Hiểm họa môi trường từ túi nilông: Lời cảnh báo (Kỳ 2)

Nếu chúng ta cứ tiếp tục sử dụng túi nilông vô tội vạ như hiện nay thì điều gì sẽ xảy ra? Câu trả lời rất rõ ràng: môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng!

Hiểm họa từ túi nilông (Kỳ 1)

Bà P.T.N. (phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM) nói rằng cơ sở thu mua phế liệu của bà mỗi ngày gom được khoảng 1 tấn túi nilông từ người nhặt rác mang về bán với giá khoảng 300 đồng/kg (loại ướt, dơ). Theo bà N., mỗi người nhặt rác có thể kiếm được 10kg túi nilông/ngày.

Một cơ sở thu mua phế liệu gần cơ sở của bà N. cũng cho biết mỗi ngày thu mua được hàng tấn túi nilông do nhiều người nhặt rác mang về bán. Chỉ qua hai cơ sở thu mua phế liệu này đã có thể hình dung phần nào mức độ sử dụng, khối lượng túi nilông phế thải lẫn trong rác.

Nỗi lo rác nilông

Theo những người thu mua phế liệu, túi nilông mua được sẽ mang đi bán cho các cơ sở tái chế phế liệu ở khu vực Bình Chánh (TP.HCM) để làm hạt nhựa – nguyên liệu sản xuất các sản phẩm nhựa nói chung, trong đó có túi nilông. Xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được giới thu mua phế liệu mệnh danh là “cánh đồng túi nilông” bởi khu vực này có rất nhiều cơ sở giặt rửa, phơi, phân loại, tái chế túi nilông…

Tuy nhiên, không phải tất cả túi nilông phế thải đều vào các cơ sở phế liệu. Theo ông Huỳnh Minh Nhựt – giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, do rác ở TP.HCM chưa được phân loại tại nguồn nên rác được chôn lấp còn lẫn rất nhiều túi nilông hay rác thải nhựa nói chung. Ông Nhựt cho rằng ở bãi rác Đông Thạnh hay Gò Cát, rác hữu cơ đã phân hủy, còn túi nilông lẫn trong đó chẳng hề hấn gì.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt – trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM – đánh giá túi nilông lẫn trong rác sinh hoạt chiếm vài phần trăm. Lượng túi nilông phế thải vào các cơ sở tái chế hay được chôn lấp ở các bãi rác dù sao cũng được khống chế trong phạm vi hẹp. Đáng ngại nhất là khối lượng rác là túi nilông phát tán vào môi trường, chui xuống cống rãnh, sông suối hay lẫn vào đất… tất cả những điều này gây tác hại rất lớn đến môi trường sống, để lại hậu quả lâu dài.

Tiến sĩ Phạm Hồng Nhật – trưởng phòng quan trắc và phân tích môi trường, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường (TP.HCM) – phân tích “vòng đời” sử dụng của túi nilông cực kỳ ngắn so với rất nhiều loại sản phẩm nhựa khác. Đông đảo người dân đi chợ, siêu thị đều đựng bằng túi nilông và chỉ 15-20 phút sau, khi về đến nhà, hầu hết túi nilông đều trở thành rác, bị vứt đi ngay lập tức. Trong khi đó, túi nilông có thể tồn lưu trong môi trường đến hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm.

Ô nhiễm môi trường

Theo các nhà khoa học, tác hại của túi nilông ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng… đã trở thành kiến thức giáo khoa. Túi nilông lẫn vào đất có thể làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng, ngăn cản oxy đi qua đất, gây xói mòn đất… Túi nilông dạng rác rất dơ bẩn, khó phân hủy sẽ nổi lềnh bềnh ở sông, suối, cống rãnh hoặc bị gió cuốn bay tứ tung. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất túi nilông, nhiều chất thải độc hại được thải vào môi trường, gây ô nhiễm không khí, nước… Theo tính toán của các nhà chuyên môn, cứ hai túi nilông được sản xuất ra thì có khoảng 0,1gam chất thải phát sinh.

Nguyên liệu làm túi nilông xuất phát từ hai nguồn: hạt nhựa tái chế và hạt nhựa chính phẩm nhập khẩu. Theo tiến sĩ Lê Văn Khoa, qua khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy phần lớn cơ sở sản xuất túi nilông hay sản phẩm nhựa nói chung đều dùng hạt nhựa chính phẩm nhập khẩu, còn hạt nhựa tái chế được sử dụng với tỉ lệ nhỏ (khoảng 20%) và chủ yếu dùng để pha trộn với hạt nhựa chính phẩm. Như vậy, để sản xuất túi nilông đủ dùng một cách thoải mái cho gần chục triệu dân TP.HCM chắc phải tốn kém một khoản ngoại tệ khá lớn.

Hiện trên thị trường có ba loại túi nilông phổ biến. Loại túi nilông được sản xuất từ hạt nhựa mật độ cao (HDPE), thường gọi là túi xốp, dùng phổ biến trong siêu thị, chợ, các trung tâm thương mại… Túi nilông sản xuất từ hạt nhựa mật độ thấp (LDPE), thường gọi là nilông trong, đựng đường, muối… Túi sản xuất từ nhựa PP, thường cung cấp cho thị trường buôn bán thuốc tây để phân liều thuốc… Dù loại túi nào thì tác hại đối với môi trường đều như nhau.

Giảm thiểu thế nào?

Theo nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Lê Văn Khoa, có hơn 52% trong số 36 siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ… được khảo sát cho biết không chấp thuận phương án “bắt khách hàng của họ phải trả tiền sử dụng túi nilông”. Lý do chung là họ e sợ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Dù vậy, tiến sĩ Phạm Hồng Nhật vẫn tin đông đảo người dân sẽ hưởng ứng mạnh mẽ việc giảm thiểu sử dụng túi nilông khi đã có giải pháp và loại bao bì thay thế đi kèm.

Tiến sĩ Khoa cho biết nhóm nghiên cứu của ông có khảo sát ý kiến trên 300 người dân, kết quả cho thấy 71% số người được hỏi ủng hộ giảm thiểu sử dụng túi nilông ở TP.HCM, song chỉ có 30% trong số người được hỏi chấp nhận trả tiền khi sử dụng túi nilông. Kết quả khảo sát ở người dân cũng cho thêm một thông tin chỉ có khoảng 15% số người được hỏi sẽ chọn giải pháp mang theo túi riêng khi đi mua sắm, nếu bị yêu cầu trả tiền khi sử dụng túi nilông.

Tiến sĩ Khoa cho rằng hệ thống các siêu thị sử dụng túi nilông chiếm tỉ lệ lớn trong nhu cầu sử dụng sản phẩm này. Do vậy, theo ông, việc giảm thiểu sử dụng túi nilông nên bắt đầu từ hệ thống các siêu thị hay một số trung tâm mua sắm và làm đồng loạt, cùng thời điểm, với các qui định nhất quán… sẽ mang lại kết quả tốt. Ông Khoa đồng tình một trong những biện pháp giảm thiểu sử dụng túi nilông một cách hiệu quả là dụng nguyên tắc “người sử dụng phải trả tiền”, chứ không được phát miễn phí và sử dụng tràn lan như hiện nay.