Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi… lạc hậu hơn luật hiện hành?

ThienNhien.Net – Góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trong buổi thảo luận chiều 25/11, các đại biểu cho rằng còn những quy định chỉ mang tính hình thức, thậm chí có quy định còn lạc hậu hơn cả luật hiện hành…

Chế tài chưa đủ mạnh, quy định còn hình thức

Theo đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ), qua nghiên cứu báo cáo tổng kết thi hành Luật bảo vệ môi trường cũng như theo dõi thực tế cho thấy, thực trạng ô nhiễm môi trường đang rất đáng báo động, vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến phức tạp, nhiều vụ để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và gây bức xúc trong nhân dân.

“Dẫn đến thực trạng đó có cả nguyên nhân từ hệ thống pháp luật và từ công tác thực thi pháp luật, trong đó từ góc độ pháp luật tôi cho có phần nguyên nhân đáng kể là do các quy định về xử lý vi phạm còn chung chung, chưa gắn cụ thể với từng loại hành vi, từng mức độ vi phạm, chế tài xử phạt cũng chưa đủ mạnh. Ngay trong dự thảo luật sửa đổi này việc giữ nguyên các quy định về xử lý vi phạm như Luật năm 2005 theo tôi chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường.” – đại biểu Dương Hoàng Hương nói.

Đại biểu tỉnh Phú Thọ đề nghị sửa quy định về xử lý vi phạm theo hướng bổ sung các hình thức, chế tài như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, thu hồi các loại giấy phép có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác; cấm hành nghề có điều kiện, bổ sung các quy định về nguyên tắc, tiêu chí chung để áp dụng từng loại chế tài đối với từng hành vi vi phạm và từng mức độ vi phạm…

Riêng về hình thức phạt tiền trong các quy định về xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, đại biểu Dương Hoàng Hương cho rằng các mức xử phạt còn thấp chưa đủ mức cảnh báo và phòng ngừa vi phạm. Đại biểu đề nghị nâng mức phạt tiền cho các quy định của pháp luật liên quan, nhằm khẳng định thái độ nghiêm khắc hơn của nhà nước, của pháp luật đối với các vi phạm, qua đó tạo tác động mạnh hơn đến hành vi của đối tượng điều chỉnh của luật theo hướng có lợi cho bảo vệ môi trường.

Đối với các quy định về tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường, đại biểu tỉnh Phú Thọ đề nghị làm rõ hơn khái niệm về tranh chấp môi trường, đồng thời nghiên cứu quy định về nghĩa vụ chứng minh và xuất trình chứng cứ trong các vụ khiếu kiện về môi trường theo hướng chia sẻ hợp lý nghĩa vụ này cho cả người khởi kiện và tổ chức, đơn vị bị khiếu kiện để vừa bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các bên, vừa phát huy được ý nghĩa, tác dụng của các quy định về giải quyết khiếu kiện đối với công tác bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, theo đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh), trong Tờ trình của Chính phủ nêu là đánh giá tác động môi trường sơ bộ không cần thiết phải thẩm định, do đó sẽ không phát sinh các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, tại Điểm c, Khoản 2, Điều 14 dự thảo luật lại quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ phải được lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát quy định này cho đồng bộ để không phát sinh thủ tục hành chính và khắc phục được việc gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội.

Cũng góp ý cho điều này, đại biểu Điểu K` Rứ – Đắk Nông cho rằng, trong Tờ trình của Chính phủ có nêu đánh giá tác động môi trường sơ bộ không cần thiết phải thẩm định, tuy nhiên, “nếu không cần thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước thì việc lập đánh giá tác động môi trường sơ bộ không chỉ mang tính đối phó, hình thức và hợp lý hóa hồ sơ mà còn phát sinh thêm một thủ tục hành chính có thể gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội.”. Vì vậy, đại biểu tỉnh Đắk Nông đề nghị cần thiết phải tổ chức hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ để cơ quan quản lý môi trường trong quá trình thẩm tra đầu tư sẽ xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ để cân nhắc và đưa ra các kết luận dừng dự án hay tiếp tục đánh giá tác động môi trường trực tiếp.

Đại biểu Trương Văn Vở, Đồng Nai
Đại biểu Trương Văn Vở, Đồng Nai

Sửa đổi lại… lạc hậu hơn luật hiện hành

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị quy định nhất quán về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từ bộ, ngành Trung ương đến ủy ban các cấp, không thể nửa vời. “Ở Trung ương là Bộ trưởng, ở địa phương là Ủy ban nhân dân, từ khâu lập quy hoạch, quản lý theo quy hoạch.” – đại biểu Trương Văn Vở nói.

Cùng quan điểm với ý kiến của đại biểu Huyền Tâm, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng cần thiết phải lập quy hoạch bảo vệ môi trường, đồng thời phải gắn kết từ khâu lập quy hoạch, quản lý theo quy hoạch với việc thẩm định, phê duyệt, đánh giá tác động môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

“Qua đây tôi đề nghị dự án luật cần quy định thể hiện rõ nội dung, thẩm quyền, mối quan hệ giữa quy hoạch bảo vệ môi trường với các quy hoạch kinh tế – xã hội khác, đặc biệt là quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Không thể để tái diễn tình trạng quy hoạch thủy điện tràn lan liên quan đến sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, vườn quốc gia nhưng đùn đẩy trách nhiệm giữa bộ, ngành và địa phương như hoạt động giám sát của Quốc hội đánh giá thực hiện quy hoạch thủy điện tại kỳ họp này.” Đại biểu Trương Văn Vở thẳng thắn.

Ông cũng cho rằng, không thể sửa đổi nội dung liên quan đánh giá môi trường lần này lại lạc hậu hơn luật khác hiện hành.

“Hiện hậu quả khôn lường do không rõ trách nhiệm sử dụng đất rừng làm thủy điện đã khá rõ, đá lở, đất vùi, lũ cuốn đã và đang xảy ra nhãn tiền. Không thể bỏ quy định hiện hành trong chương đánh giá tác động môi trường vì luật hiện hành nêu các khoản ở Điều 14, trong đó xác định rõ phải dựa trên quy hoạch bảo vệ phát triển rừng liên tỉnh, liên vùng, còn quy định như Điều 8 của Dự án luật lần này là chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay.” Đại biểu Trương Văn Vở phân tích.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) phân tích, những hành vi bị cấm tại Điều 7, dự án luật nêu ra 17 hành vi cấm là hợp lý, song cần quy định cấm các hoạt động xâm hại đến môi trường, như việc làm mất rừng do làm thủy điện mà không bù đắp, sử dụng hóa chất trong các hoạt động sản xuất được quy định gây tác động xấu đến môi trường, sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp…

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm việc bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng bởi theo đại biểu đánh giá, vấn đề này trong Dự thảo luật còn rất sơ sài, trong khi hoạt động xây dựng không chỉ có quy hoạch và thi công xây dựng mà còn nhiều nội dung khác như là quản lý, vận hành khai thác, sử dụng bảo trì, bảo dưỡng các công trình xây dựng…