Thông qua “Tuyên bố TP.Hồ Chí Minh” tại Hội nghị thượng đỉnh sông Mê Kông

ThienNhien.Net – Hội nghị thượng đỉnh sông Mê Kông lần 2 đã thông qua “Tuyên bố TP.HCM” về an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực.

Đẩy mạnh hợp tác phát triển bền vững trong lưu vực sông Mê Kông Ngày 5.4, tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) đại diện 4 nước thành viên của Ủy hội là Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam đã nhất trí thông qua tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh để cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác, tăng cường vai trò của Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế hướng tới mục tiêu quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nước, lương thực và năng lượng trong lưu vực sông Mê Kông.

Tuyên bố đã xác định 6 lĩnh vực hoạt động ưu tiên trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào việc tăng cường thực hiện các Thủ tục của Uỷ hội, rà soát cập nhật các kế hoạch chiến lược, đẩy mạnh các dự án nghiên cứu đánh giá tác động, các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu và giảm nhẹ các rủi ro đối với hệ sinh thái sông Mê Kông.

Bên cạnh đó các thành viên cũng nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các Đối tác Đối thoại, các Đối tác Phát triển, các sáng kiến khu vực và quốc tế có liên quan, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác trong quá trình thực hiện kế hoạch hoạt động giai đoạn 2016-2020 của Ủy hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi họp báo công bố kết quả Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi họp báo công bố kết quả Hội nghị.

Dưới đây xin trích dẫn nội dung lĩnh vực hành động ưu tiên và định hướng tiếp theo trong Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh được các nước thông qua tại Hội nghị:

Các lĩnh vực hành động ưu tiên

21. Chúng tôi, những người đứng đầu các Chính phủ, mong muốn Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế tập trung và ưu tiên thực hiện việc:

i. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghiên cứu của Hội đồng Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế về “Phát triển và Quản lý bền vững sông Mê Kông bao gồm những tác động của các công trình thủy điện dòng chính”, có sự phối hợp với Nghiên cứu do Việt Nam đề xuất để đưa ra các khuyến cáo và các khuyến nghị phù hợp cho phát triển bền vững trong Lưu vực;

ii. Rà soát, cập nhật và thực hiện Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Quản lý Tổng hợp Tài nguyên nước và Kế hoạch Chiến lược 2011-2015, chuẩn bị và thực hiện Kế hoạch Chiến lược 2016-2020 của Ủy hội, góp phần định hướng phát triển hiện nay và trong tương lai của Lưu vực;

iii. Phòng tránh, giảm thiểu và giảm nhẹ các rủi ro đối với hệ sinh thái sông, an ninh lương thực, sinh kế và chất lượng nước do gia tăng hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp, thủy lợi cũng như thuỷ điện, giao thông thủy và các hoạt động phát triển khác trong Lưu vực, đồng thời nhận thức rằng các tác động của biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng các thách thức này;

iv. Tiếp tục tăng cường hiệu quả thực hiện các Thủ tục của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế nhằm hỗ trợ thực hiện Hiệp định Mê Công năm 1995; cam kết thực hiện hiệu quả các Thủ tục của Ủy hội nhằm đạt được các mục tiêu của Hiệp định;

v. Tìm kiếm và xác định các cơ hội mở rộng hợp tác với các Đối tác Đối thoại, các Đối tác Phát triển hiện tại và các đối tác mới cũng như các sáng kiến hợp tác khu vực và quốc tế;

vi. Tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai trong lưu vực do lũ lụt, hạn hán, và tác động của nước biển dâng; giám sát và thực hiện các giải pháp duy trì chất lượng nước tốt trong lưu vực sông Mê Công;

Định hướng tiếp theo

1. Chúng tôi, những người đứng đầu các Chính phủ tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết và cam kết chính trị cao nhất đối với việc thực hiện Hiệp định Mê Công năm 1995.

2. Chúng tôi cam kết hợp tác nhằm tăng cường vai trò của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế trong đảm bảo áp dụng hướng tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước giúp sử dụng bền vững và bảo tồn các nguồn tài nguyên nước, lương thực và năng lượng trong Khu vực.

3. Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc tăng cường và đẩy mạnh quan hệ hợp tác của Uỷ hội với các Đối tác Đối thoại, các Đối tác Phát triển, các sáng kiến vùng và quốc tế, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác; kêu gọi sự ủng hộ và hỗ trợ cho Uỷ hội và các Quốc gia thành viên trong thực hiện các dự án và nghiên cứu về phát triển bền vững ở Lưu vực sông Mê Công;

4. Chúng tôi cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Uỷ hội sông Mê Công quốc tế tiếp tục chuẩn bị phân cấp các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông, nhằm hướng tới tự chủ hoàn toàn về tài chính vào năm 2030.

5. Chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu tăng cường năng lực cho các Quốc gia thành viên.

6. Chúng tôi nhất trí giao cho Hội đồng Uỷ hội sông Mê Công quốc tế bảo đảm thực hiện hiệu quả Tuyên bố chung này thông qua các chương trình, dự án cụ thể.