồng thời những nghiên cứu như thế này cũng sẽ cung cấp cho chúng ta những “cảnh báo sớm” về các loài đang gặp nguy hiểm do tình trạng buôn bán sử dụng để làm dược phẩm trong y học”.

Nhu cầu về thuốc y học cổ truyền ngày càng tăng có liên quan mật thiết đến vấn đề bảo tồn các loài động thực vật hoang dã. Thực tế cho thấy có nhiều loài thảo dược và động vật làm thuốc hiện đang rất khó có cơ hội tồn tại trong tự nhiên, một số loài trong đó đã được liệt vào danh sách những loài cần được bảo vệ.

Ở Campuchia, 80 loài thảo dược được sử dụng trong y học cổ truyền đang được xem là những loài cần được ưu tiên bảo vệ. Trong khi đó ở Việt Nam, rất nhiều sản phẩm từ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và đang được luật pháp quốc tế bảo vệ được bày bán công khai (như gấu, tê giác, voi và hổ). Và gần đây, 71 loài động vật vẫn được buôn bán và sử dụng để làm thuốc ở Việt Nam đã được liệt vào Sách đỏ về những loài bị đe doạ toàn cầu của IUCN.

Trong phần khuyến nghị, TRAFFIC cho rằng cần phải có những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Đồng thời cần phải nâng cao ý thức của cộng đồng và thúc đẩy hơn nữa các hoạt động nhằm cải thiện và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan ban ngành, các viện và các tổ chức trong việc buôn bán và sử dụng các loài động thực vật trong Y học cổ truyền.