Tây Nguyên: Mở rộng cà phê thiếu bền vững

ThienNhien.Net – Đầu tháng 3/2008, giá cà phê vượt ngưỡng 40 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 42 nghìn đồng/kg, cao nhất trong vòng 14 năm kể từ năm 1994 đến nay. Việc cà phê tăng giá thực sự là tin vui cho cả người sản xuất và xuất khẩu, nhưng nó đã gây ra những tác động tiêu cực, đó là tình trạng người dân trồng mới cà phê ồ ạt dẫn tới nguy cơ phá vỡ quy hoạch phát triển nông nghiệp và làm cho cây cà phê thiếu bền vững.

Theo Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa), giá cà phê tăng cao là do sản lượng cà phê niên vụ 2007-2008 của nước ta – quốc gia sản xuất cà phê robusta hàng đầu của thế giới – giảm mạnh, chỉ đạt 850 nghìn tấn, trong khi dự đoán là 1 – 1,1 triệu tấn.

Tại tỉnh Đắk Lắk, vùng sản xuất cà phê lớn nhất của cả nước, sản lượng cà phê niên vụ vừa qua chỉ đạt 325 nghìn tấn, giảm hơn 100 nghìn tấn so với niên vụ trước. Sự giảm mạnh sản lượng cà phê của Việt Nam đã góp phần khiến thị trường cà phê thế giới rơi vào tình trạng cung không đủ cầu, thiếu hụt khoảng 6-7 triệu bao (bao 60 kg).

Một nguyên nhân nữa khiến giá cà phê tăng cao đó là do người sản xuất cà phê “găm hàng”, làm cho một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không đủ hàng cho những hợp đồng kỳ hạn, nên đã phải nâng giá thu mua.

Cà phê tăng giá, người sản xuất hưởng lợi, nhưng lại tiềm ẩn những nỗi lo lớn khác, đó là quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững bị phá vỡ và tình trạng cà phê lấn rừng từng xảy ra những năm trước đây tiếp tục tái diễn.

Cụ thể, tại Đắk Lắk, cách đây 4 năm, tỉnh này đã đưa ra kế hoạch chuyển đổi 40 nghìn ha cà phê trên đất không phù hợp, thiếu nguồn nước sang cây trồng khác, chỉ giữ cà phê ổn định với diện tích 140 nghìn ha. Nhưng trên thực tế, Đắk Lắk không những không chuyển đổi được cây cà phê nào, mà còn xảy ra tình trạng trồng mới ồ ạt. Đến đầu năm 2008, diện tích cà phê Đắk Lắk vẫn duy trì ở con số gần 180 nghìn ha.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết: “Năm 2007, toàn tỉnh Đắk Lắk trồng mới 3.748 ha. Dự báo năm nay diện tích cà phê trồng mới ở Đắk Lắk sẽ nhiều hơn. Cái khó là chính quyền cũng như ngành nông nghiệp chỉ biết khuyến cáo bà con nông dân không nên mở rộng diện tích cà phê chứ không có chế tài nào ép buộc họ được. Người dân có đất, họ trồng cây gì là do họ tự quyết định. Và điều đáng lo ngại là phần lớn diện tích cà phê trồng mới hiện nay đều trên diện tích đất không phù hợp hoặc đất phá rừng mà có.”

Còn tại tỉnh Đắk Nông, chủ trương của tỉnh này ổn định diện tích cà phê ở con số 60 nghìn ha, nhưng hiện nay tổng diện tích cà phê ở địa phương này hiện lên đến hơn 70 nghìn ha, trong đó diện tích cà phê trồng mới năm 2007 là 850 ha.

Dự kiến, do giá cà phê tăng đột biến như hiện nay, thì diện tích cà phê trồng mới năm 2008 này của Đắk Nông sẽ lên đến hơn 1 nghìn ha. Tại các tỉnh Gia Lai, Kom Tum và Lâm Đồng cũng xảy ra tình trạng cà phê trồng mới ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, và làm tăng nguy cơ phá rừng.

Cà phê mở rộng diện tích còn dẫn tới nguy cơ không đảm bảo được nguồn nước tưới, dễ bị thiệt hại nặng khi hạn hán xảy ra trong mùa khô. Theo tính toán, trong tổng số 179 nghìn ha cà phê hiện có ở Đắk Lắk, chỉ có 50 nghìn ha được đảm bảo nguồn nước từ các công trình thủy lợi, diện tích còn lại phải tưới từ nguồn nước ngầm rất bấp bênh. Vì vậy nếu xảy ra hạn hán, sẽ có hơn 10 nghìn ha cà phê ở Đắk Lắk bị thiệt hại do trồng ở vùng đất không phù hợp và thiếu nguồn nước.

Trong khi quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp không còn, để có đất mở rộng diện tích cà phê, người dân ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã không nương tay với rừng. Nhiều vụ phá rừng trồng cà phê đã xảy ra, nhưng chỉ được phát hiện khi cây cà phê đã thế chỗ cho cây rừng(!).

Vào thời điểm này, khi mà giá cà phê đang ở mức kỷ lục, tình trạng phá rừng trồng cà phê và chuyển nhượng đất trái phép đã xảy ra ở nhiều nơi tại Tây Nguyên.

Theo dự đoán của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, năm nay diện tích cà phê trồng mới sẽ tăng cao, vượt tầm kiểm soát của ngành cũng như của chính quyền địa phương. Trên thực tế, chưa vào thời điểm trồng mới cà phê nhưng người dân Tây Nguyên đã đổ xô đi mua giống cà phê, làm cho giá cây giống trở lên đắt đỏ và khan hiếm.

Tây Nguyên có hơn 1.500 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ, nhưng hệ thống thuỷ lợi ở đây mới chỉ bảo đảm nước tưới cho 57% diện tích cây trồng. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên, do thiếu quy hoạch nên dẫn tới cơ cấu cây trồng không hợp lý. Người dân luôn có tâm lý chạy theo giá cả nông sản để quyết định trồng cây gì.

Trong thời điểm hiện tại, do giá cà phê tăng cao nên người dân Tây Nguyên tiếp tục mở rộng diện tích, bất chấp khuyến cáo của các nhà khoa học. Tiến sỹ Hoàng Thanh Tiệm, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp (KHKTN-LN) Tây Nguyên đưa ra cảnh báo về tình trạng trồng mới cà phê một cách ồ ạt: “Căn cứ trên lượng hạt giống và cây giống mà Viện bán ra, cộng với nguồn giống các đơn vị khác cung ứng ước tính diện tích cà phê trồng mới của Tây Nguyên năm 2007 là 20 nghìn ha. Và năm 2008 này diện tích cà phê trồng mới ở Tây Nguyên sẽ cao hơn!”.

Đây là con số đáng lo ngại, vì theo khuyến cáo của các nhà khoa học với 446 nghìn ha cà phê hiện có, thì Tây Nguyên không nên mở rộng diện tích, mà phải chuyển diện tích cà phê bấp bênh về nguồn nước sang trồng cây chịu hạn.

Tiến sỹ Lê Ngọc Báu, Phó viện trưởng Viện KHKTN-LN Tây Nguyên cho rằng, nông nghiệp Tây Nguyên muốn phát triển bền vững trước hết phải có quy hoạch cụ thể, hình thành cơ cấu cây trồng hợp lý và ổn định, khắc phục cho được tình trạng diện tích cây trồng phụ thuộc giá cả nông sản, cũng như tâm lý chạy theo thị trường của nông dân.

Muốn làm được như vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân khi chuyển đổi cây trồng, khuyến khích tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và coi trọng xuất khẩu nông sản qua chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp bền vững đó là thuỷ lợi. Phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho phát triển thuỷ lợi ở Tây Nguyên. Làm cho hệ thống thuỷ lợi có đủ năng lực điều hoà lượng nước trong hai mùa mưa – nắng. Bên cạnh đó cần có chiến lược giữ rừng và trồng rừng, mới mong giữ được nguồn nước mặt và nước ngầm ở Tây Nguyên.

Nhằm góp phần đưa nông nghiệp Tây Nguyên phát triển theo hướng bền vững, trong những năm qua, Viện KHKTN – LN Tây Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp, nhiều chương trình hỗ trợ nông dân. Điển hình như việc tìm ra 10 giống cà phê vối kháng bệnh rỉ sắt, như giống TR2, TR3, TR8. Các loại giống này cho năng suất đạt từ 4 – 7 tấn cà phê nhân/ha.

Đối với những vườn cà phê trước đây nông dân trồng bằng giống cũ đã bị thoái hoá, viện đưa ra giải pháp cưa ghép chồi cải tạo bằng giống mới năng suất cao và chỉ sau 18 tháng đã cho thu hoạch.

Một giải pháp nữa mà viện thực nghiệm thành công đó là trồng cây che bóng trong vườn cà phê bằng phương pháp trồng xen cà phê với các loại cây ăn trái, cây lấy gỗ, vừa tăng thu nhập vừa giữ ẩm nhằm tiết kiệm nước tưới và kéo dài chu kỳ kinh doanh của cây cà phê. Hiện tại mô hình trồng xen trong vườn cà phê đã đạt 10% so tổng diện tích, và đang là biện pháp thu hút nhiều hộ dân áp dụng.

Giá cà phê tăng hay giảm là do thị trường điều tiết khi cung và cầu không tương xứng nhau. Năm nay cung không đủ cầu nên giá cà phê tăng cao, nhưng nếu tiếp tục trồng mới ồ ạt, sẽ dẫn tới cung vượt cầu, sản lượng cà phê dư thừa và cà phê rớt giá như đã từng xảy ra những năm trước đây là không tránh khỏi.

Vấn đề đặt ra hiện nay là Đắc Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên cần phải có biện pháp mạnh để giữ rừng, không để cây cà phê lấn rừng; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân tập trung thâm canh tăng năng suất và nâng cao chất lượng cà phê, không trồng mới cà phê ở vùng đất không phù hợp, thiếu nguồn nước.

Ngày 28/04/2008, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã ra Chỉ thị 1140/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững cà phê, cao su và sắn (khoai mì). Trong đó, riêng đối với cây cà phê, Bộ yêu cầu: Trước mắt cần khẩn trương kiểm tra, ngăn chặn tình trạng tự phát mở rộng diện tích trồng mới cà phê hiện nay ở Tây nguyên và Tây Bắc. Từ năm 2008 – 2010 không mở thêm diện tích trồng cà phê, chỉ trồng tái canh đối với các diện tích cà phê già cỗi, diện tích bị sâu bệnh năng suất thấp hoặc cải tạo, trồng thay thế các vườn cà phê giống cũ bằng các giống mới đã được Bộ công nhận. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng trồng mới cà phê; tăng cường quản lý chất lượng giống cà phê, không để tình trạng lợi dụng nhu cầu giống tăng cao để kinh doanh giống kém chất lượng.