Dân nuôi cá bè lao đao vì nguồn nước ô nhiễm

Hàng chục hộ dân nuôi cá bè trên sông La Ngà (Đồng Nai) đang sống dở chết dở bởi cá chết hàng loạt do nguồn nước sông ô nhiễm. Hơn hai tháng nay, 34 hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà, ngụ tại ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai chạy đôn chạy đáo cầu cứu các cấp thẩm quyền vì hàng chục bè cá diêu hồng của họ đang nuôi bị chết đột ngột.

Sự việc bắt đầu vào chiều tối 05/03/2008, khi cống xả nước thải chung của Công ty men thực phẩm Mauri La Ngà và Công ty
cổ phần mía đường La Ngà nằm ở phía bên kia sông ồ ạt thải ra lượng lớn nước đen ngòm, hôi nồng và hắc.

Lúc này, sông La Ngà nước kiệt, khu vực xả nước thải chung của hai công ty này là vùng trũng nên lượng bè tập trung khá dày đặc. Phần lớn là cá diêu hồng đang độ tuổi thu hoạch cứ lao lên mặt nước rồi phơi bụng chết chỉ trong khoảnh khắc.

Trong cơn hoảng loạn, các hộ dân vội bứt dây neo tìm cách đẩy các bè cá ngược lên thượng nguồn hoặc xuống vùng hạ lưu sông La Ngà để cứu cá nhưng chỉ là công cốc.

Chính quyền xã Phú Ngọc cũng tham gia cùng dân cứu cá nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Cá chết trắng các bè nuôi, lớp bán tháo bán đổ, lớp ươn sình cho nhà vườn làm phân. Một vùng tanh rình mùi cá lẫn nước thối.

Theo thống kê của các hộ dân và chính quyền địa phương, có hơn 230 tấn cá diêu hồng của các hộ dân chết chỉ trong chưa đầy một đêm.

Chưa hết, đêm 01/04 và rạng sáng 02/04/2008 lại thêm một đợt xả nước thải từ cống chung của hai công ty nói trên đổ ra sông La Ngà khiến hơn 80 tấn cá diêu hồng còn sót lại của các hộ dân này chết sạch.

Được biết, hầu hết các hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà đều thế chấp nhà cửa của mình hoặc của người thân cho ngân hàng để vay vốn đầu tư cá giống, lưới vây, phao. Phần thức ăn thì do các đại lý cám bao nợ, đến vụ thu hoạch mới trả.

Như hộ nhà anh Nguyễn Ngọc Tám, cá chết 45 tấn, nợ cả ngân hàng lẫn đại lý cám hơn 1 tỉ đồng. Hộ ông Trần Văn Tèo chết 70 tấn cá, gánh số nợ hơn 1,3 tỉ đồng. Hộ anh Cao Văn Thái thiệt hại 21 tấn cá, nợ gần 500 triệu đồng…

Chiều 20/05/2008, ông Lê Văn Tân – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà – cho rằng: “Cần phân định nguồn nước thải ô nhiễm gây chết cá vì hai công ty dùng chung một cống xả.

Đợt xả nước thải ngày 05/03/2008, do đang ở vào giai đoạn cuối của vụ mía nên công ty chúng tôi chỉ hoạt động 87% công suất ép mía, và các chỉ tiêu xả nước thải ra môi trường trong tháng 03/2008 gần đạt chỉ tiêu quy định nên không thể gây chết cá của các hộ dân được.

Còn đợt xả nước thải vào đêm 1 rạng sáng ngày 02/04/2008 thì công ty đã ngừng hoạt động vì hết vụ mía do vậy nước thải không phải của Công ty cổ phần mía đường La Ngà”.

Theo Báo cáo số 141 ngày 23/04/2008 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, kết quả phân tích 6 mẫu nước ở khu vực cá chết cho thấy hàm lượng ô-xy hòa tan trong nước giảm sút, đặc biệt, các vị trí càng xa cống xả của Công ty mía đường La Ngà và Công ty men thực phẩm Mauri La Ngà thì mức độ ô nhiễm càng giảm.

Mặc dù sự việc xảy ra đã hơn 2 tháng nay, gây thiệt hại nghiêm trọng khiến các hộ dân nuôi cá bè ở thôn 1, xã Phú Ngọc lâm vào cảnh lao đao, nhưng các cấp chính quyền ở tỉnh Đồng Nai vẫn còn loay hoay với các văn bản chỉ đạo từ tỉnh về huyện, rồi xuống xã nhưng tất cả chỉ nằm trên giấy. Người dân đang đối mặt với nợ nần, họ cần được bồi thường thỏa đáng để trả nợ và tiếp tục mưu sinh, đó là yêu cầu chính đáng nhưng thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Cũng phải nói thêm, đây không phải là lần đầu nguồn nước thải từ cống chung của hai công ty này gây chết cá của người dân nuôi cá bè ở khu vực này.