Sống thấp thỏm trong vùng sạt lở

Gần 15.000 con người sống dọc theo đê biển Tây thuộc các huyện Phú Tân, U Minh, Trần Văn Thời (Cà Mau) trên 10 năm nay, hễ gần tới mùa mưa bão là thấp thỏm lo sạt lở, nước dâng ngập nhà.

Lãnh đạo tỉnh biết rất rõ đời sống khó khăn của cư dân nơi đây, nhưng không đủ tiền làm đê chắn sóng và cũng thiếu tiền xây dựng khu tái định cư nên để mặc cho nguời dân sống trước miệng thuỷ thần như vậy nhiều năm liền.

Nghe tin bão mạnh ai nấy chạy…

Tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời có trên 300 hộ dân sống ven đê biển Tây chịu sự tác động của thuỷ triều lên xuống. Ông Nguyễn Minh Thành, có nhà ở phía ngoài đê, nơi mà chính quyền địa phương cấm xây dựng nhà ở đã gần 10 năm nay cho biết: “Năm nào cũng vậy, khi nghe tin báo bão trên đài là tôi chuẩn bị dọn dẹp nhà ở ngay. Nước ngập dữ lắm, đồ đạc trôi tùm lum hết trơn luôn”.

Gần đó, ông Phan Văn Toại có nhà ven đê thật thà kể lại: “Có năm nước ngập đến mặt bàn ăn cơm. Heo, gà, vịt trôi lều bều ra biển đến khi nước rút còn cái gì thì nhặt cái đó về nhà. Trong khi đó, tại cửa biển Sông Đốc, Khánh Hội, tình trạng cũng tương tự. Mỗi khi tới mùa mưa bão là mạnh ai nấy chạy, lo cho mình. Họ sống riết rồi quen, nhìn mặt trăng là có thể đoán biết được cơn triều dâng của tháng đến mức nào”.

Bà Nguyễn Thị Thanh, sống ven đê thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời than vãn với chúng tôi: “Có ai muốn nhà mình mỗi khi triều cường là ngập đâu; nghe tin báo bão chúng tôi lo muốn chết”.

Tại vì nghèo quá không mua được đất cất nhà nên mới ra đây cất nhà ở tạm”. Theo thống kê của huyện Trần Văn Thời, toàn huyện có 1.403 hộ với trên 6.200 người sống ven đê, trên đê và rừng phòng hộ biển Tây. Trong đó có trên 570 người chẳng có giấy tờ gì; 85% sinh sống bằng nghề làm thuê hoặc ra biển đánh bắt gần bờ.

Tại huyện U Minh có trên 800 hộ với gần 3.400 con người cũng “tạm cư” ven đê để rồi hàng năm đến mùa mưa bão, họ nơm nớp lo sợ biển cuốn trôi đồ đạc, vật dụng của mình.

Bao giờ cho hết… nỗi lo?

Theo thống kê của Văn phòng Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Cà Mau, trung bình hàng năm có 15 vụ sạt lở lớn nhỏ, làm thiệt hại trên 3 tỉ đồng. Ngày 11/05 mới đây, 16 căn nhà ven sông Vàm Đầm, huyện Đầm Dơi bất ngờ tụt xuống sông thật sự làm kinh hoàng người dân sống ven sông, ven biển Cà Mau.

Hiện tại dọc theo tuyến đê trên 30km này có đến 14 điểm nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Cả đoạn đê dài gần 2km đã bị sóng biển gặm mất nhiều đoạn. Chính quyền liên tiếp phát đi tín hiệu báo động cho các hộ dân, nhưng người dân cũng chỉ biết kê giường, tủ cho cao hơn chớ không biết làm gì.

Ông Trần Thanh Hải – Phó phòng Nông nghiệp thủy sản và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời cho biết: “Toàn bộ khu vực đê biển theo quy định không được tác động vào, nhưng người dân hầu hết đều nghèo, muốn di dời họ phải có khu tái định cư, trong khi khả năng huyện không thể di dời cùng lúc trên 6.200 con người đến nơi ở mới”.

Ngày 18/06 Sở NN&PTNT Cà Mau làm tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị tỉnh báo cáo khẩn tình hình sạt lở về Bộ NN&PTNT đồng thời xin hỗ trợ 15 tỉ đồng để xây dựng các khu tái định cư di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm trong tháng 7 này. Tuy nhiên, theo ông Tô Quốc Nam – phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần phải đầu tư đồng bộ tuyến đê biển Tây một cách kiên cố; cương quyết di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Muốn vậy cần đến trên 300 tỉ đồng, điều này vượt khỏi tầm tay của tỉnh Cà Mau.

Khó có thể di dời cùng lúc gần 15.000 dân ra khỏi vùng sạt lở, triều cường nguy hiểm trong năm nay. Vậy là thêm một năm nữa, người dân nơi đây vẫn thấp thỏm lo âu trong lúc mùa mưa bão đang gần kề.