Thân thiện môi trường: Việc cấp thiết

Hằng năm, nhân Ngày Môi trường thế giới (05/06), Liên hợp quốc ghi nhận nỗ lực của các nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khởi động chương trình hành động thiết thực làm sạch Trái đất – ngôi nhà chung. Thân thiện môi trường ngày càng được nhiều quốc gia coi là việc cấp thiết.

Rác thải – báo động đỏ

Ðó là cảnh báo của các tổ chức bảo vệ môi trường, các chuyên gia trên thế giới. Các nhà khoa học Pháp lo ngại trước tình trạng ô nhiễm vũ trụ gia tăng. Thống kê cho thấy, trong 50 năm qua khoảng 10.000 vật thể dài hơn 10cm, khoảng 200.000 vật thể dài hơn 1cm, khoảng 35 triệu vật thể có kích thước dưới 0,1cm, chủ yếu do con người tạo ra, đã rơi vào khí quyển. Nga và Mỹ đã bắn khoảng 20 tên lửa lên quỹ đạo để phá hủy các vệ tinh quá cũ của mình.

Tháng 01/2007, Trung Quốc phóng tên lửa để phá vệ tinh do thám thời tiết Fengyun-1C, tung ra khoảng 35.000 mảnh vỡ kích thước hơn 1cm2. Cuối tháng hai vừa qua Mỹ bắn tên lửa phá một vệ tinh do thám bị hỏng. Hậu quả các vụ “bắn phá khí quyển” không hề nhỏ đối với môi trường quỹ đạo. Các bãi biển trên thế giới mỗi ngày “hứng” ba triệu kg rác thải.

Báo cáo của Ủy ban Bảo vệ đại dương của Liên hợp quốc liệt kê 7,2 triệu “danh mục rác thải” với gần 2,3 triệu mẩu thuốc lá, đầu lọc, đầu ngậm xì-gà; gần 600.000 túi nhựa; hơn 1,7 triệu giấy bọc thức ăn, hộp, cốc, chén, đồ nấu nướng; gần 1,2 triệu vỏ lon bia, chai rượu, hộp sữa “bị quên” trên bãi biển. Khoảng 57% loại rác liên quan hoạt động giải trí ngoài biển, 33% do những “ống khói di động” thải ra, còn lại phát sinh từ đánh bắt hải sản, vứt rác.

Theo ủy ban trên, khối lượng được nêu chỉ là “ảnh chụp nhanh” trong một ngày mà 378.000 tình nguyện viên quốc tế gom trên bờ biển của 76 quốc gia từ Bahrain đến Mỹ tháng 09/2007. Ngoài ra, rác còn được thải từ hàng trăm nghìn chim biển và động vật có vú chết do vướng lưới, cần câu vứt ngổn ngang… “Ðại dịch… rác” gieo tai họa khủng khiếp cho con người.

Theo Bộ Môi trường Mexico mỗi năm nước này xả ra 8,4 triệu tấn rác thải độc hại, song chỉ khoảng 50% có thể tái chế. Hiện tại cả nước có 297 khu vực đất bị ô nhiễm bởi hàng trăm nghìn mét khối rác thải nguy hại tới môi trường và sức khỏe con người do tập trung 36% lượng kim loại độc như chì, crôm, kẽm, thủy ngân; 17% rác thải sinh học dễ lây nhiễm; 11% dầu mỡ qua sử dụng. Thủ đô Mexico mỗi ngày xả 20.000 tấn rác (hơn 50% không có túi đựng) hậu quả là trong thập niên vừa qua mỗi năm 32.000 người chết vì các bệnh do đất và nguồn nước ô nhiễm.

Nạn phá rừng – “siêu khủng hoảng”

Theo các chuyên gia lâm nghiệp, do nhu cầu tiêu thụ gỗ tăng vọt, rừng nhiệt đới châu Á đang bị tàn phá với tốc độ chóng mặt. Các GS Ðại học Oxford nhận định, trên phạm vi toàn cầu, đây là một “siêu khủng hoảng” tồi tệ bậc nhất trong lịch sử loài người. FAO cho biết, năm 2005 nạn khai thác gỗ bừa bãi ở Ðông – Nam Á làm “mất” 19% diện tích rừng nhiệt đới. Nguyên nhân là do nhu cầu về lâm sản tại các nền kinh tế châu Á gia tăng.

Trung Quốc, nước xuất khẩu đồ gỗ gia dụng hàng đầu thế giới hiện nay, thời kỳ 1990-2004 nhập khối lượng gỗ tăng mười lần, từ 53 tỷ USD lên 561 tỷ USD. Kim ngạch nhập sản phẩm gỗ của Ấn Ðộ tăng hơn bốn lần từ năm 1990-2005, đạt 3,1 tỷ USD. Các nước châu Á đang phải mua gỗ từ Trung Phi và Nam Mỹ. Tốc độ mở rộng các khu trồng cọ dầu và các loại cây khác, phá rừng lấy đất trồng trọt, v.v. cũng là nguyên nhân dẫn đến 54% diện tích rừng nhiệt đới bị tàn phá. Các nước “mất”diện tích rừng đáng kể nhất là Indonesia, Cam-pu-chia, Myanmar, Australia và Papua New Ghine. Tại Indonesia, 70% diện tích rừng đước bị phá hủy do sự vô ý thức của con người.

Cháy rừng tạo những màn khói bụi lớn ảnh hưởng sức khỏe con người, giao thông. Các nước Ðông – Nam Á nhiều lần đối mặt tình trạng này. Tại Argentina giữa tháng tư vừa qua xảy ra gần 300 đám cháy trên diện tích 70.000 ha do nông dân đốt đồi, cỏ khiến số bệnh nhân bị dị ứng và có vấn đề về hô hấp nhiều hơn bình thường; nhà chức trách phải cấm các phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường cao tốc. Khói bụi tràn sang nước láng giềng Urugoay cản trở hoạt động của thủ đô và một số khu du lịch nổi tiếng.

Mexico City mỗi ngày có 3,5 triệu lượt xe ô-tô tham gia giao thông nên có nồng độ hạt bụi PM10 – thường gọi là “hạt tử thần” – khá cao, làm khoảng 35.000 người chết mỗi năm do bệnh đường hô hấp và ung thư. Cuối tháng tư vừa qua tất cả các trường học khu vực Ðông Los Angles (Mỹ) phải đóng cửa hơn một tuần, hàng nghìn người phải sơ tán do cháy rừng thiêu trụi 140 ha đồi.

Tạp chí Tự nhiên (Anh) dẫn nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, bồ hóng (các-bon đen) là “thủ phạm thứ hai” sau diocid carbon (CO2) gây ấm lên toàn cầu. Theo các nhà khoa học Mỹ, “vòng đời”của bồ hóng chỉ khoảng một tuần, nhưng mỗi năm tám triệu tấn các-bon đen (60% từ nhiên liệu sinh học như củi và cháy rừng) thải vào khí quyển (hơn 35% từ Trung Quốc và Ấn Ðộ ) làm 1,6 triệu người trên thế giới chết vì bệnh đường hô hấp.

Bồ hóng còn góp phần tạo các “điểm nóng” ở đồng bằng Nam Á, Ðông Á, làm tăng mức độ tan các sông băng tại Himalaya và Bắc cực. Tổ chức xếp hạng môi trường quốc tế mới đây xếp Mỹ cuối G-8 vì lượng khí thải độc hại tăng và nhiều khu vực thường chìm trong khói bụi.

Hành động tích cực

“Thân thiện môi trường”trở thành khẩu hiệu hành động, việc cấp thiết của nhiều nước trên thế giới nhằm giảm thiểu tác động do không khí, rừng, biển bị ô nhiễm gây ra. Trung tâm Luật và Chính sách môi trường của Trường đại học Yale năm nay trao Thụy Sĩ ngôi “quán quân” về ý thức bảo vệ môi trường tốt nhất nhờ nước này sử dụng thủy điện và hệ thống giao thông dựa chủ yếu vào xe lửa.

Các nhà khoa học khuyến nghị tăng cường dùng bếp không khói, đa dạng nguồn năng lượng; các ngành công nghiệp quy mô nhỏ sử dụng công nghệ giảm chất thải, bồ hóng. Ðầu tháng năm, các nước Cu-ba, Bolivia, Cô-xta Ri-ca, Ê-cu-a-đo, Ni-ca-ra-goa… nhất trí tăng cường hành động chung nhằm ngăn chặn việc Mỹ và EU dùng ngũ cốc và lương thực sản xuất nhiên liệu gây ô nhiễm Trái đất.

Bộ trưởng các nước nhóm G8 (họp ngày 11-13/05) tại Nhật Bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của viêc phát triển kinh tế – xã hội hài hòa với môi trường. Indonesia khai trương Trung tâm Thông tin về cây đước tại Banda Ache (tỉnh Ache) giúp người dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của các cánh rừng đước trong việc ngăn chặn tình trạng xâm thực của nước biển và sóng thần. Nhật Bản triển khai Chương trình hành động nhằm giảm 60% lượng rác thải vào năm 2015 so với năm 2000, theo đó mỗi người dân giảm 20% lượng rác thải (530gam) mỗi ngày vào năm 2015; hạn chế sử dụng sản phẩm dùng một lần, tăng sử dụng phương tiện công cộng, đi xe đạp; dùng đũa riêng thay đũa dùng một lần, hạn chế dùng túi ni lông; các công ty sản xuất nhiều sản phẩm tiết kiệm năng lượng;

Chính phủ xây dựng các cơ sở tái chế rác thải, từ năm 2008 đến 2012 nâng khả năng phát điện thông qua đốt 50% lượng rác thải. Mexico đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc lọc bụi, khử chất độc. Argentina thực hiện xử phạt nghiêm khắc, truy tố thủ phạm gây các vụ đốt cỏ, cháy rừng. Guatemala xây dựng tại tỉnh Peten Công viên sinh thái và văn hóa Las Cuatro Esquinas, lớn thứ 7 thế giới, nhất Mỹ Latin, để bảo vệ 420.000 ha rừng nơi đây, lá phổi của Trung Mỹ… Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, cần mở rộng chiến dịch “Dọn sạch bờ biển quốc tế”, một biện pháp tốt nhắc nhở mỗi người trách nhiệm bảo vệ môi trường, cộng đồng và toàn thế giới.