Nhức nhối quặng lậu: Thế lực nào đứng sau? (Kỳ 2)

Những người chường mặt đứng ra khai thác, vận chuyển quặng lậu ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên chỉ là lính đánh thuê. Vì miếng cơm manh áo nên họ chấp nhận sự điều khiển của một thế lực giấu mặt…

Với sự có mặt của một số chủ thu mua quặng lậu, chính quyền xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang rơi vào tình huống khó xử. Ông Ngô Quang Độ- phó chủ tịch UBND xã Xuân Lương cho biết, các xe vận chuyển quặng vừa góp phần phá tan hơn 2km đường nhựa mới đưa vào sử dụng của địa phương. Đảng ủy, chính quyền và hầu hết người dân đều vô cùng bức xúc nhưng chưa tìm ra cách “trị” bọn “quặng tặc”. Xe chở quặng đi qua đành nhắm mắt làm ngơ, kéo lại hỏi có khi lại phiền phức thêm.

Trong khi đó, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên), mỏ sắt Trại Cau là đơn vị then chốt trong việc bảo vệ quặng. Ông Trịnh Thanh Hà- Giám đốc mỏ phân loại ra 3 nhóm “quặng tặc” chính: Một là những người đi mót quặng nhưng tìm cách ăn cắp quặng của mỏ, trước đây từng có tình trạng hàng trăm người ào xuống moong cướp quặng trước sự bất lực của lực lượng bảo vệ mỏ. Hai là việc khai thác thổ phỉ nguồn quặng ngay trên diện tích đất vườn của người dân. Ba là những kẻ tiếp tay cho hai đối tượng trên, như chủ thu mua quặng, các doanh nghiệp được cấp phép trên địa bàn nhưng không đủ năng lực khai thác đành quay sang mua quặng thổ phỉ.

Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Văn Thịnh- phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên thừa nhận, nguyên nhân đầu tiên để xảy ra tình trạng bát nháo trong khai thác, vận chuyển quặng phải khẳng định sự yếu kém trong công tác quản lý của mỏ sắt Trại Cau cũng như chính quyền cơ sở huyện Đồng Hỷ. Đó là sự vào cuộc không quyết liệt, thường xuyên thêm vào đó còn vị nể, bao che. Ông Thịnh cho rằng, dân khai thác quặng thổ phỉ và chủ thu mua chỉ là những người bỏ công sức lao động ra để kiếm tiền. Chính những kẻ tổ chức khai thác, vận chuyển quặng mới là lực lượng nguy hiểm nhất, trục lợi nhiều nhất. Nếu như ngăn chặn được hoạt động của đám người này mới hy vọng triệt hạ được tận gốc nạn quặng thổ phỉ.

Lập luận trên được minh chứng qua sự kiện cuối năm 2007, đầu năm 2008 khi lực lượng kiểm soát của tỉnh vào cuộc quyết liệt, quặng lậu đã thôi chảy máu. Đúng ngày 30 tết năm đó lực lượng kiểm soát lui quân ngay lập tức đầu nậu đã lệnh cho các chủ vận tải huy động tối đa phương tiện, công suất rầm rập chở quặng xuất ngoại. Lực lượng kiểm soát của tỉnh lại vào cuộc, vùng quặng lại bình yên, cứ như thế bên này tiến thì bên kia lui và ngược lại.

Lãnh đạo Sở TNMT, Phòng Khoáng sản và Thanh tra sở còn cho biết, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có 2 trạm kiểm soát khoáng sản nhưng chẳng hiểu vì sao, xe chở quặng lậu vẫn vô tư lọt qua. Có thể các xe máy tránh chốt bằng cách đi đường vòng nhưng xe JIULONG to chềnh ềnh như con voi mà vẫn chui qua lỗ kim hay sao? Không ít trường hợp, bọn “quặng tặc” còn dùng bạo lực trấn áp dân chúng và cơ quan chức năng. Khi lực lượng kiểm tra bắt được xe vận chuyển quặng lậu thì “quặng tặc” nhanh chóng tụ tập nhau lại, cậy thế đông uy hiếp, cướp quặng hòng tẩu tán tang vật.

Hiện nay, chưa có một chế tài xử lý mạnh việc vận chuyển quặng trái phép nên hầu hết các phương tiện vận chuyển đều được đầu nậu thuê mướn theo hợp đồng. Nếu bị bắt mà không kịp tẩu tán tang vật chúng khai bừa ra tên một ông chủ hàng nào đó không có thật. Lúc này cơ quan chức năng đành xác định quặng vô chủ, cho đấu giá và giữ phương tiện một thời gian ngắn. Cách xử lý “nhẹ như lông hồng” đó càng khuyến khích đầu nậu và chủ phương tiện vận tải câu kết với nhau chặt chẽ hơn.