9 loài thực vật kỳ lạ và quý hiếm nhất thế giới

Thiên nhiên muôn màu muôn vẻ luôn ẩn chứa những điều kì lạ và dưới đây là 9 trong số các loài thực vật độc đáo nhất từng được phát hiện trên hành tinh chúng ta.

1. Hoa xác chết (Titan arum hay amorphophallus titanum) là một trong những loài hoa kỳ lạ nhất thế giới được tìm thấy tại vùng nhiệt đới ẩm ướt thuộc Khu bảo tồn Princess of Wales (Anh Quốc). Hoa titan arum khi nở có thể cao đến 3m. Tuy nhiên, loài hoa này có mùi hương rất hôi thối đến nỗi người ta đặt cho nó cái tên nghe rất đáng sợ – “hoa xác chết”. Titan arum chỉ phát triển ở những khu rừng mưa nhiệt đới trên đảo Sumatra, Indonesia. Nó được mô tả lần đầu tiên vào năm 1878 bởi nhà thực vật học người Ý Odoardo Beccari.

2. Hoa vua (Rafflesia arnoldii) được mệnh danh là bông hoa đơn to nhất thế giới, vì khi nở đường kính của nó rộng gần 1 m và có thể nặng đến 11 kg. Đây là loại cây tầm gửi chỉ xuất hiện ở những rừng nhiệt đới Sumatra và Borneo (Indonesia) và một số khu rừng già ở Đông Nam Á. Khi mới nở, hoa có màu cam nhạt và tỏa hương thơm, nhưng một thời gian sau, nó phát ra mùi thối nồng nặc như mùi thịt rữa thu hút ruồi nhặng, chuột bọ đến ăn dịch hoa và giúp phân tán hạt hoa đực sang hoa cái.

 
Hoa vua

3. Cây chân bê (Dracunculus vulgaris) còn gọi là Arum rồng, xuất xứ từ vùng Balkans, Địa Trung Hải, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc điểm nổi bật của cây là chỉ có một bông hoa màu tím mọc thẳng lên từ thân, bao quanh là những lá xanh sọc trắng. Ở giữa chiếc mo lớn là một bông mo màu đen. Cây có thể sinh trưởng tại những vùng đất ẩm ướt và đầy nắng.

 
Cây chân bê

4. Cây nắp ấm (Nepenthes tenax) là loài cây ăn thịt. Khi “săn” mồi, chúng tiết ra chất có vị ngọt và mùi thơm để thu hút con mồi. Các chất nhầy nằm ở cuối thân hoa sẽ phân hủy xác con mồi, biến chúng thành dưỡng chất nuôi cây.

 
Cây nắp ấm

5. Cây bắt ruồi (Venus Flytrap hay Dionaea muscipula) cũng là loại cây ăn thịt (chủ yếu là côn trùng và nhện) sống trong môi trường hiếm khí nitơ, như đầm lầy. Cấu trúc tạo thành cái bẫy của nó là hai chiếc lá (ngang 3-7 cm) có những răng lược tua tủa. Khi côn trùng bay gần, hai lá sẽ nhanh chóng đóng chặt lại rồi tiêu hóa chúng. Nếu con mồi quá nhỏ và bay thoát ra ngoài, cái bẫy sẽ lại mở ra trong vòng 12 giờ. Cây bắt ruồi mọc nhiều ở vùng Carolina (Mỹ).

 
Cây bắt ruồi

6. Cây gọng vó (Cape sundew hay Drosera capensis) có nguồn gốc từ Nam Phi và là một trong những loài cây ăn thịt phổ biến trên thế giới. Những chiếc lá của nó, dài 15 cm và rộng 1 cm, được bao phủ bởi những lông tuyến màu sắc rực rỡ có chứa chất nhầy giúp tóm lấy con mồi và từ từ phân hủy chúng. Loài cây này tự thụ phấn bằng cách co cuống hoa và tạo ra hàng loạt hạt giống nhỏ li ti.

 
Cây gọng vó

7. Cây hoa dơi (Tacca chantrieri) còn gọi là Râu hùm hay Mèo đen thường sinh trưởng ở những vùng nhiệt đới, như Đông Nam Á. Khi trưởng thành, cây cao khoảng 60 cm và mọc ra những bông hoa kèm theo các sợi dây nhỏ dài chừng 30 cm. Khi mới nở, hoa có màu trắng nhưng khi lớn, cánh hoa từ từ chuyển sang màu đen.

 
Cây hoa dơi

8. Cây đa bóp cổ (Strangler Fig) – loài cây nhiệt đới này có cách phát triển rất khác thường. Từ một hốc cây, hạt của chúng nảy mầm thành cây non, chúng dần thả bộ rễ xuống bao phủ thân cây chủ, trong khi ngọn không ngừng vươn lên cao để đón ánh sáng, che khuất ngọn cây chủ. Cây chủ bị cạnh tranh dinh dưỡng, đồng thời bị siết chặt và ngăn chặn ánh sáng nên yếu và chết dần. Tuy nhiên, những cái chết này đến rất từ từ, có thể kéo dai hàng chục hoặc cả trăm năm.

 
Cây sung sống bám

9.Cây cải âm (Lunaria annua) cao khoảng 1 m và thường sống ở những vùng khí hậu ôn hòa, như châu Âu. Điểm đặc trưng của loài cây này là những quả chứa hạt trong suốt. Cây được trồng chủ yếu để trang trí sân vườn vì hoa có màu tím rất đẹp và thơm, thường nở rộ từ mùa xuân đến đầu mùa hè. Tại Đông Nam Á, chúng được gọi là cây đồng tiền do quả có hình giống đồng xu.

 
Cây cải âm