Kỳ 2: Nông, lâm trường khó thoát tội nếu khai báo gian dối

Kiểm tra báo cáo của các nông, lâm trường, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết đã phát hiện nhiều con số không khớp với thực tế sử dụng đất, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi có bằng chứng cụ thể, Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ các biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Kỳ 1: Đất nông, lâm trường: Cho thuê, mượn vô tội vạ!̣

Thưa ông, tại sao các nông, lâm trường quốc doanh đang quản lý, sử dụng một diện tích đất rất lớn song thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh lại không cao và tồn tại rất nhiều vấn đề?

Có thể nói là các nông, lâm trường không chuyển biến và theo kịp tình hình mới của đất nước. Chính vì thế, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các nông, lâm trường rất thấp, có nơi thu nhập của người lao động chỉ 400.000-500.000 đồng/tháng, trong khi lại quản lý một diện tích đất lớn.

Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do các nông, lâm trường tồn tại một thời gian dài trong bao cấp. Thứ hai, công tác đào tạo cán bộ quản lý nông, lâm trường thời gian gần đây, nhất là khi Việt Nam đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, không chuyển biến kịp. Thứ ba, cơ chế chính sách thiếu và không đồng bộ. Thứ tư, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa coi trọng vị trí, vai trò của các nông, lâm trường, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi…

Trước những tồn tại này, vừa rồi, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 28, Chính phủ ký các Nghị định 170, Nghị định 200 để sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện lại rất chậm. Thậm chí đến nay, vẫn còn một thành phố chưa xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường (Hà Nội). Một số tỉnh, một số nông, lâm trường chuyển đổi tốt, song nhiều nơi chưa làm được; có nơi rất lúng túng, không biết chuyển đổi thế nào, nhất là đối với các lâm trường.

Điều quan trọng khi chuyển đổi nông, lâm trường không hiệu quả chính là giải quyết công tác quản lý đất đai. Với hơn 5 triệu ha đất ở các nông, lâm trường, thực chất hiệu quả sử dụng thế nào nay vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.

Do vậy, Chính phủ đã chỉ đạo tổng kiểm tra lại về tình hình đất đai ở các nông, lâm trường. Trên cơ sở đấy, chúng ta có một cái nhìn tổng quát về quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường toàn quốc để có hướng và cách làm mới.

Vấn đề quản lý đất đai của các nông, lâm trường vừa qua rất phức tạp, kể cả quản lý kinh tế cũng có nhiều vấn đề. Sắp tới, các đoàn của Ban Chỉ đạo sắp xếp đổi mới nông lâm trường sẽ thực hiện kiểm tra như thế nào cho hiệu quả nhất?

Bộ NN-PTNT đã có một văn bản chỉ đạo các nông, lâm trường tự kiểm tra và báo cáo. Chúng tôi xem xét, đối chiếu và đi kiểm tra sơ bộ thấy rằng, văn bản của một số nơi so với thực tế quản lý, sử dụng đất không khớp. Việc này chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ. Chính vì thế, cần phải tổ chức các đoàn kiểm tra.

Một lần nữa, Bộ NN-PTNT yêu cầu các nông, lâm trường tự kiểm tra thực trạng sử dụng đất đai của chính mình, và phải nói sự thật. Anh không thể không nói sự thật, không thể giấu giiếm được nữa. Các tỉnh sau đó cũng phải kiểm tra lại báo cáo của nông, lâm trường, ít nhất là 50% số nông, lâm trường của địa phương.

Từ đó, sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng và Ban chỉ đạo. Nơi nào báo cáo không đúng sự thật, tuỳ theo mức độ, chúng tôi sẽ kiến nghị cách xử lý cụ thể.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo TƯ cũng tổ chức 5 đoàn liên ngành. Chúng tôi sẽ kiểm tra tất cả các tỉnh có nông, lâm trường. Mỗi đoàn sẽ kiểm tra một vài tỉnh, một vài tổng công ty, bộ ngành có nông, lâm trường. Cách kiểm tra chủ yếu là đối chiếu báo cáo với thực tế các nông, lâm trường, so sánh với kiểm tra của tỉnh. Sau đó, kiểm tra thực địa trước khi trình Thủ tướng.

Qua rà soát của các địa phương cho thấy còn một số lượng không nhỏ các nông, lâm trường trong tình trạng không thể giải thể được vì âm vốn. Việc này Bộ sẽ giải quyết như thế nào?

Đây là vấn đề rất khó khăn, chúng tôi cũng biết chuyện này và đã báo cáo Chính phủ. Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là cần nghiên cứu lại cho kỹ. Tôi nghĩ sau đợt kiểm tra này, chúng ta phải có cách xử lý dứt khoát.

Nông, lâm trường gắn với đất đai, do đó trong Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và 2 Nghị định của Chính phủ đều không nói tới từ phá sản với các nông, lâm trường, mà chỉ nói giải thể. Nếu nông, lâm trường âm vốn quá lớn, các địa phương cũng không thể giải thể vì nó để lại hậu quả nặng nề. Trong trường hợp này, họ chỉ muốn phá sản nông, lâm trường.

Mà phá sản thì tài sản trên đất không có gì, đất đai sẽ xử lý như thế nào? Không đơn thuần chỉ là kinh tế, đây còn là vấn đề xã hội và có khi còn liên quan tới vấn đề chính trị, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa… liên quan tới đồng bào dân tộc. Vấn đề này rất nhạy cảm.

Trong đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo có cả đại diện Văn phòng TƯ Đảng, Văn phòng Chính phủ cùng đi. Do đó, tôi nghĩ sắp tới sẽ có một chính sách dứt khoát hơn.

Bộ NN-PTNT cũng đã phát hiện tình trạng một số nông, lâm trường báo cáo không đúng sự thật. Ông có thể cho biết đó là các đơn vị nào và Bộ NN-PTNT đã có hình thức xử lý cụ thể chưa, nhất là với những nông, lâm trường cố tình giấu giếm?

Bây giờ không thể nói lâm trường A, lâm trường B như thế này, thế kia bởi họ đã báo cáo. Chúng tôi cũng cho một số anh em, một số đoàn của Bộ đi giám sát, kiểm tra thì thấy có hiện tượng khai báo không đúng thực tế.

Tuy nhiên, để làm cho rõ vấn đề này, cần phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Khi phát hiện những báo cáo không đúng sự thật, phải có số liệu cụ thể, lập văn bản cụ thể. Ví như, lâm trường A quản lý 10.000ha đất lâm nghiệp có hiệu quả, đến khi kiểm tra thực tế, chúng tôi phải biết 10.000ha đó ở đâu, có hiệu quả thật không? Nếu sai sót, cần lập văn bản thì mới xử lý được.

Chúng tôi sẽ có báo cáo kiến nghị Thủ tướng có hình thức xử lý nghiêm, với tinh thần nếu anh có đất đai nhưng không sử dụng, không có phương án sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả thì dứt khoát thu hồi.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!