Phẩm màu gây ô nhiễm làng lụa Vạn Phúc

Chưa hết nỗi lo các cơ sở nhuộm vải thủ công ở Ninh Hiệp (Hà Nội) dùng phẩm màu, hoá chất không rõ nguồn gốc nhuộm vải, nay lại thêm phát hiện làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) cũng dùng phẩm màu nhuộm vải gây ô nhiễm môi trường.

3h chiều ngày 22/05, có mặt tại cơ sở nhuộm lụa Hải Đăng. Theo phản ánh của người dân Vạn Phúc, gia đình ông Đăng mỗi ngày nhuộm cả trăm mét vải bằng phẩm màu. Lúc này tại sân nhà ông Đăng có 2 lò than đã rực hồng, bên trên hai thùng nước sôi ùng ục.

Quanh đó, phẩm màu vàng, đỏ, nâu xanh… vương vãi khắp nơi. Phía ngoài vườn, bà Hà vợ ông Đăng đang oằn mình căng từng mét lụa để phơi. Đưa tay kéo miếng vải lớn màu nâu mà hai công nhân vừa khuân ra vườn lên mũi ngửi. Một mùi nồng nặc sộc thẳng vào mũi.

Theo chân một nam công nhân bước vào bếp. Tại đây, các loại phẩm màu, hoá chất vứt la liệt dưới nền nhà. Anh công nhân xúc 1 thìa nhỏ phẩm màu hồng, 1 thìa phẩm màu nâu, 1 thìa phẩm màu vàng cho vào chiếc ca đỏ. Cả mớ phẩm tổng hợp này được đưa vào nồi nước sôi dùng sục rồi từ từ thả vải lụa xuống nồi. Sau 3 phút thấy màu không đạt, anh này lại vào bếp xúc thêm 2 thìa phẩm nữa pha vào nước nóng.

“Làm lâu chưa mà mỗi lúc anh lại phải cho thêm phẩm màu vào thùng vậy”? “Làm theo cảm tính thôi, thấy màu trên vải lụa chưa được đạt thì cho thêm. Hơn nữa nguyên liệu phẩm này dễ mua lại rẻ nên ông chủ không hạn chế, miễn là mình làm tốt”. Khi hỏi về nguồn gốc của những túi phẩm màu, ông Đăng không giấu giếm, cho biết là đều mua từ phố Ngõ Gạch, Hà Nội.

Nước thải từ các cơ sở nhuộm như nhà ông Đăng xả thẳng xuống con mương chạy quanh làng lụa Vạn Phúc. Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy những tạp chất hoà vào nước chảy. Có đoạn cây cối chết sạch, chỉ còn những đám bèo trụ lại.

Bà Nguyễn Thị Lý ở khối Hồng Phong, phường Vạn Phúc cho hay: “Hàng chục năm nay, người dân vẫn đánh bắt những con cá cọ bể về để phục vụ cho những bể cá. Ở mương này có nhiều cá cọ bể nhưng không hiểu vì lý do gì mà vào đầu tháng 01/2008 hàng nghìn con cá cọ bể nhao hết vào hai bên mương chết hàng loạt.”’

Theo thống kê của Trạm y thế phường Vạn Phúc trong khoảng chục năm trở lại đây, người dân Vạn Phúc chủ yếu mắc các chứng bệnh về phế quản. Tỷ lệ người bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, điếc ngày càng tăng. Số ca chết do ung thư chiếm 60% số ca tử vong.

Chị Nguyễn Thị Hoà, trạm y tế phường Vạn Phúc, TP Hà Đông cho biết, người chết vì ung thư ở làng đều rất trẻ

Theo kết quả xét nghiệm các mẫu nước gần đây nhất của khoa Hoá, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, phần lớn những phẩm màu, hoá chất có các thành phần như N2CO3, H2O, CH3COOH, H2S, được các chủ hộ gia đình sau khi nhuộm xong vô tư xả xuống rãnh của làng.

Người dân ở đây còn sử dụng thuốc nhuộm axit, thuốc nhuộm lưu huỳnh (đá, Na2S) lâu ngày, nước thải ngấm dần xuống mạch nước ngầm gây tanh, hôi. Hiện nay, số người mắc bệnh về đường hô hấp chiếm từ 15 – 30%, người mắc các chứng bệnh về mắt chiếm 30% và một số bệnh như viêm mũi, viêm xoang.

Không biết có phải vì bị ô nhiễm nguồn nước từ hoá chất hay không nhưng tỉ lệ người chết do ung thư khá cao. Trong năm năm trở lại đây bình quân mỗi năm có từ 4 – 5 người chết do mắc phải chứng bệnh ung thư. Phần lớn người chết tuổi trung bình từ 32 – 40 tuổi, chiếm 60% số ca tử vong của Vạn Phúc

Ông Nguyễn Văn Thuỷ, chủ tịch UBND phường Vạn Phúc nói: “1m lụa thải 20g tạp chất. Vạn phúc có 12 tổ dân phố. Phần lớn những người hành nghề nhuộm vải lụa đều làm thủ công (chiếm 50%). Theo ước tính cứ 1m lụa có trọng lượng 80g sẽ thải ra nguồn nước 20g tạp chất. .Đã 10 năm nay có nhiều ý kiến khác nhau về quy hoạch làng nghề và giải pháp chống ô nhiễm nhưng đến nay vẫn chưa đi tới đâu cả. Người dân vẫn vô tư xả nước thải có phẩm màu hoá chất xuống con mương quanh làng”.