VINASAT-1: Nâng viễn thông Việt Nam lên tầm cao mới

Sau 13 năm chuẩn bị, vào 5h15p ngày 19/04, Việt Nam đã phóng vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo, đưa ngành viễn thông Việt Nam lên một tầm cao mới. Trong 1 tháng sau khi phóng, VINASAT-1 sẽ được tổng kiểm tra trước khi đi vào hoạt động. Vào giữa tháng 05/2008, Lockheed Martin sẽ chính thức bàn giao VINASAT-1 cho chủ đầu tư Việt Nam là Tập đoàn VNPT. Khi hoạt động, VINASAT-1 nâng mức an toàn, an ninh hạ tầng thông tin Việt Nam lên một tầm mới. Quan trọng hơn, khoảng cách về cơ hội tiếp cận thông tin giữa thành thị và vùng sâu, vùng xa được thu hẹp lại. Đây là đòn bẩy cho nền kinh tế Việt Nam.

Câu chuyện lắp “chảo xóa mù”

Gần một năm nay, nhân dân xã Long Thọ (Đồng Nai) mới được hưởng “cái thú” đọc tin tức mà theo cách nói của lãnh đạo địa phương là “xóa mù thông tin”. Tháng 06/2007, xã vùng sâu này được thí điểm công nghệ VSAT-IP kết hợp ADSL. Nhiệm vụ trước mắt khi đó là phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, nhưng mục tiêu lâu dài là phục vụ đồng bào, phát triển kinh tế – xã hội những xã vùng sâu lân cận còn nhiều khó khăn của tỉnh.

Những hoạt động như gọi điện thoại, đọc báo, cập nhật tin tức thời sự, chủ trương đường lối của Đảng, Chính phủ, hoặc tìm kiếm thông tin trên mạng đã trở thành mặc định cho đa phần người dân thành phố vẫn còn là thứ xa lạ đối với người dân nơi đây. Kéo được Internet về UBND, về trạm xá, trường THCS cũng là một cuộc cách mạng.

Câu chuyện ở xã Long Thọ cũng chỉ là một trong hàng trăm địa phương trên cả nước được tiếp cận với viễn thông, Internet trong thời gian 2 năm qua nhờ VSAT-IP – công nghệ chủ lực trong chiến lược đưa điện thoại xuống 100% xã của VNPT. Trong thời gian đó, Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI), đơn vị thành viên của VNPT, đã triển khai hàng loạt trạm kết nối vệ tinh nhỏ gọn này ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định, Bình Thuận, Bình Phước, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hoá, Nghệ An…

Nhưng nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa khác vẫn còn nằm trong “vùng trắng” viễn thông. Địa hình hiểm trở, dân cư lại thưa thớt, dàn trải, các phương thức liên lạc khác đều không vươn tới được, mà nếu có triển khai thì giá cũng “tới trời”. Nếu không có vệ tinh thì không biết bao giờ người dân tại đó mới có thể sử dụng những dịch vụ căn bản nhất như gọi điện thoại chứ chưa nói đến truyền hình hay Internet.

“Vệ tinh giải quyết được bài toán kinh tế cho việc đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa”, ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng Giám đốc VNPT, khẳng định trong cuộc trao đổi với báo chí. Người đại diện tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam cho rằng quan trọng hơn là việc giải quyết những khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội tại các địa phương này.

“Đơn cử trong lĩnh vực y tế. Hiện vẫn còn nhiều cơ sở y tế ở vùng sâu vùng xa gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin đến với những tiến bộ y học. Việc điều trị sẽ dễ dàng hơn nếu họ được kết nối”, ông Minh nói.

Tuy vậy, từ trước đến nay chúng ta vẫn phải thuê kênh vệ tinh của nước ngoài với giá đắt gấp 1,5 – 2 lần nếu so với sử dụng vệ tinh VINASAT-1. Về lý thuyết, các đơn vị có thể làm được nhiều việc gấp đôi nếu giữ nguyên mức chi thường xuyên như hiện nay khi giá thành đường truyền giảm đi một nửa.

Ông Lâm Quốc Cường, Phó Giám đốc VTI cho biết, hiện công ty này đã có kế hoạch để chuyển đổi toàn bộ thiết bị đang sử dụng để thuê tín hiệu các vệ tinh nước ngoài về sử dụng VINASAT-1 trong thời gian sớm nhất có thể.

“Đến nay kế hoạch chuyển đổi sử dụng các tổng đài điện thoại, trung kế di động đều có cả. Những thiết bị này hiện đã có và đang sử dụng trên hệ thống của nước ngoài như Thái Lan, Hồng Kông, Malaysia,… Những thiết bị nào có thể chuyển đổi để sử dụng ngay với VINASAT-1 đều sẽ được thực hiện hoặc bổ sung nếu cần”, ông Cường nói.

Phát triển dịch vụ dạng kích cầu

Theo phân tích của các chuyên gia, mức chi phí mới cũng khiến việc ứng dụng đường truyền vệ tinh sẽ trở thành lựa chọn thường xuyên hơn trong kế hoạch của những chuyên gia xây dựng hệ thống.

“Thông thường, khi chất lượng được coi là tương đương, giá bán một loại hàng hóa – dịch vụ giảm xuống thì số lượng khách hàng sẽ tăng lên. Dịch vụ kết nối vệ tinh cũng vậy dù nó có những đặc thù riêng”, ông Nguyễn Sơn, giám đốc một công ty truyền thông tại Hà Nội, phân tích. “Những cái có thể thấy được trước mắt là thêm loại dịch vụ truyền hình mới như DTH, thời lượng chương trình trực tiếp tăng lên, các dịch vụ mới sẽ ra đời như điện thoại vệ tinh, v.v…”.

Theo ông Sơn, nếu như trước đây chỉ có những doanh nghiệp hoặc tổ chức lớn mới sử dụng kênh liên lạc này cho những công việc quan trọng thì giờ đây có thể mở rộng đến những đơn vị nhỏ hơn hoặc triển khai dịch vụ phổ thông. Và khi ứng dụng càng nhiều, số lượng dịch vụ càng tăng thì số người “bị” thuyết phục sử dụng sẽ tăng theo. Đơn cử như việc Vinaphone sẽ tiếp tục “mở rộng vùng phủ sóng và đa dạng hóa các phương thức truyền dẫn để đảm bảo an toàn thông tin trong mọi tình huống” – theo lời ông Hoàng Trung Hải, Giám đốc Vinaphone, nói.

“Trước đây, chúng ta đã được chứng kiến một cuộc bùng nổ về dịch vụ nội dung tại Việt Nam khi giá cước Internet giảm mạnh nhờ có ADSL. Không thể có được cuộc cách mạng tương tự vì kết nối vệ tinh là mang tính chất đặc thù, tuy nhiên việc gia tăng ứng dụng sẽ thúc đẩy CNTT-VT và trở thành động lực cho nền kinh tế”, một chuyên gia công nghệ nhận xét.

 
Thứ trưởng Trần Đức Lai: “Khả năng cung cấp tới vùng sâu, vùng xa của VINASAT-1 rất là tốt mà Việt Nam có đặc thù là 70% dân số vẫn sống ở nông thông. Vì thế mà nhu cầu đưa thông tin về nông thôn rất lớn”.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ TT-TT, tin tưởng rằng khi ứng dụng VINASAT-1, nhu cầu của người dân sẽ tăng lên.

“Tôi khẳng định chắc chắn khi vệ tinh được đưa vào sử dụng thì nhu cầu sử dụng sẽ tăng lên. Đặc biệt là các dịch vụ giá trị gia tăng kết hợp trên viễn thông như Internet, truyền số liệu, phát thanh, truyền hình”, ông Lai nói. “Lý do vì khả năng cung cấp tới vùng sâu, vùng xa của VINASAT-1 rất là tốt mà Việt Nam có đặc thù là 70% dân số vẫn sống ở nông thông. Vì thế mà nhu cầu đưa thông tin về nông thôn rất lớn”.

Người đại diện Bộ TT-TT cho rằng sau khi phủ thêm tới vùng sâu, vùng xa, tôi tin là tỷ lệ 70-75 điện thoại trên 100 dân tới năm 2010. Internet thì chúng tôi đang phấn đấu đạt tới 40% dân số có thể tiếp cận được từ 23% hiện nay.

An toàn và an ninh cho cơ sở hạ tầng viễn thông

Khi cơ sở hạ tầng viễn thông hoàn thiện với cả 4 loại hình kết nối cáp quang, cáp đồng trục, sóng viba và vệ tinh, mức độ an toàn, an ninh thông tin quốc gia sẽ được nâng lên một mức mới.

“Đối với lĩnh vực an ninh quốc phòng, vệ tinh đảm bảo sự chỉ đạo đồng bộ với tính ổn định cao đến mọi nơi, mọi lúc mà hệ thống cáp không có được”, ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng giám đốc VNPT, nói.

Trên thực tế, chúng ta đã phải đối mặt với sự lao đao khi sự cố đứt cáp quang biển tháng 12/2006. Tại thời điểm đó, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam đã phải đàm phán gấp rút để thuê thêm kênh vệ tinh để truyền dẫn tín hiệu ra nước ngoài với giá rất đắt.

“Khi có vệ tinh, nó sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin của chúng ta lên, có đầy đủ các phương tiện. Cái tốt thứ nhất là độ an toàn thông tin được đảm bảo chắc chắn hơn”, ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ TT-TT, nói. Theo ông, các hệ thống thông tin bao giờ cũng hỗ trợ nhau. Ví dụ cáp quang thì có những điểm rất lợi, rất tốt, nhưng khi có thiên tai, địch họa thì dù trên đất liền hay dưới biển đều bị ảnh hưởng. Thậm chí có thể những hoạt động của con người cũng có thể gây đứt cáp quang. Hoặc vi-ba thì đòi hỏi phải dựng những cột thu phát lớn, gió bão có thể làm xoay hướng và mất liên lạc.

Khi có vệ tinh thì chúng ta rất an toàn khi chuyển những lưu lượng từ cáp quang, vi-ba bị ảnh hưởng sang vệ tinh vì không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Mặt khác, vệ tinh cũng khắc phục được những nhược điểm mà trước đây chúng ta áp dụng cáp đồng, cáp quang, vi-ba. Đó là vệ tinh không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách.

Việc đào, kéo cáp quang lên địa hình vùng núi ở Việt Nam rất phức tạp. Truyền bằng vi-ba thì phải theo tầm nhìn thẳng, mỗi cột vi-ba cách nhau khoảng 50-70km mà phải nhìn thẳng được nhau thì xây dựng ở núi cao rất khó khăn, từ huyện nọ sang huyện kia mà có 1 cái núi chắn là khó rồi. Kể cả việc đưa thông tin ra biển cũng rất khó, đơn cử như Hoàng Sa – Trường Sa cách đất liền tới 500 – 700km.