Thiếu quy hoạch nuôi trồng thủy sản: Nguyên liệu nay thiếu, mai thừa…

Ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn thiếu một quy hoạch tổng thể và đồng bộ khiến nhiều vùng thuỷ sản phát triển tự phát, không gắn với thị trường…Bài học cá tra, cá ba sa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là ví dụ…

Theo Cục phó Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN- PTNT) Lê Viễn Chí, thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Biểu hiện cụ thể tại 2 đối tượng nuôi đang được cho là thế mạnh của chúng ta là cá tra và tôm sú.

Cho đến nay, quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa vùng ĐBSCL vẫn chưa được phê duỵêt do đang trong quá trình hoàn chỉnh báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Tại địa phương, quy hoạch phát triển cá tra cũng mới dừng ở mức xem xét phê duyệt dẫn tới, chưa có cơ sở để quy hoạch. Thế nhưng, một số tỉnh đã có quy hoạch thì việc quản lý, thực hiện quy hoạch cũng vô cùng khó khăn do thiếu các chế tài để khống chế phát triển tràn lan ở những vùng ngoài quy hoạch.

Thiếu quy hoạch khiến cơ sở hạ tầng thủy lợi cho sản xuất cá tra không được quan tâm đầu tư. Hiện chưa có hệ thống cấp nước chủ động cho các vùng nuôi cá tra tập trung. Các hộ dân nhỏ lẻ trên diện tích ven các con sông tự đầu tư đường dẫn nước vào ao hầm của mình, dẫn đến tình trạng lôn xộn, gây hại lẫn nhau.

Ngoài ra, việc quản lý môi trường nuôi cũng gặp khó khăn. Trong thực tế sản xuất, người nuôi chỉ thực hiện hút vét bùn đáy mà không thực hiện quy định phải dành diện tích làm ao lắng nước cấp, ao xử lý nước thải. Mật độ giống cá thả nuôi quá dày (nhiều khi tới 60- 70 con/m2), cộng với việc thiếu nguồn nước thay thường xuyên đã làm giảm chất lượng môi trường nuôi, ảnh hưởng tới chất lượng cá nguyên liệu.

Việc kiểm dịch con giống chưa được thực hiện ở nhiều địa phương. Các tiêu chuẩn chất lượng thịt cá tra cũng chưa được xây dựng. Do đó, thiếu căn cứ để định giá cá tra một cách rõ ràng, minh bạch. Hậu quả là việc tiêu thụ khó khăn, nảy sinh gian lận thương mại. Doanh nghiệp (DN) cạnh tranh không lành mạnh làm đình trệ sản xuất.

Đối với con tôm sú cũng vậy. Mặc dù là đối tượng nuôi chủ lực ở vùng nước lợ cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho xuất khẩu, mang lại giá trị kim ngạch lớn nhất trong các nhóm đối tượng nuôi. Thế nhưng, đến nay quy hoạch phát triển cũng chỉ mới được xây dựng và đang trong quá trình thẩm định. Tôm chân trắng đã được nuôi một số năm ở miền Bắc và miền Trung, mới đây được phép phát triển nuôi tại ĐBSCL cũng chưa được quy hoạch.

Ông Chí cho rằng, tới đây, cần rà soát lại toàn bộ các quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã xây dựng, đang thực hiện của các khu vực kinh tế. Đặc biệt, đối với cá tra, sẽ thực hiện cấp phép cho tổ chức, cá nhân nuôi. Điều này đồng nghĩa, nếu đơn vị nào không đủ những điều kiện cần thiết sẽ không được tiếp tục nuôi, để đảm bảo phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Như Tiệp- Cục phó Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho rằng, chúng ta phải dự tính được những thách thức trong 5- 10 năm nữa. Đặc biệt, tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi trồng. Sức ép cạnh tranh ngày càng lớn nếu chúng ta không có quy hoạch bài bản, đảm bảo quy trình nuôi theo đúng tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng thì sản phẩm sẽ ngày càng khó tiêu thụ. Trong quy hoạch nuôi trồng phải gắn với NM chế biến.

Phó Vụ trưởng Vụ HTQT Nguyễn Viết Mạnh cho biết, các chuyên gia quốc tế đều chung nhận định, chúng ta đang rất yếu ở 3 mảng: Quản lý hệ thống trại giống; quản lý môi trường nuôi và thống kê nghề cá. Chính những yếu kém này khiến chúng ta chỉ phát triển được một số đối tượng nhất định.