Báo chí vô tình cổ súy buôn bán ĐVHD

Trong bối cảnh các thông tin liên quan đến buôn bán ĐVHD còn bát nháo trên các mạng xã hội, vai trò của báo chí trong truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐVHD, lên án các hành vi trái pháp luật trong săn bắt, vận chuyển và buôn bán các sản phẩm ĐVHD là vô cùng quan trọng.

Báo chí lạc lối khi đưa tin về động vật hoang dã

“”Hai con cá lăng được nhập về có một con nặng tới 192kg, con còn lại nặng tới 105kg”, chủ nhà hàng nói. Được biết, mỗi kg cá lăng được nhà hàng bán với giá 920.000 đồng. Tổng giá trị của cặp cá lăng nặng 300kg có giá trị lên tới gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi cặp cá lăng về tới Hà Nội, rất nhiều khách hàng đã đặt trước và không còn đủ để phục vụ thượng khách.” (VTC, 2017). Đây là một đoạn trong bản tin về cá khổng lồ, bắt được từ Biển Hồ, Campuchia và được người giàu có ở Hà Nội sẵn sàng bỏ tiền mua cho bữa tiệc của mình. Bản tin do VTC News thực hiện sau đó được Vietnamnet, Dân Trí, Soha và nhiều báo khác dẫn lại. Tuy nhiên, điều mà nhà báo và độc giả có thể không biết là cá lăng (Hemibagrus elongatus) nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và những con cá này giờ đây đã trở nên cực hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng trên dòng sông Mê Công. Chúng đã biến mất gần như hoàn toàn ở An Giang và chỉ còn thỉnh thoảng đánh bắt được ở Biển Hồ.

Trong một trường hợp tương tự, Zing và một số tờ báo khác đã mô tả việc một nhà hàng ở An Giang mua được cá tra dầu 230kg để phục vụ thực khách như một “chiến công” (Zing, 2016). Trong khi đó, con cá tra dầu (Pangasianodon gigas) mà tờ báo mô tả cũng nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam và theo phân loại của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) nó được xếp ở cấp cực kỳ nguy cấp (CR – Crititcally Endangered). Cũng theo Sách Đỏ IUCN thì số lượng cá tra dầu đã giảm khoảng 80% chỉ trong 21 năm kể từ 1990. Điều đáng nói là, không vì quý hiếm hay có nguy cơ tuyệt chủng mà loại cá này thoát được khỏi sự săn tìm háo hức trên dòng sông Mê Công, và cũng chẳng vì sự quý hiếm hay sắp tuyệt chủng mà báo chí ngưng xôn xao viết về cách… làm thịt nó.

Ở một hình thức khác, nhiều năm trước, khi các ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam cầm trên tay chiếc ví làm từ da động vật, mặc chiếc áo làm từ lông thú đắt tiền và chụp ảnh trước sự ngưỡng mộ của báo giới, đó là khi nhận thức của khán giả bị bóp méo. Dường như, báo chí đã tạo nên ấn tượng rằng cần phải có chiếc áo lông thú mới trở thành phụ nữ đẳng cấp. Một hành động có vẻ vô hại bị phóng chiếu bởi thái độ của báo giới có thể khiến những hành vi nguy hiểm được chấp nhận và phổ biến ở quy mô xã hội.

Nghiêm trọng hơn, khi báo chí ỡm ờ mô tả những điều hư hư thực thực theo dạng tin đồn về sừng tê giác có khả năng chữa được ung thư, nhận thức của công chúng chắc chắn đã bị tác động. Bài viết trên báo Tiền phong với tiêu đề “Nghèo cũng xài sừng tê: Muôn nẻo chữa bệnh” có đoạn viết: “Mài sừng tê giác và hoà vào nước lã, mỗi ngày chị uống một lần. Sau ba tháng, chị bảo bệnh máu không đông của chị giảm hẳn” (Tiền phong, 2015). Những tin tức dạng này chắc hẳn sẽ nhanh chóng được nhân lên thành lời đồn thổi, ca tụng, khiến nhu cầu mua sừng tê giác từ Nam Phi gia tăng và làm thị trường săn trộm ở quốc gia này nóng lên hơn bao giờ hết. Trong khi đó, những thông tin về sức khoẻ kiểu này không hề có sự xác nhận khoa học nào, và chất liệu của sừng tê giác chỉ thuần tuý không khác gì… móng tay con người, theo các nghiên cứu khoa học.

Tương tự, trên mảng báo chí du lịch, có thời gian cứ hễ mô tả tour lên Tây Nguyên, người ta liền nhắc du khách mua ngay nhẫn lông đuôi voi, để cầu duyên, cầu may. Đó là khởi đầu cho việc rất nhiều chú voi bị những kẻ săn trộm cắt trụi lông hoặc bị du khách hành hạ bằng cách giật đuôi để mong lấy được sợi lông về làm nhẫn.

Điều đáng nói là cách báo chí đưa tin về ĐVHD thực sự ảnh hưởng tới thị hiếu và nhận thức của người đọc. Bản tin về cá khổng lồ ở trên có kèm theo những từ ngữ như “giá trị lên tới gần 300 triệu đồng”, “đặt trước”, “phục vụ thượng khách” hay bài báo về việc các đại gia đang ăn con gì (Kiến thức, 2018) sẽ đem lại cho người đọc cảm giác rằng thật hãnh diện khi có tiền bỏ ra để được thụ hưởng một món ăn quý hiếm, tựa như thêm một món “trang sức” trong bữa tiệc thượng hạng vậy. Cách miêu tả, tạo cảm giác và khéo léo thi vị hoá một hành động nguy hiểm của người viết báo sẽ khiến người đọc dần hình thành ý tưởng rằng có đủ tiền để ăn ĐVHD là hành động thể hiện rõ ràng địa vị, đẳng cấp xã hội. Điều này có thể sẽ khiến hành vi buôn bán và sử dụng ĐVHD trong cộng đồng tăng lên khi xã hội nảy sinh tâm lý ngưỡng mộ và kính nể người có thể bỏ tiền mua thân xác loài động vật.

Nghiêm trọng hơn, các bài viết loan truyền tin đồn như “Nghèo cũng xài sừng tê: Muôn nẻo chữa bệnh” hay “Truyền kỳ về sừng tê giác, câu chuyện ra đời của viên thuốc cường dương Viagra thần thánh” (Tri thức trẻ, 2017); hay bài viết “Mật gấu” (Báo Phú Yên) về cái gọi là tác dụng y học cổ truyền của mật gấu sẽ tạo niềm tin lầm lạc cho độc giả. Những bài báo dạng này thường dùng cách nghe người mua bán tả lại tác dụng, mô tả cách người dùng sử dụng thân thể hay nội tạng loài động vật đó. Thậm chí, có các bài báo còn ghi rõ vùng phân bố của gấu, tê giác, rắn, trăn… như một sự “gợi ý” cho kẻ săn tìm động vật. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho ĐVHD mà khi tin tưởng một cách mù quáng về tác dụng y học của sản phẩm từ ĐVHD, người dùng sẽ đối diện với những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình.

Ảnh: PanNature

Tránh “tiếp tay” cho buôn bán và tiêu dùng ĐVHD

Trong bối cảnh các thông tin liên quan đến buôn bán ĐVHD còn bát nháo trên các mạng xã hội, vai trò của báo chí trong truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐVHD, lên án các hành vi trái pháp luật trong săn bắt, vận chuyển và buôn bán các sản phẩm ĐVHD là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, vai trò của báo chí trong việc định hướng và nâng cao nhận thức đối với người tiêu dùng sản phẩm ĐVHD càng quan trọng hơn khi mà luật pháp chưa có chế tài điều chỉnh hành vi tiêu dùng sản phẩm ĐVHD. Bởi lẽ, “không có người mua, không còn kẻ giết”*. Do vậy, để tránh trở thành nhân tố kích thích thị trường buôn bán ĐVHD phát triển, báo giới cần cân nhắc những yếu tố sau khi viết về buôn bán ĐVHD:

  • Không mô tả việc buôn bán động vật, bộ phận ĐVHD như một biểu hiện của sự giàu có, thịnh vượng: Bằng cách tránh sử dụng các từ ngữ ngầm ý ngưỡng mộ kẻ có đủ tiền mua món ĐVHD hoặc mô tả giới đại gia đang chơi gì, ăn con gì hay nuôi “thú quý” ra sao, nhà báo có thể giúp tránh tình trạng định hướng người đọc theo lối tin rằng đây là hành vi đáng được ca ngợi. Tâm lý “có của” có danh sẽ khiến nhiều người có thể tìm đến trò mua bán động vật để thể hiện địa vị xã hội.
  • Tránh tường thuật cuộc mua bán ĐVHD như thể nó là hợp pháp (như bài báo về mua bán cá mấy trăm kg ở trên). Điều này reo vào lòng người đọc ý nghĩ sai lầm là săn, bắt, giết và mua bán những loài vật đó là không phạm pháp, và có thể làm nếu họ muốn kiếm tiền.
  • Tránh viết các bài báo ca ngợi chân dung “nhân vật thành công” kiểu “Săn cá khủng giá chục triệu ở miền Tây (Zing, 2014) ” hay “Vén màn bí mật của những “đại gia” cao hổ” (Soha, 2018). Cách viết này cũng ngụ ý về việc dễ kiếm tiền, kiếm nhiều tiền nhờ săn bắt và buôn bán ĐVHD.
  • Tránh những bài viết kiểu bí kíp y học hay cách chữa khỏi bệnh nhờ các sản phẩm động vật. Đặc biệt tránh khi các thông tin trên chỉ là tin đồn thổi, người già trong làng truyền miệng hay các dạng truyền thuyết không căn cứ khoa học. Bởi lẽ văn hóa Việt Nam thường có xu hướng tin vào các kiểu thuốc “gia truyền”, “bí truyền” chứ ít tìm hiểu kiến thức khoa học hay thực hiện đúng yêu cầu của bác sĩ. Mô tả kiểu tin đồn chỉ khiến động vật bị săn bắn nhiều hơn.
  •  Tránh mô tả vùng phân bố, nơi sinh sống, điều kiện sống của các loài quý hiếm, hoang dã vì điều này sẽ vô tình trở thành sự “chỉ điểm” cho kẻ săn trộm thực hiện hành vi khai thác bất hợp pháp.

Thay vào đó, phóng viên có thể thực hiện một số điều chỉnh nhỏ để bài báo có thể gây sự chú ý đến cộng đồng theo hướng tích cực:

  • Mô tả sự tàn nhẫn của hành vi săn bắt và buôn lậu ĐVHD, như mô tả rõ ràng các con hổ ở Chùa tại Thái Lan bị sử dụng thuốc, bị bán đi, cấp đông, tách bỏ khỏi mẹ ra sao… Những thông tin như vậy có thể khiến người đọc rúng động và nhận thức về sự tàn bạo về mặt đạo đức của hành vi này.
  • Phỏng vấn chuyên gia, cho thấy rõ hành vi buôn bán, giết hại ĐVHD có thể chịu mức án phạt hay tù tội ra sao, hoặc tường thuật các vụ bắt giữ, áp tải hay bẻ gãy đường dây buôn ĐVHD. Điều này đem lại nhận thức cho người dân về tính bất hợp pháp của hành động buôn bán ĐVHD.
  • Kèm theo đường dây nóng của các tổ chức cứu gấu, báo tin buôn lậu động vật, hay báo tin về mạng lưới buôn sừng tê giác… (tuỳ theo nội dung bài viết liên quan đến mảng nào). Thông tin đó có thể giúp người dân tìm được kênh báo tin hay giải quyết vấn đề mà họ chứng kiến trong cộng đồng, đồng thời giúp lực lượng chức năng xử lý hành vi buôn bán sai luật.

Sự tác động của báo giới tới hành vi xã hội của người tiêu thụ ĐVHD là rất lớn. Với những câu chuyện về sự may mắn từ nhẫn lông đuôi voi, tác dụng chữa bệnh từ sừng tê hay săn đại bàng về làm thú cưng, báo chí đã vô tình gợi ý và khuyến khích cho một thị trường tiềm năng xuất hiện. Nơi đó, kẻ mua bán hãnh diện cho rằng mình đã có được thêm trang sức, địa vị khi sở hữu thân thể hay ăn thịt ĐVHD. Việc thay đổi nhận thức này sẽ cực kỳ khó một khi nó đã hình thành và trở thành định kiến bền vững trong cộng đồng. Và nếu nguồn cung nóng lên, sẽ không gì có thể ngăn cản những kẻ săn trộm cày nát Nam Phi để giết tê giác lấy sừng hay sẵn sàng chặt gãy đuôi voi để lấy vài chiếc lông làm nhẫn. Song, nhà báo có thể thay đổi nhận thức đó trong cộng đồng, chỉ từ những góc khai thác khác đi và nhạy cảm hơn với vấn đề nghiêm trọng này.


Tài liệu tham khảo:

  1. Bá Vương. VTC News. 2017. Cặp cá lăng khổng lồ nặng 300kg “bơi” từ Campuchia về Hà Nội. Nguồn: http://bit.ly/btcs594
  2.  Việt Tường. Zing. 2016. Nhà hàng ở An Giang mua được cá tra dầu 230 kg. Nguồn: http://bit.ly/btcs595
  3. Tiền Phong, 2015. Nghèo cũng xài sừng tê giác: Muôn nẻo chữa bệnh. Nguồn: http://bit.ly/btcs596
  4. Báo Phú Yên. Mật Gấu. Nguồn: http://bit.ly/btcs597
  5.  Trần Thanh Cảnh. Trí thức trẻ. 2017. Truyền kỳ về sừng tê giác, câu chuyện ra đời của viên thuốc cường dương Viagra thần thánh. Nguồn: http://bit.ly/btcs598
  6. Kiến thức. 2018. Những loài cá khủng đại gia Việt săn lùng dịp Tết. Nguồn: http://bit.ly/btcs599
  7.  Ngọc Trinh. Zing. 2014. Săn cá khủng giá chục triệu ở miền Tây. Nguồn:  http://bit.ly/btcs603
  8. Yên Chi. Soha. 2018. Vén màn bí mật của những “đại gia” cao hổ. Nguồn:  http://bit.ly/btcs604

[*] Thông điệp chính của Chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê” do Tổ chức WildAid (Cứu trợ Hoang dã), African Wildlife Foundation (Quỹ Hoang dã châu Phi) và Trung tâm Change phối hợp thực hiện tại Việt Nam.

Khải Đơn/Báo Thanh niên