Lại thêm hơn 13 ha rừng ở huyện Krông pa bị phá ở xã Chư Gu, đây được xem là rừng nghèo, ít gỗ quý có đường kính lớn. Huyện Krông pa đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành vào hiện trường để xác minh sự việc và đã có kết luận là dân phá rừng làm nương rẫy. Theo báo cáo thì rừng bị phá gồm nhiều mảnh, một số diện tích đã tỉa ngô, bí; dấu vết chặt hạ bằng rìu.
Khai thác gỗ lậu diễn ra ở nhiều xã
Việc rừng ở Chư Gu bị phá đã rõ, cả xã và đoàn kiểm tra liên ngành huyện đều kết luận phá rừng trên chỉ để làm rẫy và đã trồng trọt… nhưng thực tế tại suối Ktô, gia đình nhà Kpăh Thoan (trú tại khối phố 13 thị trấn Phú Túc) đã dựng lều để ở. Gặp đoàn kiểm tra, họ chẳng có dấu hiệu gì sợ sệt, mà ngược lại vẫn tươi cười nói chuyện. Phá rừng không sợ bị phạt à?. Họ trả lời: Đây là rẫy của mình, mình làm từ năm 1996 (thực tế không có cây trồng nào).
Tại các bãi bị phá tập trung chưa có ai trồng trọt nơi này (ít nhất là 3 điểm đã đi), cỏ, cây dại mọc um tùm, cây bị chặt hạ chỉ còn trơ lại gốc. Tại các địa điểm này không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nơi đây người dân đang làm rẫy và cũng không ai có thể làm rẫy ở nơi thâm sâu như vậy, sản phẩm (nông sản nếu có) vận chuyển bằng đường nào khi mà người đi còn chưa được….
Ông Trần Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Krông pa thì khẳng định là dân phá rừng làm rẫy. Khi sự việc xảy ra, huyện cũng đã chỉ đạo chính quyền xã, kiểm lâm rà soát, theo dõi, mật phục tìm ra đối tượng phá rừng để xử lý nghiêm minh…. Nhưng thực tế trên đường vào rừng, chưa gặp núi đã phát hiện 2 xe máy chở gỗ ra khỏi rừng một cách ngang nhiên. Gỗ đã được xẻ thành phẩm, dài khoảng 5m được lâm tặc cột sau xe và kéo chạy trước mặt các lãnh đạo xã và kiểm lâm địa bàn (dù kiểm lâm có mặc đồng phục). Dọc đường vào rừng, những dấu vết gỗ vừa được kéo ra khỏi rừng vẫn còn mới nguyên, ai cũng thấy và biết được. Dường như chuyện theo dõi, mật phục trên chỉ có trên giấy tờ.
Theo báo cáo của Kiểm lâm huyện, hiện tại Krông pa vẫn còn tồn tại việc khai thác gỗ lậu nhóm 1 diễn ra ở nhiều xã mà nguyên nhân chính là do nhu cầu gỗ xây dựng và gia dụng trên địa bàn là rất lớn mà việc buôn bán lâm sản trái phép thu lại lợi nhuận cao. Việc một số đối tượng phá, đốt rừng làm rẫy với mục đích là bán kiếm tiền thu lợi bất chính…
Phá rừng có tổ chức và quy mô lớn
Từ trung tâm xã Chư Gu vào đến các tiểu khu bị phá dài khoảng 20km, xe máy chỉ chạy được 1/3 đoạn đường là bỏ xe tại bìa rừng, sau đó tất cả cuốc bộ. “Tất cả phải cẩn thận, đường đi trơn, lại cao rất dễ ngã. Mình phải vào sớm và ra trước chiều tối (khoảng 17h) nếu không gặp mưa rừng lại tiêu luôn. Anh em ở xã phải đi đầu tiên và sau cùng, nhà báo đi giữa để khỏi lạc” anh Ty, một thành viên trong đoàn nhắc nhở mọi người trước khi vào rừng. Sau khi quán triệt xong, cả đoàn bắt đầu vào rừng.
Đường đi lên núi có nhiều dốc cao, quanh co, mọi người phải đi kề nhau. “Đây là nơi để lâm tặc tuồn gỗ xuống theo dốc này” một người trong đoàn nói về con dốc đá dựng đứng mà chúng tôi phải bò lên, con dốc tuy ngắn chỉ khoảng 50m nhưng chúng tôi đi hết cả 20 phút. Từ dốc đá đi vào rẫy dài khoảng 10km chúng tôi phải đi men theo dốc núi, con đường chỉ rộng khoảng 1m, một bên là núi, một bên là vực sâu, đường đã bị sạt lở nhiều vì mưa, nếu xảy chân thì chẳng biết điều gì sẽ xảy ra.
Dọc tuyến đường, tôi phát hiện có con đường mòn nhỏ, rộng khoảng 1m đi từ đỉnh núi xuống lưng chừng dốc (nơi có đường mòn chúng tôi đang đi) là một bãi đất trống rộng khoảng 5-6 mét vuông được lâm tặc dọn dẹp sạch, gọn, chúng chọn làm “xưởng” để xẻ gỗ. Nơi đây vẫn còn lại những ụ mùn cưa còn mới và cũng là địa điểm nấu ăn của chúng. Theo các thành viên trong đoàn thì sau khi xẻ tại đây, chúng sẽ tuồn gỗ xuống tiếp theo con dường mòn nhỏ để xuống suối. “Ở đây (bãi xẻ) chỉ là điểm trung gian, sau khi xẻ hoặc cắt gọn gỗ tuồn xuống ở dưới đó sẽ có người, trâu bò kéo ra ngoài”. Tôi đã đếm có tất cả 4 con đường và bãi đáp gỗ, mỗi đoạn cách nhau khoảng 1km.
Dọc đường vào một số nơi cây đã bị cưa xẻ thành phẩm nhưng chưa kịp vận chuyển vẫn còn nằm ngổn ngang trong rừng. Mỗi khúc có đường kính 10 cm trở lên, dài khoảng 5m. “Đây là gỗ dùng trong xây dựng. Mỗi cây có giá thấp nhất là 150 nghìn đồng. Mỗi ngày làm vài cây là chúng có thể sống đủ” một thành viên trong đoàn nói. Trong rừng, ai cũng thấy những cây gỗ quý chủ yếu là căm xe, trắc hoa hay giáng hương bị lâm tặc cắt hạ có lựa chọn, kể cả những cây ở lưng chừng núi, dốc thẳng đứng, bản thân tôi cũng không hiểu vì sao chúng có thể hạ được…
Ngoài ra, lâm tặc còn làm một cái cầu nhỏ để đi lại. Cầu chỉ rộng khoảng 1m, dài 3-4m được chúng làm bằng gỗ xẻ. Đây là đoạn đường bị ngắt quãng vì bị xói mòn, sạt lở không thể đi được vì vậy lâm tặc phải làm cầu bắt qua đoạn bị sạt lở để thuận tiện đi lại. Khi lên đỉnh, có rất nhiều tuyến nhánh rẽ đi khắp nơi, ở đó chúng tôi gặp rất nhiều cây rừng bị chặt hạ nhưng chưa “xử lý” kịp.
Có thể thấy, các báo cáo của xã và đoàn liên ngành huyện chỉ đề cập đến việc dân phá rừng làm rẫy mà “quên” ở nơi đó (rừng) đã hình thành một hệ thống phá rừng có tổ chức và quy mô lớn.