Nhức nhối nạn buôn bán thú rừng: Tiếp cận các “đầu nậu” (Bài 1)

Giáp với tỉnh Savanakhet (Lào), sông Sepon chạy dọc biên giới, nhiều đường mòn, lối mở, hoạt động vận chuyển, buôn bán thú rừng trái phép tại huyện Hướng Hóa diễn biến phức tạp.

Các món ăn được giới thiệu có nguồn gốc hoang dã xuất hiện tại nhiều nhà hàng ở huyện Hướng Hóa và khu vực Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị). Ảnh: NPV.

Lần theo manh mối

Trước đây, nếu các đầu nậu buôn bán thú rừng trái phép tại huyện Hướng Hóa nói chung và Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) nói riêng chỉ truyền tai nhau, liên hệ bằng điện thoại để cung cấp hàng thì nay hoạt động khá tinh vi. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội (zalo, Facebok) để chào hàng “đối tác”. Các đầu nậu tập kết hàng tại các “kho đông lạnh”, treo biển để bán các loại hàng rừng. Động vật hoang dã từ thông thường đến những loài nằm trong “sách đỏ” được rao bán bất chấp các quy định của pháp luật.

Nhức nhối nạn buôn bán thú rừng: Tiếp cận các “đầu nậu” (Bài 1)

Nhức nhối nạn buôn bán thú rừng: Lỗ hổng quản lý (Bài 2)

Những tháng cuối năm 2023, từ nguồn tin của Toàn (tên nhân vật đã được thay đổi), một người từng có thâm niên hơn 10 năm hành nghề buôn bán lâm sản, hiện đang sinh sống ở huyện Hướng Hóa, nhóm phóng viên đã nhiều ngày thâm nhập các “điểm nóng” buôn bán thú rừng ở vùng biên Quảng Trị, giáp với nước bạn Lào.

Thịt thú rừng được các đầu nậu sơ chế, cạo sạch lông để chuyển cho khách hàng. Ảnh: NPV.

Theo Toàn, sở dĩ Quảng Trị trở thành “điểm nóng” về buôn lậu hàng rừng là bởi địa phương này có tuyến biên giới Việt Nam – Lào kéo dài, bao gồm cả đường bộ và đường sông. Trong đó tuyến biên giới dọc sông Sê Pôn gần 10km (trải dài từ huyện Hướng Hóa đến huyện Đakrông). Ngoài ra, tỉnh này còn có Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, Cửa khẩu Quốc tế La Lay và 4 cửa khẩu phụ: Cóc, Thanh, Cheng và Tà Rùng cùng các đường mòn, lối mở dân sinh.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, hoạt động buôn bán thú rừng trái phép tại vùng biên Quảng Trị đã giảm; các đầu nậu, nhà hàng có sự thận trọng, dè dặt hơn. Tuy nhiên, tình hình mua bán, trao đổi thú rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Khi chúng tôi muốn được thâm nhập vào các điểm nóng về buôn bán thú rừng trái phép thì Toàn tỏ ra e ngại. Tuy nhiên, chúng tôi không ngừng thuyết phục, Toàn đã đồng ý: “Nếu tiếp cận mà không mua sẽ khó xem được tận mắt nguồn hàng quý, hiếm. Vì thế cần có người quen, người địa bàn để tạo được sự tin tưởng hơn. Để xe chú ở đây, lên xe anh, biển số địa bàn, đi lượn mấy vòng, anh chỉ cho một số điểm buôn bán thú rừng trái phép lớn nhất ở vùng biên giới tỉnh Quảng Trị này” – Toàn nói.

Phần lớn các cá thể động vật hoang dã được giới “đầu nậu”, con buôn làm thịt và cấp đông lạnh. Ảnh: NPV.

Trên đường đi vào các ngõ ngách của Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và các xã của huyện Hướng Hóa, Toàn bật mí cho chúng tôi về các nhà hàng, quán ăn có bán thú rừng. Ở đây, thú rừng phổ biến nhất là kỳ đà, cầy hương, thậm chí cả tê tê… Để minh chứng điều mình nói, Toàn bốc máy gọi đến một số nhà hàng quen biết và đều được xác nhận đang có hàng. Hầu hết các điểm bán đều khẳng định hàng có nguồn gốc từ tự nhiên được thu mua từ người dân địa phương bẫy trong rừng hoặc được “tuồn” từ Lào về thông qua đường tiểu ngạch và một số len lỏi qua các phương tiện vận tải.

Tại nhà hàng Quê Hương ở ngay trung tâm Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, chủ quán khẳng định là hàng rừng, hiện đang có chồn, dúi, kỳ đà. Chồn nhập đông lạnh được nhà hàng này bán với giá 1,7 triệu đồng/kg; kỳ đà bán tùy theo con. Khách có thể thưởng thức các món ăn chế biến từ thú rừng ngay tại nhà hàng hoặc có thể yêu cầu chế biến mang về.

Nhiều loài có tên trong “sách đỏ” sẽ được đưa lên bàn nhậu. Ảnh: NPV.

Ngỏ ý hỏi xem “hàng,” một người phụ nữ tại nhà hàng Quê Hương dẫn chúng tôi ra phía sau rồi chỉ tay vào chiếc lồng sắt đang đựng 5 cá thể kỳ đà, có trọng lượng khoảng 3-7kg/con.

Trên đường di chuyển từ thị trấn Lao Bảo đến thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), Toàn dừng xe trước cửa một ngôi nhà sát bên đường giữa khu vực ngã ba Khe Sanh rồi giới thiệu là nhà của ông Phúc và cho biết, đây là ‘trùm’ buôn bán thú rừng lớn nhất ở khu vực biên giới này, hàng phân phối đi khắp nơi.

Không gặp được ông Phúc, Toàn chở chúng tôi đến điểm bán mặt hàng động vật hoang dã khác của một người có tên Mai Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi) tại xã Tân Hợp. Khi thấy chiếc xe mang biển kiểm soát 74-XYZKL đỗ ở phía đối diện, bà chủ quán ngó nghiêng một lúc rồi cũng chẳng còn để ý. Có lẽ, bà chủ này đang bận rộn với những cuộc nói chuyện, mời khách mua các mặt hàng thú rừng qua điện thoại.

Các phương tiện vận tải ở khu vực Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NPV.

Theo quan sát của chúng tôi, điểm bán thú rừng này chỉ cách trụ sở Đội Kiểm soát Hải Quan thuộc Cục Hải quan Quảng Trị chỉ chừng khoảng 300m. Trước quán bà Hoa có tấm biển quảng cáo in đậm dòng chữ “Tại đây bán các loại hàng rừng” kèm theo số điện thoại kết nối zalo cá nhân của mình. Trên zalo, bà Hoa cập nhật vô số các mặt hàng thú rừng hoang dã, quý hiếm để chào mời khách.

Tiếp cận “trùm” buôn thú rừng

Trong vai người cần nguồn hàng thú rừng, chúng tôi quyết định tiếp cận “bà trùm” Mai Hoa: “Thấy bà chị quảng cáo hấp dẫn quá nên vào xem thử, nếu hàng đảm bảo sẽ tính kết nối để phân phối nguồn hàng ra Hà Nội, kinh doanh nhà hàng”.

Sau một lúc nhìn với ánh mắt dò xét, bà Hoa dần dần bật mí, giới thiệu về các mặt hàng thú rừng bà có thể cung cấp. Bà Hoa dẫn chúng tôi vào sâu bên trong ngôi nhà cấp bốn rồi lần lượt mở các “kho hàng” đông lạnh chứa đầy các loài thú rừng như cầy hương, mèo rừng, hoẵng, nai rừng. Một số thịt đã được chủ kho hàng chặt thành từng khúc lớn vẫn còn nguyên lông. Theo bà Hoa, bà còn có thể cung cấp các mặt hàng nằm trong “sách đỏ” vẫn còn sống như trút (tê tê).

“Bù trùm” Mai Hoa giới thiệu về các “kho hàng” thú rừng. Ảnh: NPV.

Nói đoạn, bà Hoa lôi khúc nai rừng còn nguyên lông màu đen khoảng 30kg, ra giới thiệu: “Ở đây toàn hàng xịn. Thịt nai chị bán 300.000 đồng/kg, cả xương thì 250.000 đồng/kg”.

Chúng tôi giả bộ nghi ngờ đây chỉ là nai nuôi, bà Hoa quả quyết: “Đây là nai rừng em ơi! Con này mà nuôi chị cho em thêm 10 triệu nữa. Mấy hôm trước chị mua cả con cân lên hơn 1,2 tạ, nay chị bán gần hết rồi.”

Ra chiều ưng ý, tôi hỏi thêm rằng thú rừng chị thu mua từ đâu mà nhiều thế? Nếu cần lấy nguồn hàng nhiều và thường xuyên thì chị cung cấp được không? Bà Hoa như “bắt” được mối ngon:

“Hàng chỗ chị đều có nguồn gốc từ tự nhiên. Chị có mối vận chuyển từ bên Lào về đến thị trấn Khe Sanh, đảm bảo kín, không lộ ra được. Ngay như tê tê, hàng chị cũng gửi từ Lào về rồi lại gửi đi các tỉnh. Con gì ở đây chị cũng có đủ cả. Em xem chị phải cấp đông đây. Ví dụ như xe gọi đây này, họ gọi báo chị gửi cho chục cân chồn chẳng hạn, thì chị phải cấp được 2 ngày.”

Mạng xã hội được bà Mai Hoa sử dụng để bán thú rừng. Ảnh: NPV.

Đoạn bà Hoa quay sang hỏi: “Thế em bán đồ rừng bao giờ chưa, chắc chưa đúng không? Giờ em bán cũng được thôi. Nguồn hàng, yên tâm chị gửi cho, khách họ thấy ngon rẻ là họ sẽ mua. Em muốn con sống, chị cũng gửi ra Hà Nội được cho em. Chị bán, chị lấy uy tín của chị, hàng lên xe là tiền chuyển. Nếu hàng ra em kiểm tra con này không được, con kia không được, em đặt lên cân em chuyển xe vô lại là chị đổi mặt hàng khác cho em. Chị bảo đảm hàng ra tới chỗ em là hàng vẫn tốt, vẫn ok. Sau khi nhận, em cứ bỏ vô tủ đông, đến khi khách tới em bỏ ra là làm ăn thôi,” bà Hoa nói thêm.

Theo “bà trùm” Mai Hoa chia sẻ, các mặt hàng thú rừng quý hiếm, nhất là hàng sống, chỉ những con buôn lớn như bà mới có nguồn và có thể vận chuyển trót lọt cho các nhà hàng chuyên về đồ rừng ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là đi Vinh, Hà Nội, Hải Phòng, Cẩm Phả Quảng Ninh.

Các cá thể thú rừng sau khi làm thịt, được “bà trùm” Mai Hoa rao bán công khai trên zalo cá nhân. Ảnh: NPV.

“Nếu em lấy để kinh doanh thì lấy mối qua chị. Chỗ của chị toàn gửi hàng đi khắp nơi, thường là ra Bắc. Bình thường, con sơn dương, tê tê chở là họ (lực lượng chức năng hải quan, kiểm lâm) bắt ngay. Nhưng chị vẫn chuyển được một cách độc quyền. Ngay như tê tê sống, chị vẫn chuyển được” bà Hoa tự hào.

Tài thật! Động vật “sách đỏ” như tê tê mà chị cũng chuyển đi ra Bắc được. Vậy lỡ công an họ bắt thì sao? Tôi tỏ vẻ hoài nghi.

Nữ chủ quán hàng rừng Mai Hoa bật mí, sở dĩ bà có thể vận chuyển “độc quyền” được các mặt hàng động vật “sách đỏ” kể cả như cá thể tê tê còn sống, là bởi những xe khách nhận vận chuyển “hàng cấm” cho bà đều là xe quen, thậm chí có mối quan hệ thân thiết như nhà xe H.H, T.S, Q.D…

Tấm biển quảng cáo in đậm dòng chữ “Tại đây CÓ BÁN CÁC LOẠI HÀNG RỪNG” kèm theo 2 số điện thoại kết nối zalo cá nhân của “bà trùm” Mai Hoa, nằm đối diện và chỉ cách trụ sở Đội Kiểm soát Hải Quan thuộc Cục Hải quan Quảng Trị khoảng 300m. Ảnh: NPV.

Nói xong, bà Hoa chỉ tay vào chiếc điện thoại của tôi và bảo: “Lấy số của chị, kết bạn zalo, cần mặt hàng gì thì vào zalo của chị, vì chị nhiều mối lắm chị không thể báo cho từng người một được. Còn cái hàng này không đăng facebook được. Ở đây, con sống chị cũng gửi được, chỉ cần báo trước 1 ngày là có,” bà Hoa chia sẻ.

Trước khi chúng tôi rời đi, bà Hoa lôi điện thoại ra cho chúng tôi xem một loạt video quay lại cảnh những con tê tê còn sống được nhốt ở trong những chiếc lồng sắt để chuẩn bị gửi hàng. Ngoài ra, bà Hoa còn hứa hẹn nếu chúng tôi lấy hàng, bà sẽ biếu cho 1 kg vẩy tê tê đã phơi khô, bình thường bà bán với giá 5 triệu đồng/1kg.