Công nghệ cao Việt Nam: Sắp có đà “cất cánh”

Công nghệ cao (CNC) được xác định là “con bài” quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, dự kiến trong năm nay, Luật CNC sẽ được Quốc hội thông qua. Đây sẽ là mốc quan trọng cho CNC Việt Nam đi lên.

Để các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư và người dân có thêm thông tin về lĩnh vực Công nghệ cao (CNC) khi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang xây dựng dự thảo luật CNC, ngày 29/04, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC sẽ tổ chức bàn tròn trực tuyến Công nghệ cao Việt Nam: Sắp có đà “cất cánh”.

Khách mời tham gia bàn tròn trực tuyến gồm: Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Quốc hội – đơn vị thẩm tra dự thảo luật CNC; ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ KH&CN – đơn vị chủ trì soạn thảo dự luật CNC; ông Lê Trần Bình, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học.

Tham dự bàn tròn còn có giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp – khu CNC Hòa Lạc; công ty luật Russin Vecchi, đơn vị tư vấn Dự án lắp ráp và thử nghiệm chip của V-CAPS (Hoa Kỳ) đầu tư vào Việt Nam,…

“Nhận diện” đối tượng CNC được ưu tiên phát triển

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 25/QĐ-TTg triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008, chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ KH&CN chủ trì, thành lập Ban soạn thảo xây dựng Dự án Luật Công nghệ cao với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, các nhà khoa học và quản lý.

Bộ KH&CN đã lấy ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các ban ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực CNC. Hiện, Dự thảo Luật CNC vẫn tiếp tục được hoàn thiện, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay.

CNC là công nghệ được tích hợp từ các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, có khả năng tạo ra sự gia tăng đột biến về năng suất lao động, tính năng, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa, hình thành các ngành sản xuất, dịch vụ mới có hiệu quả kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh.

Đến nay, trên thế giới đã cơ bản thống nhất các lĩnh vực công nghệ cao được nghiên cứu phát triển trong thế kỷ 21, đó là: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới, công nghệ hàng không vũ trụ và công nghệ hải dương. Còn tại Việt Nam, sẽ chọn đối tượng CNC nào để ưu tiên phát triển vẫn còn là câu hỏi ngỏ.

Ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ KH&CN trăn trở: “Làm sao để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực CNC từ đó nâng cao năng lực CNC của Việt Nam”.

Trong các cuộc họp lấy ý kiến, nhiều chuyên gia đã góp ý cần “nhận diện” rõ đối tượng CNC nào sẽ được tập trung ưu tiên phát triển. Ông Phan Xuân Dũng, Uỷ ban KHCN & MT Quốc hội góp ý: “Cần chọn lõi, chọn tinh để tập trung nguồn lực”. Ông Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội bổ sung: “Đây là con bài của các quốc gia trong cạnh tranh”. Chính vì vậy, ngoài việc xác định lĩnh vực ưu tiên, cũng cần vạch ra lộ trình phát triển.

Phát triển CNC trong nước và thu hút đầu tư của nước ngoài

Đầu tư phát triển các ngành CNC là hướng đi mà hầu hết các nước trên thế giới đều theo nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong nước, duy trì và củng cố vị thế vững chắc của mình trên thị trường thương mại quốc tế.

Cũng theo ông Đào Trọng Thi, trong giai đoạn đầu, Việt Nam nên tiếp nhận công nghệ quốc tế để ứng dụng. Sau khi đã chuẩn bị đủ nguồn công nghệ lẫn đào tạo được chuyên gia CNC, lúc đó mới có thể nghĩ đến chuyện nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm CNC của riêng VN để “ganh đua cùng thế giới”.

Như vậy, muốn CNC phát triển cần tập trung sức lực để phát triển, nên cần thiết cho ra đời Luật CNC là cơ sở pháp lý đủ mạnh và vững chắc để CNC Việt Nam “cất cánh”.

Tuy nhiên, khi tiến hành xây dựng dự thảo Luật CNC, Ban soạn thảo không khỏi băn khoăn, làm sao để tạo điều kiện thuận lợi cho CNC Việt Nam phát triển đồng thời thu hút đầu tư của doanh nghiệp CNC nước ngoài và Việt Nam sẽ có được lợi ích gì khi họ đầu tư vào Việt Nam?