Rừng thông phòng hộ đang bị xóa sổ

Quốc lộ 14 đoạn dài gần 50km qua 2 huyện Krông Buk, Ea H’leo thuộc tỉnh Đắc Lắc. Ai qua có ấn tượng đẹp bao nhiêu về những quãng đường rợp mát ngút ngàn bóng thông thì cũng đau xót bấy nhiêu với những cây thông xanh bị hành hạ đọa đày.

Việc trồng thông thành rừng phòng hộ dọc quốc lộ 14 được triển khai trong hàng chục năm, từ 1980 đến sau 1990 mới ngưng. Các văn bản về chương trình này phần lớn đã thất tán.

Tại Chi cục Lâm nghiệp Đắc Lắc, trong lúc anh Hưng cán bộ phòng Kỹ thuật nhiệt tình tra cứu mãi mới có được vài số liệu để cung cấp cho phóng viên thì tình cờ kỹ sư Hồ Viết Sắc ghé qua. Về hưu từ lâu nhưng trí tuệ vẫn sắc sảo minh mẫn.

Ông Sắc nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Liên hiệp Lâm nông công nghiệp Ea Súp, doanh nghiệp từng được giao nhiệm vụ trồng thông phòng hộ QL 14 nhớ lại: Hồi đó chúng tôi đi khảo sát chọn giống thông một số địa phương, rốt cục quyết định chọn thông ba lá ở Đà Lạt vì loại này hạt giống dồi dào, gieo ươm dễ, sinh trưởng nhanh, chịu được điều kiện khí hậu ở nhiều bình độ khác nhau.

Những vạt thông đầu tiên lên xanh ở Pơng Drang- Krông Buk, sau đó tiếp tục lan qua Ea H’leo đến tận gần cầu 110, ranh giới giữa 2 tỉnh Đắc Lắc- Gia Lai.

Bốn lâm trường tích cực trồng rừng, thông sống tốt nhất lúc bấy giờ là Thuần Mẫn, Buôn Hồ, Cư Né, Cư Pơng; sau có thêm 2 lâm trường Ea Wy, Chư Pả. Cửa ngõ phía Bắc tỉnh Đắc Lắc nhờ vậy mỗi mùa mưa lại tươi thêm hàng nghìn hecta thông trồng mới.

Gần một vạn hecta thông thuộc hai dạng rừng sản xuất và rừng phòng hộ đã được trồng trong thập niên này.

Thông đang lớn nhanh như thổi thì cơn bão “cà phê lên giá” tràn qua. Dân di cư tự do, dân làm ăn tứ xứ, dân bản địa cộng với không ít cán bộ địa phương đua nhau kiếm đất, mua đất, tranh giành đất trồng cà phê.

Giải pháp nhanh nhất là… phá rừng. Rừng bị tàn phá, chặt đốt khắp nơi. Hàng ngàn hecta rừng thông phòng hộ QL 14 cũng chịu chung số phận.

Những năm 1997-2000 báo chí kêu cứu khẩn thiết cho những vạt rừng thông phòng hộ đoạn giữa 2 huyện Krông Buk- Ea H’leo bị dân di cư nhảy dù đêm đêm róc vỏ, tỉa cành, đốt gốc, chờ chết khô hàng loạt rồi nhanh chóng thủ tiêu xác cây, “hô biến” thành vườn cà phê non xanh mơn mởn.

Nhậm chức Chủ tịch tỉnh (1999-2006) chưa lâu, ông Nguyễn Văn Lạng đã mời phóng viên các báo Tiền phong, Thanh Niên cùng ông thị sát việc lâm tặc xâm lấn rừng thông và cách xử lý cán bộ xã Ea Nam – một xã mới ra đời trên nền đất rừng bị san ủi trái phép – câu kết với gian thương phá thông bán rừng.

Hàng loạt văn bản, chỉ thị ra đời nghiêm cấm xâm hại rừng dưới mọi hình thức, trong đó có rừng thông phòng hộ. Nhưng thông vẫn tiếp tục bị thủ tiêu để đất rừng hóa thành tiền, thành nhà, thành hàng quán, nương rẫy.

Dọc QL 14 bề sâu nhiều nơi hàng kilômét của rừng thông bị cạo mỏng dần, lắm chỗ chỉ còn lơ thơ như bức rèm trang điểm ven lộ. Ban Quản ký rừng phòng hộ QL 14 sau hàng chục trận bị lâm tặc càn quét đập phá văn phòng, hành hung nhân viên thành thương tật, có người bị cắt cả gân chân, thì… giơ tay xin hàng.

Ban Quản lý giải thể, gần 200 hecta rừng phòng hộ còn lại được tỉnh giao cho 2 huyện. Huyện phân công cho xã trông coi. Xã khoán cho mỗi hộ dân một vài hecta, với mức công bảo vệ chăm sóc 50.000đồng/năm/ha. Song lâm dân suốt mấy năm ròng không biết khoản tiền nhỏ nhoi đó đang mắc kẹt ở đâu.

Vì đâu nên nỗi?

Xã Pơng Drang huyện Krông Buk, nơi có hàng trăm hecta thông phòng hộ được trồng từ hơn hai mươi năm trước nay đã phát triển thành khu dân cư sầm uất nhộn nhịp.

Người sinh nhưng đất không nở. Vì vậy, người không ngưng tìm cách lấn chiếm đất của rừng. Sau khi nhận nhiệm vụ bảo vệ 46 hecta đất rừng và rừng thông còn lại huyện giao, xã luôn bị động trước những kế hoạch “ dẹp rừng” ngoài tầm tay do những ông chủ khác khởi xướng.

Thông dưới đường điện thì chủ điện cần chặt; Thông lọt vào tầm lộ giới 50 mét từ tim đường thì chủ đường san ủi; Thông rơi vào quy hoạch khu công nghiệp thì chủ khu công nghiệp được nhổ.

Và không ít gốc thông trưởng thành cũng sẽ bị bứng khỏi quy hoạch xây dựng khu Trung tâm văn hóa xã v.v…

Cứ thế, chẳng bao lâu diện tích thông teo lại còn chưa đầy 30 hecta. Ban Lâm nghiệp xã khoán hết cho 29 hộ dân trông coi. Dân bất đắc dĩ bảo vệ rừng kiểu “miễn phí” nên không khỏi sao nhãng.

Có lô thông côi cút bị thổ tặc đánh xe tới xúc đất chở đi phục vụ công trình xây dựng đến nỗi thông trơ rễ phơi gốc chơ vơ giữa trời từ năm này sang năm khác kỳ lạ chẳng khác nào … “vườn đại cảnh bon sai”.

Ủy ban xã ra văn bản tuyên bố bắt được kẻ nào cào đất rừng thông sẽ buộc nộp phạt 200.000đồng/ trường hợp, sau đó thổ tặc bớt lộng hành đôi chút.

Nhưng không hiểu sao nhà chức trách quên mất việc ra tay phục hồi nguyên trạng rừng thông, nên suốt mấy năm rồi nhân dân cán bộ, du khách qua lại đoạn quốc lộ này ai cũng kinh ngạc trước cảnh tượng bị hành hạ triền miên của những cây thông tội nghiệp.

Không có cách nào bảo vệ hữu hiệu rừng thông phòng hộ, những quan điểm mới nảy sinh: Trồng thông trên đất bazan là đại phí phạm. Giữ nguyên diện tích thông làm rừng phòng hộ lại càng vô lý.

Hơn nữa xét về hàng loạt tiêu chí phòng hộ thì rừng thông ở đây chưa đạt yêu cầu v.v… Sau khi xin ý kiến Bộ NN&PTNT, tháng 05/2007 UBND tỉnh Đắc Lắc đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích rừng thông phòng hộ còn lại thành rừng sản xuất.
Nghĩa là những vạt thông làm đẹp con đường sắp tới sẽ được cưa cắt để khai thác, sử dụng, trồng mới.

Đồng thời cái tên “Rừng thông phòng hộ quốc lộ 14” gắn liền với chương trình trồng và bảo vệ rừng kéo dài suốt 27 năm, tiêu tốn bao nhiêu mồ hôi nước mắt của hàng nghìn công nhân lâm nghiệp và không dưới vài chục tỉ đồng ngân sách đã chính thức bị xóa sổ mà không cần đến một cuộc thống kê, tổng kết, hay rút kinh nghiệm nào !

Mới đây, Thủ tướng ban hành Quyết định số 166 ngày 30/10/2007 về chính sách hỗ trợ đầu tư và hưởng lợi đối với dân chúng và các tổ chức tham gia dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên”, công bố mức hỗ trợ tùy phần việc bảo vệ hay trồng mới rừng phòng hộ tập trung dao động từ 7 USD đến 500 USD/ha/năm.

Hàng trăm hộ lâm dân từng nhận bảo vệ rừng phòng hộ QL14 trước đây không khỏi xuýt xoa tiếc vận may không kịp đến tay mình, và thắc mắc khoản tiền cán bộ nợ dân bảo vệ rừng 50.000đồng/ ha đến bao giờ mới được trả ?

Còn những cây thông trơ rễ bên đường quốc lộ đoạn qua xã Pơng Drang, liệu có mong sống tới ngày được ai đó thương tình vun lại gốc, để ít nhất cũng bớt đau lòng những người yêu rừng thường lại qua đây ?!