Yok Đôn, máu rừng vẫn chảy

Nếu các “ông trùm” đứng trong bóng tối giật dây phá rừng và cả những cán bộ biến chất, thông đồng với lâm tặc không bị vạch mặt và xử lý một cách triệt để thì vườn Quốc gia Yoc Đôn vẫn tiếp tục suy kiệt.Nạn khai thác gỗ trái phép tại Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) đã âm ỉ từ lâu nhưng không được dập tắt, nay bùng lên một cách dữ dội.

Gần đây giá gỗ nhóm 1 trên thị trường tăng một cách chóng mặt. Một cây gỗ cẩm lai bị đốn hạ, đưa được trót lọt ra khỏi rừng là các “đầu nậu” sẵn sàng mua với giá hàng chục triệu đồng; một mét khối gỗ hương cũng đã có giá xấp xỉ 10 triệu đồng.

Tiền làm cho bọn lâm tặc liều lĩnh và táo tợn hơn. Tiền cũng làm loá mắt một số phần tử hưởng lương Nhà nước với nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, nhưng lại tìm mọi cách để xâu xé rừng.

Máu rừng vẫn chảy

Vườn Quốc gia Yok Đôn rộng 115.000 ha, nằm trên địa bàn hai tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông, là vườn quốc gia lớn nhất của nước ta. Ở đây có hệ sinh thái động thực vật phong phú, đa dạng. Trong đó nhiều loài đã xếp vào sách đỏ của thế giới.

Nhìn vẻ ngoài, Vườn Quốc gia Yok Đôn được quản lý, bảo vệ rất nghiêm ngặt, lực lượng kiểm lâm của Vườn lên tới 120 người, chưa kể 45 cán bộ- nhân viên trong các bộ phận khác. Với đội ngũ này, tưởng như một người dân vào rừng lấy mật ong, hái măng tre, hay đánh bắt cá cũng khó lọt qua tầm kiểm soát. Vậy mà chính nơi đây, từng ngày, từng giờ rừng đang bị xà xẻo, móc ruột một cách trắng trợn.

Vườn Quốc gia Yok Đôn từng là kho gỗ quý lớn bậc nhất Tây Nguyên, với hàng vạn cây trắc, cẩm lai, giáng hương cổ thụ, qua nhiều năm âm ỉ chảy máu, đến nay, ngay cả gốc rễ những loại cây này cũng đã vơi dần. Một lâm tặc đã từng “ăn sống, uống chết” một thời với những cây gỗ quý trong vườn, nói rằng: “Nay vào Vườn mà tìm được cây trắc còn tươi là hiếm lắm. Chỉ còn gốc thôi. Mà gốc cũng bị đào. Gặp được gốc trắc để đào cũng mừng lắm rồi! Cứ kiếm được một gốc cây trắc là bỏ túi không dưới 3 triệu đồng. Trước đây nạn phá rừng lấy gỗ chủ yếu diễn ra ở vùng đệm, thì nay ở vùng lõi của rừng cũng đã bị xâm hại”.

Tại sân trụ sở Hạt kiểm lâm của Vườn quốc gia Yok Đôn là ngổn ngang những cây gỗ hương, có cây còn tươi, đường kính lên đến gần một mét! Ông Nguyễn Còn, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết: “Số gỗ này là tang vật mà Hạt vừa thu trong các vụ phá rừng gần đây. Ngày nào anh em cũng có bắt, phát hiện. Trạm nào cũng có. Người dân vô rừng rồi thỉnh thoảng cắt một cục gỗ. Dân trước làm bằng thủ công, sau này thì ào ạt làm bằng cưa xăng. Làm một vài tấc gỗ rồi chuyển đi. Khi gặp mình thì bỏ cả xe mà chạy. Mùa mưa thì nó chuyển đường sông; có trường hợp nó gùi quanh đường núi. Anh em bắt xe đạp, trạm nào bây giờ cũng thu không dưới 100 chiếc xe.”

Ai là thủ phạm?

Ông Ngô Tiến Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết: “Từ cuối quí IV năm 2007 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 243 vụ khai thác khai thác gỗ trong vùng lõi của Vườn. Tuy vậy, chỉ có 1 vụ bị xử lý hình sự, liên quan đến vụ án duy nhất này lại có một cán bộ kiểm lâm của Vườn quốc gia Yok đôn (đã bị buộc thôi việc)”.

Cũng theo ông Ngô Tiến Dũng, bà con người dân tộc thiểu số sống trong vùng đệm và vùng lõi của vườn là thủ phạm chủ yếu tham gia khai thác gỗ trái phép!. “Vấn đề quản lý người và phương tiện ra vào rừng phải nói là cực kỳ khó. Lực lượng kiểm lâm đi tuần, bắt gặp thì người ta nói là đi tìm trâu nhưng đến chiều quay về thì đằng sau đó có thể là một cây gỗ đã bị đốn ngã. Mặc dầu cũng đã có những quy chế phối kết hợp với chính quyền của thôn, buôn và cũng có cam kết của cộng đồng dân cư sống trong vườn, nhưng những quy chế và cam kết đó đến bây giờ thì không còn hiệu quả. Đặc biệt là sự phối hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành mà không nhịp nhàng thì lực lượng kiểm lâm của Vườn không tài nào giữ được tài nguyên”- Ông Dũng nói.

Hiện tại trong vùng lõi của Vườn quốc gia Yok Đôn còn Buôn Đrăng Phốc là nơi cư trú của 80 hộ đồng bào dân tộc Mơ Nông. Trước đây, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào khai thác sản phẩm của rừng như săn bắt thú, khai thác mật ong, song mây, măng tre… Hiện nay bà con đã từng bước định canh định cư, làm lúa ruộng nước, chăn nuôi trâu bò và nhận rừng để quản lý, bảo vệ. Tuy vậy, theo Ban quản lý vườn quốc gia Yook Đôn, đây cũng là một điểm nóng về phá rừng.

Ông Ngô Tiến Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết, có đến 60 gia đình trong buôn có cưa xăng, một phương tiện khai thác gỗ rất hiệu quả. Nhưng trái với nhận định của ông Dũng, ông Y Rim, Bí thư Chi bộ buôn Đrăng Phốc khẳng định: Cả buôn chỉ có một, hai gia đình có cưa xăng thôi. Và những người có cưa xăng cũng không đi khai thác gỗ. Họ chỉ sử dụng vào việc cắt củi! “Dân Đrăng Phốc thì chỉ hái lượm ở trong rừng chứ ít khi mà chặt gỗ phá rừng lắm. Nhưng mà dân ở ngoài kia là nhiều, việc phá rừng là do dân bên ngoài. Có một số dân ở đây theo dân ngoài kia là đi thôi. Dân ở đây không tự làm, mà do một số người đến lôi kéo đi”.

Ông Võ Văn Tâm, Chỉ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho rằng: Bà con buôn Đrăng Phốc ở giữa vùng lõi của Vườn. Chỉ có một con đường duy nhất vào buôn, con đường này phải qua hạt, qua trạm kiểm lâm của Vườn. Họ dùng cưa xăng làm gì? Có khai thác gỗ đi nữa thì bán cho ai, nếu như Vườn quản lý chặt chẽ?

Lực lượng mỏng hay xử lý chưa nghiêm?

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng gỗ quý bị khai thác trộm mà từ lãnh đạo Vườn đến hạt kiểm lâm đều đưa ra là: Vườn quá rộng mà lực lượng kiểm lâm lại quá mỏng! Lý do này cũng không mấy thuyết phục bởi vụ khai thác gỗ hương gần đây tại khu 441, là địa điểm rất gần trạm kiểm lâm số 4 của Vườn. Cả hàng chục cây gỗ bị lâm tặc dùng cưa máy đốn hạ và mang đi những súc gỗ đẹp nhất, nhưng không một tên nào bị bắt. Khi vụ này xảy ra, lãnh đạo vườn quốc gia Yok Đôn và hạt kiểm lâm của đơn vị này không báo cáo lên cấp trên mà chỉ “âm thầm” giải quyết hậu quả bằng cách thu gom số gỗ còn lại. Và, số gỗ hương mà Vườn gọi là thu gom này đã lên đến trên 40 mét khối!

Cách đây không lâu, nhà báo Hoàng Dưỡng ở Đài truyền thanh huyện Buôn Đôn đã bị lâm tặc thuê côn đồ hành hung trọng thương, chỉ vì nhà báo này viết tin, bài vạch mặt nạn khai thác, vận chuyển gỗ lậu trên địa bàn. Ngày 23/4 vừa qua, Nguyễn Văn Huy (biệt danh Hưu) sinh năm 1966 thường trú tại buôn Ki, phường thành Nhất thành phố Buôn Ma Thuột, kẻ chủ mưu thuê côn đồ hành hung nhà báo Hoàng Dưỡng đã bị công an thành phố bắt giữ. Dư luận cho rằng, đây cũng chỉ là một con tốt nhỏ sa lưới pháp luật. Còn những đường dây “bự”, chuyên khai thác, vận chuyển gỗ lậu từ vùng lõi của Vườn về thành phố Buôn Ma Thuột thì vẫn bình yên vô sự!

Trước thực trạng vườn quốc gia Yok Đôn tiếp tục bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng hơn, ông Võ Văn Tâm Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho rằng: “Sự quản lý của Vườn còn lỏng lẻo. Phải nói rằng sự kiểm tra kiểm soát của lực lượng kiểm lâm, đặc biệt của Vườn thì còn yếu, mỏng. Sự kiểm tra của Vườn còn thiếu sót nhất định. Chúng tôi sẽ khởi tố vụ án, điều tra bị can. Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo làm chứ không phải buông lỏng vấn đề này.”

Liệu sự vào cuộc được cho là quyết liệt của cơ quan chức năng lần này có ngăn được nạn chảy máu của Vườn Quốc gia Yok Đôn hay không? Khi mà những đường dây phá rừng ở Yok Đôn, sau nhiều năm hoạt động, giờ đã trở nên rất tinh vi và lắm thủ đoạn táo tợn. Nếu các “ông trùm” đứng trong bóng tối giật giây phá rừng và cả những cán bộ biến chất, thông đồng với lâm tặc không bị vạch mặt và xử lý một cách triệt để thì Vườn Quốc gia Yok Đôn vẫn tiếp tục suy kiệt.