Xử lý gấu không gắn chíp ở Quảng Ninh: Vì sao Bộ NN&PTNT tự mâu thuẫn với chính mình?

Theo Tổ chức động vật châu Á (12-14 Tràng Thi, Hà Nội), tháng 09/2007, Cục kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) đã kiểm tra và phát hiện 6 trang trại ở tỉnh Quảng Ninh nuôi nhốt trái phép 80 cá thể gấu không gắn chíp. Theo các quy định hiện hành, thì các cá thể gấu này phải bị tịch thu… Tuy nhiên, không hiểu sao Bộ NN&PTNT lại đề xuất phương án tiếp tục cho các hộ nuôi nhốt?

Số phận của 80 cá thể gấu nuôi nhốt trái phép ở Quảng Ninh

Ra chính sách theo kiểu… “tiền hậu bất nhất”

Tại Công văn số 568/BNN-KL (ngày 10/03/2008 của Bộ NN&PTNT về việc xin chủ trương giải quyết những trường hợp mua, nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trái phép), Bộ NN&PTNT đề xuất phương án xử lý các cá thể gấu nuôi trái phép không gắn chíp điện tử tại Quảng Ninh theo hướng: “Chỉ nên áp dụng biện pháp xử lý hành chính người nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trái phép (không xử lý hình sự)… Sau khi xử phạt người có hành vi vi phạm hành chính, giao cho chính quyền địa phương hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân được tiếp tục nuôi những cá thể gấu hiện có, nếu đảm bảo về điều kiện nuôi quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/08/2006 của Chính phủ”.

Với phương án xử lý trên, theo Tổ chức động vật châu Á là không đúng với các quy định mà chính Bộ NN&PTNT đã ban hành trước đây (vẫn còn hiệu lực) về quản lý gấu nuôi nhốt. Đơn cử như tại Quyết định số 47/2006/QĐ-BNN, ngày 6/6/2006 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc ban hành Quy chế quản lý gấu nuôi quy định: Chỉ những cá thể gấu đã lập hồ sơ quản lý, gắn chíp điện tử theo quy định tại Quyết định số 02/2005/QĐ-BNN ngày 05/01/2005 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc ban hành quy định về quản lý gấu nuôi mới được phép tiếp tục nuôi… Mọi cá thể gấu nuôi trái với quy chế trên đều bị tịch thu. Chủ nuôi cá thể gấu đó phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định hiện hành của pháp luật…

Điều dư luận lo ngại là tại phương án xử lý trên, Bộ NN&PTNT không làm rõ nếu các hộ đảm bảo về điều kiện nuôi quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP của Chính phủ, thì được phép nuôi nhốt vào mục đích gì? Một khi “khoảng trống pháp lý” này tồn tại, thì điều gần như ai cũng hiểu là các hộ tiếp tục nuôi gấu nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời, chứ khó có chuyện họ nuôi với mục đích… bảo tồn loài gấu. Trong khi từ lâu Bộ NN&PTNT luôn nỗ lực “cứu” loài gấu, thì với phương án xử lý 80 cá thể gấu nuối trái phép tại Quảng Ninh nêu trên, dường như Bộ NN&PTNT đang tự… “phá” mình. Không hiểu vì sao Bộ NN&PTNT lại “tiền hậu bất nhất” trong việc đưa ra chính sách cứu hộ gấu, một loài động vật hoang dã quý hiếm luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm bảo tồn?

Tạo tiền lệ xấu

Nếu vì lý do không có trung tâm cứu hộ để tiếp nhận 80 cá thể gấu trên về nuôi dưỡng, nên mới tiếp tục giao cho các hộ nuôi dưỡng, thì có lẽ Bộ NN&PTNT đã “quên” Trạm cách ly, cứu hộ gấu Tam Đảo vừa được xây dựng. Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội các ngành Sinh vật học VN: “Trạm này rộng 1.300m2, có thể tiếp nhận được 100-200 con gấu. Đây là trạm cứu hộ gấu đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, với trang thiết bị hiện đại, do các tình nguyện viên quốc tế, cùng cán bộ kỹ thuật Việt Nam trực tiếp chăm sóc, cứu chữa. Nguồn tài chính để xây dựng trạm này là của Quỹ động vật châu Á, một tổ chức phi chính phủ tài trợ. Nếu các trường hợp nuôi gấu trái phép tương tự như 80 cá thể gấu tại Quảng Ninh bị phát hiện, xử lý theo kiểu giao cho các hộ tiếp tục nuôi, thì có lẽ Trạm cách ly, cứu hộ gấu Tam Đảo không cần phải xây dựng!…”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Anh – Trưởng phòng bảo vệ Động vật hoang dã (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên): “Việc hợp pháp hóa số gấu bất hợp pháp không những trái với các quy định của Bộ NN&PTNT, mà nguy hiểm hơn là khiến các chủ nuôi gấu không sợ bị pháp luật trừng phạt và tiếp tục săn bắt, buôn bán gấu, cũng như các loài động vật hoang dã khác bất hợp pháp. Nếu họ chẳng may bị cơ quan chức năng pháp hiện, thì cũng chỉ phải làm thủ tục đăng ký là xong…”.

Cùng quan điểm này, đại diện Tổ chức động vật châu Á cho rằng, việc không xử lý nghiêm theo pháp luật mà tổ chức đăng ký cho các chủ trang trại trên được tiếp tục nuôi gấu rất có thể tạo ra một tiền lệ xấu trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã của Việt Nam.

Việc làm trên đã vi phạm Công ước Quốc tế CITES (Công ước về buôn bán quốc tế những loài động thực vật có nguy cơ bị đe dọa) mà Việt Nam đã ký kết năm 1994. Nếu 80 cá thể gấu này không được tịch thu, chắc chắn sẽ có rất nhiều cá thế gấu mới tiếp tục bị buôn bán vào các trang trại.

Trích Công văn số 478/TTg-NN ngày 31/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ V/v xử lý nuôi nhốt trái phép đối với động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm:

Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (công văn số 3091/BNN-KL ngày 9 tháng 11 năm 2007 và số 568/BNN-KL ngày 10 tháng 3 năm 2008) và ý kiến các cơ quan liên quan về việc xử lý nuôi nhốt trái phép đối với động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
1. Đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 568/BNN-KL ngày 10 tháng 3 năm 2008 nêu trên.
2. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan hướng dẫn cụ thể và kiểm tra các địa phương triển khai xử lý nghiêm khắc các trường hợp săn bắt, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.